Kẻ Ác Cạnh Bên: Phần 3 – Làm thế nào để nhận diện ra sociopath?

“Làm cách nào để biết ai là người đáng tin?” 

Bởi vì có nhiều người từng chịu tổn thương tâm lý nặng nề, hầu hết do người khác gây ra, nên chẳng có gì bất ngờ khi câu hỏi đáng được quan tâm. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề cấp thiết với hầu hết mọi người, kể cả những người chưa từng chịu cú sốc dữ dội, và rằng tất cả chúng ta đều luôn cố gắng hết sức để đánh giá mức độ có lương tâm hay không có lương tâm ở người khác. Chúng ta đặc biệt quan tâm đến lương tâm của những người có mối quan hệ gần gũi với ta, và khi ta gặp một người mới có sức thu hút, ta thường dồn nhiều tâm sức để nghi ngờ, suy đoán và nghĩ ngợi về câu hỏi này.

nhan-dien-sociopath

LÀM THẾ NÀO ĐỂ NHẬN DIỆN RA KẺ ÁC CẠNH BÊN?

Những kẻ không đáng tin cậy không khoác lên người chiếc áo đặc biệt, hoặc được đánh dấu trên trán, và việc chúng ta thường phải đưa ra những quyết định quan trọng về người khác chủ yếu dựa trên phỏng đoán chủ quan khiến ta có những định kiến trong suốt cả đời. “Đừng tin ai quá 30 tuổi,” “Đừng bao giờ tin đàn ông,” “Đừng bao giờ tin phụ nữ,” “Chớ có tin bất kỳ ai” là những ví dụ phổ biến nhất. Ta muốn có một quy tắc rõ ràng, ngay cả khi đó là quy tắc “vơ đũa cả nắm” bởi vì một điều cực kỳ quan trọng với ta là ta cần biết rõ nên đề phòng ai. Nhưng những quy tắc chung chung này không hiệu quả, và tồi tệ hơn, nó có khuynh hướng khiến ta lo lắng và không vui vẻ trong cuộc sống.

Trừ phi bạn biết rõ một người nào đó trong nhiều năm, không có một quy tắc nào dễ dàng hay cách kiểm nghiệm nào để xác thực độ tin cậy, và việc thừa nhận thực tế này là cực kỳ quan trọng dù điều đó làm ta chán nản. Hơn nữa, việc cho rằng có một giải pháp hiệu quả – giải pháp mà đến giờ vẫn chưa ai tìm ra – là tự làm khổ chính mình theo cách làm giảm giá trị bản thân và không công bằng. Khi nói đến việc đặt niềm tin nơi người khác, tất cả chúng ta đều mắc sai lầm.

“Làm thế nào để biết ai là người không đáng tin cậy?” 

Câu trả lời đưa ra thường khiến mọi người ngạc nhiên. Lẽ tự nhiên, họ kỳ vọng tôi sẽ miêu tả chi tiết một hành vi hung hãn hay một cử chỉ cụ thể hay cách dùng từ ngữ mang tính đe dọa nào đó để làm dấu hiệu cảnh báo. Thay vào đó, tôi khiến họ bất ngờ khi bảo đảm với họ rằng tất cả những điều này không phải là dấu hiệu cảnh báo, bởi vì không điều nào trong số những điều này là xác thực cả. Dấu hiệu rõ ràng nhất trong tất cả chính là màn kịch khơi dậy lòng trắc ẩn. Dấu hiệu xác thực nhất, hành vi phổ biến nhất của kẻ vô nhân tính, không phải đánh vào nỗi sợ như ta tưởng tượng, mà ngược lại, nó khơi gợi lòng thương xót ở mỗi con người.

MỘT CÂU CHUYỆN SẼ KHÔNG BAO GIỜ XUẤT HIỆN TRÊN BẢN TIN THỜI SỰ

“Tôi học được điều này lần đầu tiên khi vẫn đang học cao học ngành tâm lý học và có cơ hội phỏng vấn một người do tòa án đưa đến và được xác định là psychopath. Hắn không phải là một kẻ bạo lực, mà hắn lừa tiền của mọi người bằng những trò đầu tư gian lận tinh vi. 

