Thỉnh thoảng ta lại có cảm giác như ta và bộ não không “hợp cạ” với nhau. Ta muốn đi ngủ, nhưng bộ não muốn ta thức bằng cách gợi lại những chuyện thời thơ ấu. Ta muốn quên đi lời bài hát ngu ngốc hồi thập niên 1980 nhưng bộ não thì muốn lặp đi lặp lại nó tới phát ngán.
Cuộc chiến nội tại này có thể là về bất cứ điều gì, từ nỗ lực kiềm nén cảm giác khó chịu nhỏ thỉnh thoảng xảy ra (mình tắt bếp chưa nhỉ?) đến một trở ngại hầu như diễn ra hàng ngày. Những suy nghĩ liên tục về thức ăn dẫn đến béo phì, những suy nghĩ tiêu cực dai dẳng dẫn đến trầm cảm và những sự kiện gây đau buồn cứ hiện ra hoài trong tâm trí.
Ta thường phản ứng với những xung đột tinh thần dai dẳng này bằng cách cố quên nó đi, tránh suy nghĩ đến nó hoặc có những hành động khác tương tự. Thật không may, trái với suy nghĩ của ta rằng cách này sẽ có tác dụng, các nghiên cứu tâm lý học trong 20 năm qua đã khám phá ra rằng phản ứng đó không chỉ sai mà còn có khả năng khiến tình hình trở nên tệ hơn.
Kiềm nén suy nghĩ
Trong một nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực này, Giáo sư Daniel Wegner và các đồng nghiệp đã khảo sát tác động của hành động ngăn chặn suy nghĩ (Wegner và cộng sự, 1987). Đầu tiên, những người tham gia được yêu cầu cố gắng không suy nghĩ đến một con gấu trắng trong vòng 5 phút, và 5 phút tiếp theo họ được yêu cầu nghĩ về một con gấu trắng. Trong suốt thí nghiệm, những người tham gia nói ra bất cứ suy nghĩ nào trong đầu và bấm chuông mỗi lần họ nghĩ đến con gấu trắng.
Những người cố kiềm nén suy nghĩ từ đầu có số lần bấm chuông gần gấp đôi những người trong nhóm đối chứng. Có vẻ như hành động cố kiềm nén suy nghĩ càng khiến suy nghĩ đó chống cự lại mạnh mẽ hơn.
Tác động này sau đó đã được tái kiểm tra bởi những nhà nghiên cứu khác, sử dụng các phương pháp thí nghiệm khác nhau và có vẻ tương đối mạnh mẽ (Wenzlaff & Wegner, 2000). Kết quả tương tự thậm chí cũng xảy ra khi mọi người không được trực tiếp yêu cầu kiềm nén một suy nghĩ nhất định mà chỉ được khuyến khích làm vậy qua những hình thức tế nhị hơn. Nó được xem là ‘phản ứng bật ngược sau khi kiềm nén’ và có thể đóng vai trò quan trọng ở nhiều khía cạnh trong trải nghiệm hàng ngày của chúng ta.
Kiềm nén cảm xúc
Kể từ khi phát hiện ra phản ứng bật ngược, các nhà nghiên cứu đã thăm dò các tình huống mà nó xuất hiện, đặc biệt là cách sự kiềm nén tương tác với cảm xúc. Không có gì ngạc nhiên khi những suy nghĩ mang nhiều cảm xúc lại đặc biệt dễ bị tác động bởi phản ứng bật ngược. Trong một nghiên cứu, những người tham gia được yêu cầu viết về một sự kiện hàng ngày có hoặc không chứa đựng cảm xúc (Petrie và các cộng sự, 1998). Sự kiện những người tham gia khó kiềm nén nhất chính là sự kiện mang tính cảm xúc, như thể chính nội dung mang đầy cảm xúc đã khiến suy nghĩ dễ chống lại nỗ lực kiềm nén nó hơn.
Nhưng dù những sự kiện cảm xúc đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi phản ứng bật ngược, có lẽ ta sẽ kiềm nén tốt một suy nghĩ nhất định hơn nếu được tập luyện? Có lẽ lý do khiến mọi người khó kiềm nén suy nghĩ về con gấu trắng là vì đó là một suy nghĩ khác thường. Vì vậy mà đã xuất hiện các cuộc nghiên cứu xem xét tình trạng của mọi người khi kiềm nén những suy nghĩ mà họ đã quen kiềm nén.
Wegner và Gold (1995) kiểm tra sự kiềm nén cảm xúc bằng cách xoáy sâu vào “tình sử” của mọi người, sử dụng phương pháp so sánh đơn giản giữa “lửa nóng” và “lửa lạnh”. “Lửa nóng” dùng để chỉ người yêu/bạn đời cũ nhưng vẫn khiến ta có cảm xúc khi nghĩ đến, trong khi đó “lửa lạnh” chỉ người yêu/bạn đời không còn khiến ta có chút cảm xúc nào. Theo lý thuyết, “lửa nóng” nên khiến ta có nhiều suy nghĩ khó chịu, do đó mọi người nên luyện tập kiềm nén những suy nghĩ này hơn. Trong khi đó, vì lửa lạnh không làm xuất hiện những suy nghĩ khó chịu, mọi người nên ít tập luyện kiềm nén nó hơn.
Kết quả cho thấy xu hướng đúng như mong đợi: mọi người thấy khó kiềm nén suy nghĩ về lửa lạnh và cho là vì họ ít luyện tập làm việc này hơn.
