Hướng nội và hướng ngoại – khi tính cách linh hoạt theo tình huống

Chúng ta hãy nói về giáo sư Brian Little, cựu giảng viên tâm lý học Harvard và là người đạt danh hiệu 3M Teaching Fellowship – giải thưởng được xem như giải Nobel trong lĩnh vực giảng dạy bậc đại học. Ông thấp người, cơ thể rắn chắc, đeo kính và dễ mến. Giáo sư có giọng trầm vang, hay ngẫu hứng cất tiếng hát và xoay tròn trên bục giảng, có cách nhấn phụ âm, kéo dài nguyên âm giống các diễn viên thời xưa. Người ta thường miêu tả ông là sự kết hợp giữa Robin Williams với Albert Einstein, và khi ông nói đùa khiến người nghe thích thú, thường sẽ là vậy, thì trông ông còn thích thú hơn cả họ nữa. Lượng sinh viên đăng ký học các lớp của ông ở Harvard luôn quá tải, và cuối mỗi buổi học thì cả lớp thường đứng dậy vỗ tay tán thưởng ông.

Trái lại, vị giáo sư tôi sắp miêu tả dưới đây dường như thuộc về một kiểu người hoàn toàn khác: vợ chồng ông sống trong một ngôi nhà kín đáo nằm ở khu rừng hẻo lánh rộng hơn 8 ngàn m2 tại Canada. Con cháu thỉnh thoảng cũng đến thăm ông nhưng ngoài những lúc đó thì ông thường ở một mình. Ông dành thời gian nhàn rỗi để viết nhạc, đọc và viết sách, viết báo, gửi cho bạn bè những e-mail dài mà ông gọi là “e-pistles” (tiếng Latin, nghĩa là bức thư). Khi phải giao thiệp, ông thích gặp mặt riêng. Khi đi dự tiệc, ông chuyển sang những cuộc đối thoại yên tĩnh chỉ có hai người ngay khi có thể, hoặc cáo lỗi ra ngoài “để hít thở chút không khí trong lành”. Khi bị buộc phải giao thiệp quá lâu ở bên ngoài hoặc gặp bất cứ tình huống xung đột nào, ông thật sự có thể đổ bệnh.

Bạn có ngạc nhiên không nếu tôi nói rằng vị giáo sư thích pha trò và người ẩn sĩ thích trầm tư kia chính là một người? Có thể là không nếu xét đến việc chúng ta ai cũng cư xử khác nhau tùy tình huống. Nhưng nếu ta linh hoạt đến vậy thì liệu việc liệt kê những khác biệt giữa người hướng nội và hướng ngoại có còn hợp lý chăng? Lẽ nào quan điểm về tính hướng nội-hướng ngoại cũng chỉ là sự phân đôi hai thái cực: người hướng nội là triết gia thông thái, còn người hướng ngoại là nhà lãnh đạo can đảm? Người hướng nội là nhà thơ hoặc mọt sách, còn người hướng ngoại là vận động viên hoặc cổ động viên? Chẳng phải ai cũng có chút đặc điểm của hai tính cách này sao?

Các nhà tâm lý học gọi đây là cuộc tranh luận về “con người-tình huống”: Những đặc điểm tính cách cố định có thật sự tồn tại hay sẽ thay đổi tùy theo tình huống mỗi người gặp phải? Nếu trò chuyện với giáo sư Little, ông sẽ nói với bạn rằng mặc cho hình ảnh bên ngoài và những danh hiệu cao quý trong sự nghiệp giảng dạy của mình, ông vẫn là một người hướng nội đúng nghĩa không chỉ về mặt hành vi mà còn về mặt sinh lý học thần kinh nữa.

Có thể bạn tự hỏi làm sao mà một người hướng nội rõ rệt như giáo sư Little lại có thể nói chuyện trước đám đông hay đến thế. Ông bảo rằng câu trả lời rất đơn giản và liên quan đến một lĩnh vực tâm lý học mới mà ông gần như một mình tạo ra có tên Thuyết Tính Cách Tự Do. Little tin rằng trong chúng ta cùng tồn tại những đặc điểm tính cách cố định lẫn tính cách tự do. Theo thuyết này, một số đặc điểm tính cách có được là do bẩm sinh lẫn do văn hóa góp phần tạo thành – như tính hướng nội chẳng hạn – nhưng chúng ta thật sự có thể hành xử khác với bản tính của mình nhằm phục vụ cho “sứ mệnh cá nhân”.

Nói cách khác, người hướng nội có thể cư xử như người hướng ngoại trong những việc họ cho là quan trọng, đối với người họ yêu quý, hay về bất cứ điều gì họ trân trọng. Thuyết Tính Cách Tự Do lý giải nguyên nhân khiến một người hướng nội có thể tổ chức một bữa tiệc bất ngờ cho người vợ hướng ngoại hay gia nhập hội phụ huynh ở trường con mình theo học. Thuyết này giải thích cách mà một nhà khoa học hướng ngoại cư xử kín kẽ trong phòng thí nghiệm, cách một người dễ tính tỏ ra cương quyết trong cuộc thương lượng kinh doanh, và cách một người chú khó tính trở nên dịu dàng với đứa cháu gái khi đưa cô bé đi ăn kem. Như những gì mà các ví dụ này cho thấy thì Thuyết Tính Cách Tự Do phù hợp với nhiều bối cảnh khác nhau, nhưng nó đặc biệt đúng với những người hướng nội phải sống dưới Hình Mẫu Hướng Ngoại.

Khi mọi người thuần thục tính cách tự do thì ta sẽ khó mà tin được rằng họ đang cư xử khác với bản chất thật. Học trò của giáo sư Little thường tỏ ra nghi hoặc khi ông nhận là người hướng nội. Nhưng trường hợp của Little không hề hiếm; nhiều người, đặc biệt là những người đóng vai trò lãnh đạo, cũng “vờ hướng ngoại” ở một mức độ nhất định.

Theo Susan Cain – sách Hướng Nội

*Bạn có thể mua sách tại: https://bit.ly/2md3RLy

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+