Hội chứng “kẻ mạo danh”, vì sao nhiều người không tin mình xứng đáng thành công?

HỘI CHỨNG “KẺ MẠO DANH” – VÌ SAO NHIỀU NGƯỜI KHÔNG TIN MÌNH XỨNG ĐÁNG THÀNH CÔNG?

Hội chứng “kẻ mạo danh” (Impostor Syndrome) là một hội chứng tâm lý gặp ở những người luôn có mô thức nghi ngờ những thành quả mình đạt được. Mặc dù ở bên ngoài, họ có thể sở hữu những kỹ năng tốt, có những thành tích nhất định, thế nhưng ẩn sâu bên trong mình, họ luôn tồn tại một nỗi sợ rằng mình là một kẻ lừa đảo, lừa gạt người khác, là một kẻ kém cỏi và không xứng đáng có được thành công. Mặc dù các nghiên cứu trước đây cho thấy tỉ lệ hội chứng này gặp ở nhiều người phụ nữ thành đạt, nhưng thực tế tỉ lệ mắc phải hội chứng này cân bằng giữa đàn ông, phụ nữ. Hay nói một cách khác, bất kỳ ai trong số chúng ta cũng đều có thể là người mắc phải hội chứng này. Tuy không phải là hội chứng mang tính chất bệnh lý, nhưng đây cũng có thể coi là một hội chứng tâm lý và có thể ảnh hưởng đến thành công và hạnh phúc của rất nhiều người.

Thuật ngữ hiện tượng kẻ mạo danh (Impostor Phenomenon) được xuất hiện lần đầu năm 1978 trong chủ đề “Hội chứng kẻ mạo danh ở phụ nữ thành đạt” (The Impostor Phenomenon in High Achieving Women: Dynamics and Therapeutic Intervention) của tiến sĩ Pauline R. Clance và tiến sĩ Suzanne A. Imes. Trong nghiên cứu thực hiện dựa trên hơn 150 người phụ nữ đạt thành tựu lớn trong cuộc sống, kết luận đưa ra rằng họ có khuynh hướng cho rằng những thành công của mình đến từ sự may mắn, hoặc đơn giản là người đời đã đánh giá quá cao khả năng và trí thông minh của họ. Clance và Imes cũng khẳng định hội chứng “kẻ mạo danh” xuất phát từ nhiều yếu tố như các định kiến xã hội, ảnh hưởng bởi sự giáo dục của gia đình và các văn hóa sống họ trải qua. Và hậu quả là những người phụ nữ trải qua hội chứng “kẻ mạo danh” có xu hướng mắc phải trầm cảm, lo âu và sự tự tin bị hạ thấp.

“KẺ MẠO DANH” – HỘI CHỨNG KHÔNG HỀ XA LẠ

Hội chứng “kẻ mạo danh” không hề xa lạ, nó xuất hiện thường xuyên ngay ở trong trường học, nơi công sở, trong công ty bạn đang làm hay thậm chí ở trong gia đình của bạn. Hội chứng này có thể được biểu hiện thông qua các đặc điểm như:

Một người luôn luôn đặt ra những mục tiêu quá cao cho bản thân, và khi không đạt được mục tiêu, họ sẽ nghi ngờ bản thân và lo lắng về việc mình không đủ giỏi. Đối với kiểu người này, dường như không có thành công nào có thể làm họ hài lòng, bởi vì họ luôn tin rằng đáng lẽ họ còn phải làm tốt hơn. Khi không đạt được kết quả mình muốn, họ tự kết luận rằng “mình không đủ khả năng” và tự dằn vặt bản thân trong nhiều ngày.

Một người luôn cảm thấy mình chưa thật sự xứng đáng cho vị trí công việc của mình, cho dù họ có bao nhiêu bằng cấp và thành tích đi chăng nữa. Thành ra, họ luôn ép bản thân phải chăm chỉ và dành nhiều thời gian hơn những người xung quanh như phải ở lại làm việc muộn hơn chỉ để chứng minh giá trị của bản thân mình.

