Ở phần trước (Sociopath là gì và điều gì tạo ra chúng?), chúng ta đã biết khuynh hướng một người sở hữu những đặc điểm của sociopath phần nào là do bẩm sinh, với xác suất lên đến khoảng 50%. Tuy nhiên, “hòn đá” di truyền của cuộc đời chúng ta đã được định sẵn trước khi ta ra đời, nhưng sau khi ta mở mắt chào đời, thế giới cầm lấy “con dao của nhà điêu khắc” và bắt đầu đục đẽo một cách quyết liệt, lên trên bất kỳ bản chất nguyên liệu nào được cung cấp. Những nghiên cứu về di truyền cho ta thấy rằng đặc biệt đối với chứng vô nhân tính, sinh học tối đa cũng chỉ là một nửa câu chuyện. Bên cạnh yếu tố di truyền, môi trường khác nhau cũng ảnh hưởng đến điều kiện dẫn đến việc không có lương tâm, mặc dù vậy, như chúng ta sắp sửa thấy, những ảnh hưởng này là gì thì vẫn còn là một điều mơ hồ.
SỰ NGƯỢC ĐÃI THỜI ẤU THƠ CÓ TẠO NÊN SOCIOPATH?
Suy đoán về những yếu tố xã hội tạo ra sociopath phù hợp với trực giác nhất chính là hành vi ngược đãi thời thơ ấu. Có lẽ một số người được di truyền chứng vô nhân tính cuối cùng sẽ trở thành sociopath, còn những người khác thì không phải vậy, bởi vì những người trở thành sociopath này bị ngược đãi hồi còn nhỏ, và sự ngược đãi đó khiến cho tình trạng tâm lý, thậm chí chức năng thần kinh đã tổn thương của họ trở nên tồi tệ hơn.
Xét cho cùng, chúng ta biết chắc chắn rằng hành vi ngược đãi thời thơ ấu gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực khác, trong số đó là tình trạng phạm pháp và bạo lực ở tuổi vị thành niên (không mắc chứng vô nhân tính), trầm cảm ở người trưởng thành, tự sát, phân ly nhân cách cùng nhiều dạng ý thức khác nhau, biếng ăn, lo lắng mãn tính, và lạm dụng chất gây nghiện. Những nghiên cứu xã hội học và tâm lý học cho ta thấy chắc chắn rằng hành vi ngược đãi thời thơ ấu là liều thuốc độc cho tinh thần.
Nhưng khác với hành vi phạm pháp và bạo lực thông thường ở tuổi vị thành niên không mắc chứng vô nhân tính, vấn đề của việc cho rằng hành vi ngược đãi thời thơ ấu dẫn đến chứng vô nhân tính là không có những phát hiện đáng thuyết phục về mối liên kết giữa đặc điểm cốt lõi của sociopath – chính là không có lương tâm – với sự ngược đãi thời thơ ấu. Ngoài ra, nhóm sociopath không bị ảnh hưởng bởi những hậu quả bi kịch khác của sự ngược đãi thời thơ ấu, chẳng hạn như trầm cảm và lo âu, và ta biết từ nhiều nghiên cứu rằng những người từng chịu ngược đãi trong những năm đầu đời, dù cho họ có phạm pháp hay không, cũng không mắc phải những vấn đề như thế.
Khi tìm hiểu về những ảnh hưởng của môi trường đến sự phát triển chứng vô nhân tính, nhiều nhà khoa học đã quay sang khái niệm rối loạn gắn bó thay vì chỉ đơn thuần là sự ngược đãi thời thơ ấu.
SỰ GẮN BÓ QUAN TRỌNG NHƯ THẾ NÀO?
Nghiên cứu chỉ ra rằng sự gắn bó đủ đầy trong thời thơ ấu mang lại nhiều kết quả tốt đẹp, bao gồm sự phát triển khả năng tự điều chỉnh cảm xúc theo chiều hướng lành mạnh, ký ức tự thuật và năng lực suy ngẫm về những trải nghiệm và hành động của bản thân. Có lẽ sự gắn bó quan trọng nhất trong thời thơ ấu giúp cho một cá nhân tạo ra sự ràng buộc tình cảm với người khác về sau. Sự gắn bó trong những năm đầu đời được hình thành ở giai đoạn trẻ được 7 tháng tuổi, và hầu hết những đứa trẻ sơ sinh thành công trong việc tạo sự gắn bó với người chăm sóc đầu tiên đều phát triển sự ràng buộc tình cảm.
Rối loạn gắn bó là một hiện tượng tồi tệ xảy ra khi sự gắn bó thời thơ ấu bị gián đoạn do sự kém cỏi của cha mẹ (như chứng rối loạn cảm xúc nghiêm trọng ở cha mẹ) hoặc chỉ vì trẻ sơ sinh bị bỏ một mình quá nhiều (như trong các trại mồ côi). Những trẻ em và người lớn bị rối loạn gắn bó nghiêm trọng, nghĩa là trong suốt 7 tháng đầu đời không nhận được sự gắn bó nào, sẽ không có khả năng kết nối cảm xúc với người khác, từ đó bị đưa đẩy đến với số phận có thể cho là còn tệ hơn cái chết.
