Học cách cư xử của người hướng ngoại – 3 bí quyết đơn giản giúp người hướng nội tỏa sáng

Ở bài viết trước, chúng ta đã thảo luận về Sức mạnh thầm lặng – Bí quyết giúp người hướng nội tỏa sáng với thông điệp gửi tới những người hướng nội, hãy cứ là chính mình và tự tin ở mình để thực sự tỏa sáng. Bên cạnh đó, đã là người có kiến thức tâm lý thì luôn cần phải nhìn mọi thứ ở góc nhìn trung dung. Việc là chính mình của người hướng nội không đồng nghĩa với việc chúng ta phủ nhận hoàn toàn những thế mạnh của người hướng ngoại. Người hướng ngoại, họ có những thế mạnh bẩm sinh, và đó là lợi thế tuyệt vời của họ. Cho nên, ở bài viết này, nếu là một người hướng nội, hãy học cách luyện tập một vài bí quyết đơn giản của người hướng ngoại, để bạn tỏa sáng và hòa đồng hơn rất rất nhiều trong mắt người khác, mà vẫn không đánh mất đi bản sắc cá nhân của mình. Dưới đây là chia sẻ của Christopher Sowers – cũng là một người hướng nội điển hình. Edward tổng hợp lại để những người hướng nội như tụi mình càng ngày càng tỏa sáng nhen.

Purchase this image at https://www.stocksy.com/1235578

NHỮNG NGƯỜI HƯỚNG NỘI LÀ NGƯỜI RẤT TUYỆT VỜI

Tin tôi đi, tôi là một người sống nội tâm. Susan Cain, tác giả quyển sách nổi tiếng Quiet (Sức mạnh người Hướng Nội) cũng đồng tình với điều đó. Cô ấy cũng hướng nội như tôi. Dù là những con người rất tuyệt vời, nhưng có những lúc sự hướng nội lại gây khó khăn cho chính ta: khi ta cần giới thiệu bản thân với người lạ, khi có ai đó muốn tán gẫu với ta trong thang máy, khi ta cần bắt đầu một cuộc trò chuyện, hay thậm chí tệ hơn là tìm cách để khéo léo kết thúc một cuộc hội thoại.

Có thể một ngày nào đó thế giới sẽ thay đổi, và tất cả chúng ta sẽ được phép làm việc ở bất cứ nơi nào mình muốn (một căn buồng ẩn mình dọc theo con suối chảy xuống núi tại một vùng sâu xa chẳng hạn), nhưng từ giờ cho đến lúc đó thì hầu hết chúng ta đều làm việc trong các tổ chức và tòa nhà có nhiều người. Có lẽ bạn có một công việc “hướng nội” đáng mơ ước, như nhà văn hay giáo sư đại học, giúp bạn hoàn toàn không phải tương tác với những người khác. Dù là vậy, nhưng cũng vẫn có những thời điểm trong đời mà bạn cần đến người khác.

Đôi lúc cư xử như người hướng ngoại lại có thể giúp ta sống hiệu quả hơn. Tôi không có ý nói rằng đó là điều đáng ra ta phải làm. Trong một thế giới hoàn hảo, tất cả chúng ta đều có thể thành thật với chính mình mà vẫn sống hiệu quả không kém ai. Tôi chỉ muốn nói rằng ở xã hội mà ta đang sống thì đó là thực tế.

THÀNH KIẾN VỀ SỰ SẴN CÓ (THE AVAILABILITY BIAS) TRONG TƯ DUY MỌI NGƯỜI

Có một quá trình tự nhận thức gọi là thành kiến về sự sẵn có (The Availability Bias), (chủ đề này sẽ được viết chi tiết ở một bài viết khác) dẫn dắt ta đưa ra quyết định dựa trên thông tin đầu tiên hiện ra trong đầu hơn là các tiêu chí khách quan.