Một người “đơn thương độc mã” cũng có thể là điển hình của hội chứng này, tức những người sẽ có cảm giác mình kém cỏi nếu như họ phải nhờ đến sự trợ giúp của người khác. Đối với họ, việc tự bản thân mình không thể tự mình hoàn thành một việc là minh chứng cho thấy họ là người kém cỏi.

Hay một kiểu người khác chính là người cảm thấy mình thiếu kiến thức hoặc kinh nghiệm cho một công việc hoặc một vị trí. Trong mắt họ, họ luôn e ngại rằng kiến thức của mình còn thiếu sót, và họ sẽ cảm thấy xấu hổ nếu như bản thân họ làm sai một việc gì đó, bởi khi đó họ sẽ có suy nghĩ rằng mình đã bị “lộ tẩy” và “sự lừa đảo người khác” bị phơi bày sự thật.

ĐỪNG ĐỂ HỘI CHỨNG “KẺ MẠO DANH” ẢNH HƯỞNG ĐẾN CUỘC SỐNG CỦA BẠN

Chính vì lẽ đó mà người mắc hội chứng “kẻ mạo danh” thường có khuynh hướng không cảm thấy bản thân mình xứng đáng nếu đạt được thành quả (ngay cả khi đó là nhờ sự nỗ lực của họ). Để rồi sau đó, hậu quả tất yếu là họ thường sống một cuộc sống bất an, lo lắng và tự dày vò bản thân. Thật khó để bạn có thể đạt được hạnh phúc và thành công trong công việc và cuộc sống nếu như hội chứng “kẻ mạo danh” luôn luôn ám ảnh bạn.

Nhà tâm lý học nổi tiếng người Thụy Sĩ Carl Jung – cha đẻ của các học thuyết phân loại tính cách (hay còn gọi là biết người biết ta với Carl Jung) đã đưa ra một ví dụ về vỏ bọc tâm lý. Khi một người được đề bạt lên một vị trí mới, chẳng hạn khi anh ta/ cô ta được thăng chức từ nhân viên lên thành quản lý, lãnh đạo; có thể ở bên trong người đó sẽ xuất hiện những tiếng nói nội tâm dựa trên các trải nghiệm quá khứ, rằng anh ta/ cô ta đã gặp phải nhiều thất bại trong quá khứ, anh ta/ cô ta là một người kém cỏi. Và dĩ nhiên, những tiếng nói nội tâm này hoàn toàn mâu thuẫn với những gì mà người đó đang thể hiện ra khi ở vị trí một lãnh đạo: sự tự tin, sự mạnh mẽ hay sự quyết đoán. Như vậy, một người mang phải hội chứng “kẻ mạo danh” có thể bị cản trở hoàn toàn cho sự nghiệp của mình.

Không chỉ thế, điều này cũng đúng nếu một người ở trong những hoàn cảnh khác. Chẳng hạn như một học sinh có những tiếng nói trong đầu “mình là đứa kém cỏi” khi nghĩ về những lần đạt điểm kém hoặc so sánh với những học sinh giỏi đạt điểm cao hơn. Một người đàn ông có thể xuất hiện những suy nghĩ “tôi là một người cha tồi” khi cho rằng mình không chu cấp đầy đủ cho con cái hay gia đình của mình. Hoặc một người phụ nữ có những dằn vặt “mình không phải là người mẹ tốt” khi con cái không đạt được những thành quả hoặc thành tựu như kỳ vọng hoặc theo với sự so sánh của gia đình khác.

VỮNG TIN Ở BẢN THÂN VÀ TIN RẰNG MÌNH XỨNG ĐÁNG CÓ ĐƯỢC HẠNH PHÚC VÀ THÀNH CÔNG

Có nhiều lời khuyên để vượt qua hội chứng “kẻ mạo danh”, tuy nhiên để thực hiện được những thói quen đó bạn sẽ cần nhiều thời gian và nhiều trải nghiệm, chứ không phải chỉ một sớm một chiều. Dưới đây là một vài giải pháp.

#1 – Học cách đón nhận thành công của bản thân

Nhiều người có suy nghĩ mình là kẻ bịp bợm, lừa đảo khi đạt được thành công là bởi vì họ không đón nhận thành công của họ. Thành công thường luôn là thành quả của sự nỗ lực. Và ngay cả khi thành công là do may mắn thì may mắn cũng không tự nhiên sinh ra nếu bạn không lựa chọn hành động. Cho nên, hãy học cách đón nhận thành công của mình.

