Đã có hàng trăm ấn phẩm khoa học trong hơn một thế kỷ qua ghi lại những ký ức về sang chấn có thể bị kìm nén và chỉ xuất hiện lại sau nhiều năm hoặc nhiều thập niên. Nhiều tài liệu đã ghi chép về hiện tượng mất trí nhớ ở những người đã trải qua thiên tai, tai nạn, sang chấn chiến tranh, bắt cóc, tra tấn, trại tập trung và bị lạm dụng thể chất và tình dục.
Hiện tượng mất trí nhớ hoàn toàn là phổ biến nhất ở nạn nhân bị lạm dụng tình dục khi còn bé, với tỷ lệ mắc bệnh từ 19-38%. Mất trí nhớ đã là một phần của tiêu chí cho PTSD khi chẩn đoán này lần đầu tiên được giới thiệu.
Tiến sĩ Linda Meyer Williams đã tiến hành một trong những nghiên cứu thú vị nhất về sự kìm nén trí nhớ khi cô là sinh viên cao học về xã hội học tại Đại học Pennsylvania vào đầu những năm 1970. Williams đã phỏng vấn 206 bé gái từ 10-12 tuổi nhập viện cấp cứu sau khi bị lạm dụng tình dục. Các kết quả xét nghiệm của các em, các cuộc phỏng vấn với các em và cha mẹ của các em đều được lưu giữ trong hồ sơ bệnh án của bệnh viện.
17 năm sau, Williams theo dõi 136 trẻ em này, tất nhiên họ nay đã là người lớn. Cô phỏng vấn họ. Hơn 1/3 số phụ nữ (38%) không nhớ chuyện mình bị lạm dụng tình dục nhưng chỉ có 15 phụ nữ (12%) nói rằng họ chưa bao giờ bị lạm dụng khi còn nhỏ. Hơn 2/3 (68%) kể về các sự cố khác về lạm dụng tình dục trẻ em. Những phụ nữ từng bị lạm dụng tình dục khi còn rất bé và những người bị lạm dụng tình dục bởi người quen thường quên mất chuyện mình bị lạm dụng tình dục.
Nghiên cứu này cũng kiểm tra độ tin cậy của những ký ức được hồi phục. 1/10 phụ nữ (16% những người nhớ lại vụ lạm dụng) nói rằng họ đã quên nó trong một khoảng thời gian trước đây rồi sau đó nhớ lại rằng điều đó đã xảy ra. Williams cũng xác định rằng những ký ức đã hồi phục này cũng không toàn vẹn: Họ nhớ chính xác về kiện chính của vụ việc, nhưng không có câu chuyện nào họ kể chính xác tới từng chi tiết như trong tài liệu ghi chép”.
Phát hiện của William được ủng hộ bởi nghiên cứu khoa học thần kinh mới đây, cho thấy những ký ức nào được phục hồi có xu hướng trở về trú ngụ lại trong ngân hàng ký ức thì đều bị chỉnh sửa”. Khi không thể tiếp cận được ký ức thì tâm trí không thể thay đổi được ký ức ấy. Nhưng khi ta có thể bắt đầu kể lại câu chuyện đó, đặc biệt nếu có thể kể lại nhiều lần, thì câu chuyện đó sẽ thay đổi, chỉ cần kể ra thôi là đã thay đổi câu chuyện đó rồi. Tâm trí sẽ gán ý nghĩa cho những gì nó biết và chính những ý nghĩa ta có từ cuộc sống của mình sẽ làm thay đổi cách thức chúng ta ghi nhớ và những điều ta ghi nhớ.
Việc mất mát trí nhớ và trì hoãn nhớ lại những trải nghiệm sang chấn chưa bao giờ được ghi nhận trong phòng thí nghiệm nên một số nhà khoa học về nhận thức đã phủ nhận sự tồn tại của những hiện tượng này và cho rằng những ký ức sang chấn được hồi phục là không chính xác. Tuy nhiên, những gì mà bác sĩ gặp phải trong phòng cấp cứu, tại các bệnh viện tâm thần, trên chiến trường hoàn toàn khác với những gì các nhà khoa học quan sát thấy trong các phòng thí nghiệm.
Hãy xem xét thử nghiệm “đi lạc trong khu mua sắm”. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng có thể khá dễ dàng cấy ghép ký ức về những sự kiện chưa bao giờ xảy ra, ví dụ ký ức đi lạc trong khu mua sắm khi còn bé. Khoảng 25% các đối tượng trong các nghiên cứu này sau đó “nhớ lại” rằng họ đã sợ hãi và thậm chí viết ra chi tiết chuyện mình đi lạc. Nhưng những hồi tưởng như vậy không liên quan đến những nỗi khiếp sợ mà một đứa trẻ thực sự bị lạc mẹ trải nghiệm.
Một dòng nghiên cứu khác tập trung vào sự thiếu tin cậy trong lời khai của các nhân chứng. Những người tham gia nghiên cứu được cho xem đoạn ghi hình một chiếc xe chạy trên đường, sau đó họ được hỏi có nhìn thấy biển báo bên đường hay cột đèn điện không. Các trẻ em tham gia nghiên cứu có thể được hỏi là có nhớ cái áo của người đàn ông đến thăm lớp học có màu gì hay không. Các phép thực nghiệm này cho thấy câu hỏi đặt ra cho các nhân chứng có thể làm thay đổi những gì họ tuyên bố là đã nhớ. Những nghiên cứu này giúp cảnh sát và tòa án thực hành việc đặt câu hỏi cho các bên có liên quan, nhưng nó lại không mấy liên quan đến ký ức sang chấn vì những sự kiện diễn ra trong phòng thí nghiệm không thể xem là tương đương với điều kiện khi xảy ra ký ức sang chấn.
Tiến sĩ Roger Pitman đã tiến hành một nghiên cứu tại Harvard, trong đó ông cho các sinh viên xem bộ phim Faces of Death (Những khuôn mặt của tử thần) có đoạn phim về những ca tử vong và tử hình. Bộ phim cực kỳ tàn khốc này hiện bị cấm chiếu ở nhiều nơi, nhưng nó không khiến những sinh viên tình nguyện của Pitman phát triển triệu chứng PTSD. Nếu muốn nghiên cứu bộ nhớ sang chấn, bạn phải nghiên cứu trải nghiệm của những người đã thực sự bị sang chấn.
* Nguồn: Sách SANG CHẤN TÂM LÝ
Sưu tầm và biên soạn bởi đội ngũ Tâm Lý Học Ứng Dụng