Ta sẽ không do dự khi bước vào xe hơi, nhưng sẽ cảm thấy lo lắng không ngớt mỗi khi bước lên máy bay, bởi gần đây ta đọc được tin về một vụ rơi máy bay ở đâu đó. Trong khi đó, số liệu cho thấy rằng ta có nhiều khả năng tử vong trong một vụ tai nạn xe hơi trên đường đến sân bay hơn là trong một vụ rơi máy bay. Cái nào xảy ra nhiều hơn – giết người hay tự sát? Hầu hết mọi người trả lời là giết người, trong khi trên thực tế ở Mỹ, tỉ lệ tự sát lại cao gần gấp 3 lần tỉ lệ giết người. Rất nhiều vụ tự tử không được trình báo, còn các vụ giết người lại mang về rất nhiều hợp đồng quảng cáo cho nhà đài địa phương. Và thành kiến về sự sẵn có ấy nó cũng đúng với tâm lý con người về người hướng nội và người hướng ngoại.

1. Người hướng ngoại làm người khác khó quên. Họ năng nổ. Thích giao du. Thích tham gia.

Hãy nghĩ đến một người mà bạn đã tiếp xúc ngày hôm nay. Ai là người đầu tiên bạn nghĩ đến? Bạn nghĩ đến họ một cách nhanh chóng vì cuộc trò chuyện của cả hai thật đáng nhớ. Anh ấy kể một câu chuyện đùa làm bạn cười. Cô ấy khen bạn và làm bạn mỉm cười. Họ đã làm một điều gì đó… điều gì đó cởi mở… làm bạn thấy tốt hơn về bản thân.

2. Là người hướng nội, tôi thường chỉ khiến người khác thấy họ bị phớt lờ. Tôi không đáng nhớ cho lắm.

Dù có rất nhiều chứng cứ phản biện lại, nhưng các nhà quản lý cũng là con người và cũng bị chi phối bởi thành kiến về sự sẵn có như ta. Khi các nhà quản lý và lãnh đạo cũng có lối suy nghĩ tắt này, thì ai sẽ đột nhiên trở thành những người thể hiện tốt nhất trong nhóm? Người hướng ngoại. Vì sao? Vì họ để lại ấn tượng đáng nhớ hơn. Ai xứng đáng được thăng chức? Một người hướng ngoại. Vì sao? Vì bạn nghĩ ngay đến cô ấy. Ai nên được giao dự án về loại kem đánh răng mới? Một người hướng ngoại. Vì sao ư? Anh ấy thích những thứ đồ mới lạ hay hay. Dù nghe có vẻ bất công, nhưng não ta không suy nghĩ một cách công bằng.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ XỬ SỰ NHƯ NGƯỜI HƯỚNG NGOẠI

VÀ LÀM NGƯỜI KHÁC NHỚ ĐẾN MÌNH HƠN

Nếu là người hướng nội, bạn không thể trở thành người hướng ngoại. Nhưng bạn có thể cư xử như một người hướng ngoại khi cần. Dưới đây là 3 bí quyết đơn giản, mà bất kì người hướng nội nào cũng có thể làm, để có thể vượt qua rào cản tâm lý là thành kiến về sự sẵn có.

1. Mỉm cười.

Khi đi ngang qua ai đó trên hành lang, hãy cười với họ. Khi chào đồng nghiệp lúc bước vào văn phòng, hãy cười và nói “Chào buổi sáng.” Bạn vô tình gặp người quen cũ ở quán ăn tự phục vụ ư? Hãy cười khi cả hai chạm mắt nhau. Bình thường người hướng nội sẽ không làm vậy. Thông thường ta không cười với người khác, thậm chí vào cả những lúc hiếm hoi mà ta thực sư thấy vui khi gặp họ. Cho nên bạn sẽ cần phải tập luyện việc này – tập trước một cái gương cho đến khi nụ cười của bạn trở nên tự nhiên.

Chìa khóa nằm ở đôi mắt. Bởi nụ cười thật sẽ luôn có những nếp nhăn ở đuôi mắt. Nam diễn viên George Clooney là minh chứng rõ ràng nhất. Do vậy, hãy tập cười trước gương, và nghĩ đến một điều gì đó thật sự làm bạn mỉm cười. Thấy sự khác biệt chứ? Tiếp tục tập luyện với nụ cười giả đó cho đến khi nó trông không khác gì một nụ cười thật.