Nếu bạn gặp may, càng tốt! May mắn là một phần của sự nỗ lực đến từ bạn. Hãy học cách đón nhận thành công, và hãy cho phép mình nắm bắt những cơ hội đến với cuộc sống của bạn. Đừng để bản thân có suy nghĩ rằng khi một cơ hội xuất hiện, mình không có quyền được nắm lấy, hoặc cơ hội đến với mình thì mình lừa gạt người khác. Không! Cơ hội trong cuộc sống là công bằng cho tất cả mọi người. Và thành công đến với người biết nắm bắt cơ hội.

#2 – Không so sánh bản thân với người khác

Văn hóa người Việt của chúng ta, có nhiều người thường có thói quen so sánh người này với người kia. Ngày chúng ta còn nhỏ, thời đi học chúng ta dễ dàng bị cha mẹ so sánh mình với “anh của con”, “chị của con”, “sao con không được như em của con”, hay thậm chí là so với “con nhà người ta”. Điều đó vô tình khiến những em có thành tích chưa tốt dễ có khuynh hướng tâm lý tin rằng mình là một người kém cỏi. Tệ hơn nữa, khi trưởng thành họ lại tiếp tục mang theo suy nghĩ so sánh bản thân mình với người khác.

Và rồi ngay cả khi họ đạt được thành tựu, những tiếng nói trong quá khứ lại xuất hiện, và rồi họ không cảm thấy tin rằng mình xứng đáng có được thành công. Thay vào đó, họ đi tìm những lý do để chứng tỏ mình cũng chẳng giỏi giang gì, kiểu như do tôi may mắn, do mọi người công nhận tôi quá nhiều. Một cách tốt hơn đó là bạn so sánh mình với chính mình của ngày hôm qua là được, và hãy cố gắng để bạn mỗi ngày đều tốt hơn bạn của ngày hôm qua.

#3 – Đừng đánh đồng một thất bại của bạn chứng tỏ bạn là một người kém cỏi

Being wrong doesn’t make you a fake!

Dĩ nhiên rồi, bạn thất bại không có nghĩa bạn là một kẻ kém cỏi hay một kẻ lừa đảo. Một cầu thủ bóng rổ nhà nghề như Michael Jordan từng là người ném trượt rất nhiều cú bóng, một nhà đầu tư huyền thoại như Warren Buffett cũng đã từng có rất nhiều phi vụ đầu tư thua lỗ, một đội bóng vô địch thế giới cũng đã từng có những mùa bóng bị loại ngay từ vòng đấu bảng. Đó là sự thật. Thất bại của một người trong một việc không chứng tỏ rằng đó là người kém cỏi. Cho nên, bạn sẽ không mắc phải hội chứng “kẻ mạo danh” nếu không tự suy diễn mình là một kẻ kém cỏi nếu như bạn có mắc phải một sai lầm.

Nhìn chung, các bí quyết để chống lại hội chứng “kẻ mạo danh” thì khá nhiều. Thế nhưng, để thay đổi thực sự thì sự thay đổi cần xuất phát từ bên trong. Trong tâm lý học ứng dụng, đối với các nguyên tắc rèn mình luyện người với NLP (Neuro Linguistic Programming) thì sự thay đổi cần thiết phải đến từ tư duy và suy nghĩ. Trung bình mỗi ngày, con người có hàng chục đến hàng trăm nghìn suy nghĩ, tức những tiếng nói nội tâm xuất hiện ở trong đầu. Bạn sẽ không thể thay đổi được chính mình nếu như trong đầu bạn luôn luôn là những suy nghĩ tiêu cực về bản thân. Ngược lại, chỉ khi bạn thực hiện một bước thay đổi đơn giản nhất: ngừng suy nghĩ tiêu cực và bắt đầu có những ý nghĩ tích cực về chính mình, thì hội chứng “kẻ mạo danh” có thể dễ dàng bị phá bỏ.

*Bài viết độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng

– Edward –

*Nguồn tài liệu tham khảo:

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+