Kiềm nén suy nghĩ trong phòng thí nghiệm là một chuyện, tuy nhiên, kiềm nén chúng ngoài thực tế, trong một khoảng thời gian nhất định, lại là chuyện khác. Để hiểu được sự kiềm nén suy nghĩ trong thời gian dài, Trinder và Salkovskis (1994) yêu cầu người tham gia theo dõi những suy nghĩ gây khó chịu trong 4 ngày. Khi so sánh với nhóm đối chứng, những người tham gia nào cố kiềm nén suy nghĩ lại cảm thấy khó chịu hơn và còn nghĩ đến nó nhiều hơn. Có vẻ như dù có tập luyện thì việc kiềm nén suy nghĩ về lâu dài cũng sẽ dẫn đến phản ứng bật ngược.
Đáp trả
Được tạo đà bởi những phát hiện về các hiệu ứng nghịch lý của việc kiềm nén suy nghĩ, các nhà tâm lý học phát hiện ra rằng hiệu ứng bật ngược này còn xuất hiện trong nhiều loại tình huống khác. Sau đây là một vài ví dụ đã được thảo luận bởi Wenzlaff và Wegner (2000):
Thèm muốn. Đối với những ai đang ăn kiêng hay cố gắng bỏ hút thuốc, kiềm nén suy nghĩ có thể phản tác dụng. Một nghiên cứu cho thấy những người hút thuốc cố kiềm nén suy nghĩ hút thuốc thì thèm hút thuốc hơn những người không cố kiềm nén suy nghĩ của họ. (Salkovkis & Reynolds, 1994). Phương pháp phân tâm trở thành kỹ thuật thích hợp hơn để giải quyết vấn đề.
Ký ức gây khó chịu. Cũng như hành động cố không suy nghĩ về thức ăn hay hút thuốc, ký ức có vẻ ùa về mạnh mẽ hơn khi ta cố tình kiềm nén nó. Nhưng dường như chỉ có một số khía cạnh của ký ức là bị tác động, việc kiềm nén suy nghĩ thỉnh thoảng ảnh hưởng đến trình tự của ký ức.
Trầm cảm. Trầm cảm biểu thị cho xu hướng suy nghĩ tiêu cực mà trong đó người bệnh luôn nhìn nhận vấn đề theo hướng tồi tệ nhất. Việc cố kiềm nén những suy nghĩ này có thể khiến ta nhớ lại nó càng rõ ràng hơn và tinh thần ta đau đớn hơn gấp bội. Do đó một số nhà tâm lý học đã đề xuất một phương pháp điều trị dựa trên việc chấp nhận. (ví dụ như Marcks và Woods, 2005).
Đây chỉ là một số ít ví dụ, các cuộc nghiên cứu còn xem xét các nỗ lực ngăn chặn suy nghĩ về các sự việc đau buồn, định kiến, nỗi đau thể xác và nỗi ám ảnh. Có một xu hướng tương tự xuất hiện trong nhiều nghiên cứu: việc cố đẩy lùi những suy nghĩ về nỗi đau, sự tổn thương hay nỗi ám ảnh sẽ khiến chúng bật lại “đáp trả’’.
Bộ não không nghe lời của chúng ta
Điều gì khiến bộ não của ta không nghe lời đến vậy? Vì sao khi ta muốn loại bỏ một suy nghĩ khỏi đầu thì ta lại nhớ nó rõ hơn? Giáo sư Daniel Wegner đưa ra lời giải thích ngắn gọn gọi là “học thuyết tiến trình trớ trêu”: hiệu ứng bật ngược sau khi kiềm nén suy nghĩ không phải chỉ là hệ quả ngẫu nhiên do cách lập trình của bộ não mà còn là một phần không thế thiếu của chính quá trình kiềm nén suy nghĩ (Wegner, 1994).
Theo học thuyết này, sau đây là những gì sẽ xảy ra khi tôi muốn ngừng một suy nghĩ cứ tái diễn trong đầu: Đầu tiên, tôi làm bản thân xao nhãng bằng cách cố ý nghĩ về chuyện khác. Sau đó, trí óc tôi khởi động một quá trình theo dõi vô thức để kiểm tra xem tôi có vẫn còn đang suy nghĩ về điều mà tôi không nên suy nghĩ không.
Vấn đề xảy ra khi tôi ngừng cố gắng làm bản thân phân tâm một cách có ý thức trong khi tiến trình vô thức vẫn tiếp tục theo dõi những gì tôi đang cố kiềm nén. Bất cứ suy nghĩ nào mà nó thấy giống với suy nghĩ mục tiêu sẽ kích thích tôi nhớ lại và vòng lặp khác lại bắt đầu – tôi suy nghĩ về chính điều mà tôi đang cố quên đi.
Sau đó, điều trớ trêu trong hành động kiềm nén suy nghĩ chính là việc kiểm soát trí óc của ta thỉnh thoảng có hại nhiều hơn có lợi. Mặc dù thật hợp lý khi ta cố kiềm nén những suy nghĩ mình không mong muốn, nhưng rủi thay, chính tiến trình này lại ẩn chứa nguy cơ gây hại. Càng cố đẩy lùi những suy nghĩ gây khó chịu, ta sẽ càng nhớ đến nó rõ ràng hơn bao giờ hết.
Tác giả: Jeremy Dean
Nguồn: UBrand.cool