2. Tham gia vào những cuộc tán gẫu.

Người hướng ngoại rất ưa tán gẫu. Người hướng nội lại không thích để tâm đến những chuyện không liên quan đến họ. Thời tiết. Cuối tuần. Trận bóng chày. Ôi trời ơi sao nhiều chuyện phiếm thế! Tại sao người hướng ngoại lại thích tán gẫu đến thế? Họ hẳn là quan tâm đến thời tiết nhiều hơn những người hướng nội chúng ta, phải vậy không? Người hướng ngoại không chỉ tham gia vào cuộc tán gẫu, mà họ còn tận dụng nó. Họ không quan tâm đến thời tiết nhiều hơn người khác, mà họ chỉ đơn giản là đang dùng những câu chuyện phiếm để tìm hiểu ta. Khi ta nói thứ gì đó chẳng hạn như hôm nay là một ngày tuyệt vời để đi đánh golf, họ ghi nhớ thông tin nhỏ đó.

Giờ thì họ đã biết cách để kết nối với ta sau này khi cả hai hợp tác chung một dự án – chơi golf. Người hướng ngoại tán gẫu để có thể kết nối và tương tác ăn ý với ta khi họ cần. Không có gì là thần kì ở đây cả. Người hướng nội cũng có thể làm điều này, chỉ là ta sẽ thấy không tự nhiên. Đừng xem những câu chuyện phiếm là lãng phí thời gian, mà hãy xem nó như cơ hội để tạo dựng mối liên kết với người khác. Sau này, bạn có thể tận dụng mối liên kết đó để nhờ vả họ.

3. Đặt câu hỏi.

Người hướng ngoại thật sự có hứng thú với con người và hỏi rất nhiều câu hỏi để hiểu rõ hơn về người mà họ đang tương tác. Một lần nữa, tương tự với những gì thu được từ những câu chuyện phiếm, họ lưu lại những thông tin để dùng sau này khi cần. Người hướng nội có xu hướng hỏi các câu hỏi về những thứ cụ thể như sự vật và hiện tượng. Chuyện gì xảy ra tiếp sau đó? Bạn đã xử lý như thế nào? Chuyện đó ảnh hưởng thế nào đến kết quả? Người hướng ngoại có xu hướng hỏi các câu hỏi liên quan đến những thứ trừu tượng như con người và cảm xúc. Ai tỏ thái độ phản đối ý kiến này? Bạn cảm thấy thế nào? Việc này có ảnh hưởng gì đến mọi người?

Hãy hỏi nhiều hơn và chịu khó tìm hiểu nhiều hơn về người mà bạn đang tương tác. Người hướng ngoại thích tìm hiểu người khác, và cũng thích không kém khi người khác thật sự muốn tìm hiểu họ. Việc này có thêm tác dụng khác là giúp bạn đỡ căng thẳng hơn. Khi bạn hỏi người khác một câu hỏi, trọng tâm của cuộc nói chuyện sẽ chuyển sang người đó – đúng nơi mà bạn muốn.

TRỪ KHI BẠN LÀ NGƯỜI HƯỚNG NGOẠI, VIỆC CƯ XỬ NHƯ MỘT NGƯỜI HƯỚNG NGOẠI LÀ KHÔNG DỄ CHÚT NÀO

Dù cách cư xử của họ có thể khá dễ hiểu cũng như khá dễ luyện tập và học hỏi, nhưng để làm được thì cũng rất mệt mỏi.

Để cư xử như người hướng ngoại, dù chỉ là trong một thời gian ngắn, một người hướng nội phải tốn rất nhiều năng lượng về cảm xúc và tâm lý.

Vậy nên hãy cứ thong thả thôi. Sắp xếp thời khóa biểu trong ngày để có thời gian tận hưởng tính hướng nội của bạn. Ra ngoài đi dạo – một mình. Ăn trưa thật chậm, một mình hoặc với một người cũng sống nội tâm như bạn. Hãy cho mình thời gian nghỉ để tìm lại bản thân từ tính hướng ngoại mình vừa tìm được. Thành kiến về sự sẵn có không chỉ là lợi thế cho mỗi người hướng ngoại – mà người hướng nội cũng có thể học cách tận dụng nó. Dù chuyện đó có thể khiến bạn mệt mỏi, nhưng nó sẽ mang lại kết quả xứng đáng.

Tác giả: Christopher Sowers

Tổng hợp bởi Edward
*Tâm lý học ứng dụng

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+