Cảm thấy tò mò về con người này và về động cơ thúc đẩy hắn – lúc đó tôi còn trẻ nên nghĩ loại người như hắn chắc đếm trên đầu ngón tay thôi – tôi hỏi, “Điều gì quan trọng đối với anh trong cuộc sống? Anh muốn điều gì hơn tất thảy những thứ khác?” Tôi nghĩ hắn sẽ trả lời “kiếm tiền,” hay “không ngồi tù,” vốn là những hoạt động mà hắn dành hầu hết thời gian vào đó. 

Thay vào đó, không chút đắn đo, hắn trả lời, “Ồ dễ thôi. Cái mà tôi thích hơn tất thảy những thứ khác là khi người khác dành sự thương xót cho tôi. Thứ tôi thật sự muốn hơn bất kỳ thứ gì trên đời là lòng thương xót của người khác.” Tôi cảm thấy kinh ngạc và rất khó chịu. Tôi nghĩ mình sẽ thích hắn hơn nếu hắn trả lời “không ngồi tù,” hay thậm chí “kiếm tiền.” Tôi cũng thấy khó hiểu. 

Cớ sao gã đàn ông này – hay bất kỳ kẻ nào khác – lại muốn được thương xót, chưa nói đến việc đặt điều này lên trên mọi mong muốn khác? Tôi không tưởng tượng nổi. Nhưng giờ đây, sau 25 năm lắng nghe các nạn nhân, tôi đã hiểu được lý do vì sao sociopath lại thích có được sự xót thương đến thế. Giống như cái mũi hiện sờ sờ trên gương mặt nhưng nếu không soi gương thì khó mà nhìn thấy được, lời giải thích ở đây là người tốt sẽ để những kẻ đáng thương thoát tội giết người, có thể nói là như vậy. Bởi thế, bất kỳ sociopath nào muốn tiếp tục cuộc chơi của hắn, bất kể là gì, sẽ hết lần này đến lần khác diễn màn kịch để có được không gì khác hơn ngoài lòng thương xót.”

Trích đoạn sách “Kẻ Ác Cạnh Bên”

Khi chúng ta động lòng thương hại, ít nhất trong khoảnh khắc ấy, chúng ta trở nên không đề phòng, và giống như bao đức tính tốt đẹp khác kết nối chúng ta lại với nhau trong cộng đồng – vai trò xã hội và nghề nghiệp, gắn kết về mặt thể chất, coi trọng sự đam mê và sáng tạo, tôn trọng cấp trên – cảm xúc dễ tổn thương mà ta cảm nhận khi thương xót người khác bị những kẻ không có lương tâm lợi dụng để chống lại ta. Hầu hết chúng ta đều đồng ý rằng dành sự tha thứ đặc biệt cho một kẻ không biết hối hận là một ý tồi, nhưng thường thì khi kẻ đó tỏ vẻ đáng thương thì ta lại tha cho hắn.

Khi quyết định ai là người đáng tin, hãy luôn ghi nhớ một điều rằng dấu hiệu cảnh báo dễ nhận thấy nhất về sociopath chính là hắn liên tục có những hành vi xấu xa hoặc cực kỳ phi lý kết hợp với màn khơi dậy lòng thương xót nơi bạn. Một người có cả hai dấu hiệu trên không nhất thiết phải là kẻ giết người hàng loạt hay thậm chí là kẻ bạo lực, nhưng chắc chắn đó không phải là người mà bạn muốn kết giao, trở thành đối tác làm ăn, nhờ chăm sóc con cái hoặc lấy làm vợ chồng. Đây không phải là điều không thể chống lại, nhưng cũng không dễ dàng gì.

Bạn cần chuẩn bị gì để bảo vệ cuộc sống của mình trước kẻ ác? Xin mời bạn đón đọc phần tiếp theo trong Series Kẻ Ác Cạnh Bên.

*Link sách Kẻ Ác Cạnh Bên trên tiki tại ĐÂY.

Series Kẻ Ác Cạnh Bên

*Bài viết độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+