Hiệu ứng “thiên nga đen”

Trước khi phát hiện ra nước Úc, người ta vẫn tin rằng tất cả các thiên nga đều có bộ lông màu trắng. Niềm tin vững chắc ấy dường như được chứng thực hoàn toàn dựa trên bằng chứng thực tế. Sự xuất hiện của một con thiên nga đen (có vẻ xấu xí) đã làm nên một cú sốc khi bác bỏ lời khẳng định chung bắt nguồn từ hàng nghìn năm trước xoay quanh những dấu hiệu tồn tại đầy xác thực của hàng triệu con thiên nga trắng.
 
Trong cuốn sách cùng tên, Nassim Nicholas Taleb đã đưa ra khái niệm “thiên nga đen” nhằm nói về những chuyện tưởng chừng như không thể xảy ra nhưng lại có thể xảy ra. Hiệu ứng “thiên nga đen” mang ba đặc điểm chính: không thể dự đoán, có tác động nặng nề và sau khi nó đã xảy ra người ta mới đi tìm những lí do để giải thích cho nó.
 
Hiệu ứng “thiên nga đen”, có lẽ nên kết hợp với một phát ngôn từng “gây sốc” trong một show truyền hình nọ để nói về cuộc sống: “Trên đời này, chuyện quái gì cũng có thể xảy ra!”.
 
Năm 1912, con tàu Titanic khổng lồ – một con tàu được cho là tàu chở khách an toàn và tiên tiến nhất, “mãi mãi không bao giờ chìm” đã đụng phải tảng băng trôi ở Bắc Đại Tây Dương làm 1500 người thiệt mạng, ngay trong chuyến đi đầu tiên.
 
Năm 2001, tòa tháp đôi tại Trung tâm Thương mại thế giới ở New York từng được cho là trụ thép kiên cố như bàn thạch, và không có khả năng sụp đổ đã tan hoang làm cho hàng ngàn người thiệt mạng bởi vì vụ khủng bố máy bay ngày 11/09.

Năm 2016, kết quả thăm dò việc nước Anh thoát khỏi liên minh châu Âu chịu lép vế hoàn toàn so với phe ủng hộ ở lại liên minh châu Âu với hàng loạt các phân tích về lợi, hại và có vẻ như hiển nhiên, việc nước Anh thoát khỏi liên minh châu Âu là điều không thể xảy ra.

Bên cạnh đó, cuộc tranh cử tổng thống Mỹ giữa hai ứng cử viên Donald Trump và bà Hillary Clinton đối với nhiều người là một cuộc tranh cử nhàm chán khi kết quả dự đoán đã quá rõ. Người ta đưa ra các dự đoán về ưu thế lớn của bà Hillary, đưa ra nhiều phân tích mang tính châm biếm Donald Trump.

Và cuối cùng, nước Anh thoát khỏi liên minh châu Âu, Donald Trump lên làm tổng thống, một lần nữa lại chứng tỏ rằng “Trên đời này, chuyện quái gì cũng có thể xảy ra!”.

Sau tháng 03/2018, hàng loạt chung cư tại Việt Nam đưa ra thông báo về việc nghiêm túc thực hiện việc phòng cháy chữa cháy, mở các lớp tập huấn phòng chống cháy nổ, nghiêm cấm những hành vi mở cửa ngăn khói,… Một điều mà trước đó, vô số người dân có lẽ chẳng bao giờ quan tâm bởi lẽ do suy nghĩ “chung cư mình ở chắc chẳng thể cháy được đâu”. Và rồi chung cư Carina xuất hiện như một “thiên nga đen”.
 
Mùa hè 2018 năm nay với nhiều người, chắc hẳn là mùa của World Cup. Có thể với nhiều người, trận đấu giữa đương kim vô địch đội tuyển Đức và một đối thủ dưới cơ rất nhiều là Hàn Quốc “chưa đá đã biết ai thắng, ai thua”. Có người thậm chí chẳng buồn xem vì nghĩ rằng kết quả đã biết trước. Thế rồi, nhà đương kim vô địch về nước ngay sau khi khép lại vòng đấu bảng. Những nhà đương kim vô địch của ba kì World Cup gần đây đều về nước sau vòng bảng góp phần làm thêm một ví dụ sinh động cho “thiên nga đen”.
 
Xét ở góc độ xác suất, một chuyện có thể xảy ra thì dĩ nhiên là nó sẽ có thể xảy ra, điều đó chẳng có gì là bất ngờ cả. Có chăng là xác suất xảy ra là nhiều hay ít mà thôi. Chẳng hạn một con tàu đi trên biển, dĩ nhiên nó vẫn sẽ có xác suất bị chìm. Một tòa nhà, khi đã dựng lên thì đương nhiên sẽ có xác suất bị sập xuống. Hai người tranh cử, đương nhiên ai cũng sẽ có xác suất dành chiến thắng. Hai đội bóng thi đấu với nhau, đương nhiên xác suất xảy ra sẽ là 3 khả năng, hoặc thắng, hoặc thua hoặc là kết quả hòa.
 
Như thế, hiểu được nguyên tắc đơn giản đó thì việc “Chuyện gì cũng có thể xảy ra” sẽ không còn là một cú sốc lớn, thậm chí có nhiều người không thể nuốt trôi được cú sốc đó.
 
Một cặp vợ chồng được mọi người thấy rằng đang hạnh phúc, bỗng một ngày chia tay. Một công ty đang ăn nên làm ra, bỗng một ngày phá sản. Một cô cậu học trò được đánh giá là học sinh giỏi tiêu biểu, bỗng nhiên thi trượt đại học với kết quả rất tệ. Một người thân đang khỏe mạnh, bỗng một ngày đột ngột qua đời,… Khi nhìn ở góc độ tâm lý qua hiệu ứng “thiên nga đen”, chúng ta sẽ thấy mọi chuyện ấy đều bình thường, chẳng có gì là cú sốc hay không thể nào ngờ được.
 
Cách đây khoảng ba năm, có lẽ có rất nhiều người tin rằng Grab – “một kẻ lạ hoắc” xuất hiện là một thứ gì đó không thể đánh bại được xe ôm truyền thống. Bất thình lình, chỉ sau một thời gian, giờ đây người ta chỉ thấy trên đường một đoàn quân áo xanh.
 
Những sinh viên ngồi ở giảng đường đại học, những người mới đi làm, có thể có nhiều người tin rằng với tấm bằng của mình, ra trường chắc chắn mình sẽ có việc làm ổn định. Và họ ngừng phát triển bản thân, ngừng trau dồi kỹ năng mà trường học không dạy (chẳng hạn như nghệ thuật thuyết trình để gia tăng sự tự tin, làm chủ thời gian để sắp xếp cuộc sống hiệu quả, xây dựng thương hiệu cá nhân để nâng cao uy tín,…) thì bỗng một ngày, việc được bổ sung vào thống kê (danh sách 200.000 cử nhân thất nghiệp) sẽ là chuyện chẳng có gì bất ngờ.
 
Hiệu ứng “thiên nga đen” sẽ vẫn còn đó. Những chuyện có thể xảy ra thì nó sẽ có thể xảy ra. Cho nên, để một chuyện không thể xảy ra trong khi nó có thể xảy ra là một điều không thể. Có chăng cách chúng ta làm đó là giảm thiểu xác suất để một chuyện đó xảy ra mà thôi.
 
*Bài viết độc quyền tại Tâm Lý Học Ứng Dụng
Edward

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+