Theo số liệu thống kê, sự thất vọng về cảm xúc ấu thơ có mối liên kết với những yếu tố có thể khiến cho sự gắn bó giữa mẹ và trẻ sơ sinh trở nên khó khăn hơn, chẳng hạn như sinh thiếu tháng, mức cân nặng của trẻ lúc chào đời cực thấp và lạm dụng chất kích thích của người mẹ trong quá trình mang thai.
Nhiều bậc cha mẹ và chuyên viên lâm sàng cho biết những đứa trẻ sociopath không xây dựng mối quan hệ ấm áp với các thành viên trong gia đình. Chúng có xu hướng sống tách biệt, cả về thể chất lẫn tinh thần. Và, dĩ nhiên, những đứa trẻ bị chứng rối loạn gắn bó cũng vậy. Nhưng không giống với hoàn cảnh đau buồn của đứa trẻ bị rối loạn gắn bó, nhiều khả năng là sự tách biệt khỏi gia đình là hệ quả của cách tồn tại trên thế giới của đứa trẻ sociopath chứ không phải là nguyên nhân tạo ra cách sống đó.
VĂN HÓA XÃ HỘI VÀ SỰ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SOCIOPATH
Hoàn toàn khả thi là những ảnh hưởng của môi trường lên chứng vô nhân tính chắc chắn có mối liên kết với những đặc tính văn hóa chung hơn bất cứ yếu tố dưỡng dục nào cụ thể. Thật vậy, việc liên hệ chứng vô nhân tính với văn hóa cho đến nay đã mang lại kết quả cho các nhà nghiên cứu nhiều hơn là khi đi tìm câu trả lời trong điều kiện nuôi dưỡng trẻ. Thay vì là sản phẩm của hành vi ngược đãi thời thơ ấu trong gia đình, hay của chứng rối loạn gắn bó, có lẽ chứng vô nhân tính có liên quan đến mối tương tác giữa kết nối thần kinh bẩm sinh của các cá nhân và xã hội rộng lớn bên ngoài, nơi mà họ sống đến hết cuộc đời.
Thú vị ở chỗ là sociopath có vẻ tương đối hiếm ở một số nước Đông Á, nhất là ở Nhật và Trung Quốc. Những nghiên cứu được tiến hành ở cả vùng nông thôn và thành thị tại Đài Loan cho thấy tỷ lệ rối loạn tính cách chống xã hội cực kỳ thấp, từ 0,03% đến 0,14 %, ít hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình xấp xỉ 4% ở phương Tây, nghĩa là trong 25 người thì có 1 kẻ là sociopath. Thật đáng lo ngại, tỷ lệ sociopath ở Mỹ dường như ngày càng tăng. Rõ ràng, những tác động của văn hóa đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển (hoặc không phát triển) của chứng vô nhân tính ở bất kỳ dân số nào.
Trái với việc chú trọng quá mức vào chủ nghĩa cá nhân và khả năng tự kiểm soát, một số nền văn hóa nhất định, đặc biệt là ở Đông Á, tập trung vào mối tương quan của tất cả các sinh vật sống. Thật thú vị, giá trị này cũng là cơ sở của lương tâm, vốn là ý thức trách nhiệm bắt nguồn từ ý thức về sự kết nối. Nếu một người không có, hoặc không thể về mặt thần kinh, trải nghiệm sự kết nối với người khác về mặt cảm xúc, thì có lẽ một nền văn hóa xem sự kết nối là vấn đề niềm tin có thể trui rèn sự thấu hiểu về trách nhiệm giữa người với người.
Do vậy, dù vô tình hay cố ý thì môi trường sống của gia đình, nhà trường, xã hội và sự giáo dục thời thơ ấu với một đứa trẻ có thể ảnh hưởng một cách mãnh liệt đến nhân cách của nó sau này. Cho nên, một khi đã hiểu được sự thật đó thì bạn mới có thể thấy việc nuôi dưỡng và giáo dục một đứa trẻ khi còn thơ ấu lại quan trọng đến như thế nào. Cho nên, đã đến lúc chúng ta cần có một cái nhìn toàn diện và thay đổi từ tận gốc rễ. Thế nhưng, nếu như bạn không thể có đủ thời gian để thấu hiểu toàn bộ quá khứ từ thời thơ ấu cho đến lúc trưởng thành của một “Kẻ Ác Cạnh Bên” – mà nếu như kẻ đó, là một người đang ở ngay bên cạnh bạn, có thể lợi dụng bạn, và rất có thể sẵn sàng “đâm sau lưng” bạn thì làm thế nào để bạn có thể nhận diện ra được chúng?
Xin mời bạn đón đọc phần tiếp theo trong Series Kẻ Ác Cạnh Bên.
*Link sách Kẻ Ác Cạnh Bên trên tiki tại ĐÂY.
Series Kẻ Ác Cạnh Bên
Kẻ Ác Cạnh Bên: Phần 1 – Sociopath có đang ở bên cạnh bạn?
Kẻ Ác Cạnh Bên: Phần 2 – Nguyên nhân nào dẫn đến cách sống của sociopath – những kẻ không cảm xúc?
*Bài viết độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng