Hiệu ứng “sự tiêu thụ bù đắp” – vì sao khi không tự tin, người ta lại dùng đồ hàng hiệu?

Có bao giờ bạn thấy một người không tự tin vào khả năng của mình lại thường bù đắp lên người bằng việc sử dụng đồ sang trọng, phụ kiện hàng hiệu. Bên ngoài là vẻ lung linh, nhưng dường như ở bên trong người đó chưa bao giờ tự tin vào bản thân của họ?

Có bao giờ bạn gặp  một sinh viên thông minh sau khi thi rớt, thay vì nhìn kỳ thi một cách khách quan nhất có thể, cô ta phải bù đắp lại cho bản thân bằng những suy nghĩ chẳng hạn như “Mình có thật sự thông minh đến vậy không?”

Có bao giờ bạn thấy một nhân viên bán hàng thành công, sau khi không chốt được một giao dịch quan trọng, anh ta tự động nghi ngờ vào khả năng của chính mình, “Lẽ nào mình không thích hợp với công việc bán hàng?”

Có bao giờ bạn thấy một người đàn ông, sau thời gian chung sống với vợ, hôn ước bị hủy bỏ đã khiến anh ta tự nhủ rằng “Dường như với mình sống độc thân thì tốt hơn!”

Bất cứ khi nào cách nhìn nhận của ta về bản thân không khớp với những thực tế trong cuộc sống, thì hình ảnh của chính ta bị đe dọa. Để đối phó với sự đe dọa đó, ta cố gắng bù đắp cho sự khác biệt giữa những niềm tin của ta và thực tế.

Nguyên tắc tâm lý sự tiêu thụ bù đắp (compensatory consumption) như trên đã được đề cập trong nhiều nghiên cứu. Thông thường, những người trong hoàn cảnh đó có thể là tìm đến những sản phẩm hoặc hoạt động cụ thể để nâng cao cảm nhận của ta về giá trị bản thân. Một cuộc nghiên cứu được đăng trên tạp chí Basic and Applied Social Psychology năm 1981 khám phá ra rằng những sinh viên MBA không thành công bằng bạn bè của họ – về mặt điểm số hoặc số lượng lời mời làm việc – đã sử dụng nhiều sản phẩm thể hiện sự thành công hơn. Ví dụ, họ có khuynh hướng đeo đồng hồ nhãn hiệu sang trọng và mang cặp hàng hiệu để cố gắng bù đắp cho cảm giác không thành công.

NHỮNG NỖ LỰC BÙ ĐẮP CÓ THỂ GÂY TÁC DỤNG NGƯỢC

Theo một cuộc nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Journal of Consumer Research, nỗ lực bù đắp cho cảm giác khiếm khuyết hoặc thua kém có thể khiến chúng ta cảm thấy tiêu cực hơn. Hàng loạt các thí nghiệm đã kiểm tra cách các đối tượng cảm nhận và cư xử sau khi cố gắng bù đắp cho những cảm nhận không tốt về hình ảnh bản thân của họ.

Các nhà nghiên cứu khám phá rằng những người cố gắng chứng minh họ có giá trị thường tập trung vào các khiếm khuyết của mình.

Cuối cùng, những người này cảm thấy tồi tệ hơn về bản thân sau khi cố gắng bù đắp cho những cảm nhận không tốt về hình ảnh của mình. Ngạc nhiên thay, cảm nhận tiêu cực không phải là vấn đề duy nhất – giá trị bản thân giảm cũng làm giảm khả năng tự chủ của họ.

Trong hàng loạt thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra  cách mà cảm giác thua kém tác động lên con người. Các đối tượng nghiên cứu thực hiện những hoạt động như viết về những lần họ cảm thấy kém cỏi và nhớ lại những sản phẩm giúp họ cảm thấy tích cực hơn.

Các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng mọi người khó cưỡng lại việc ăn sô-cô-la khi họ đã sử dụng các sản phẩm hoặc thực hiện những hoạt động giúp vượt qua cảm giác thua kém. Điều này chỉ đúng khi các đối tượng cố gắng cải thiện giá trị bản thân của họ trong một lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến khiếm khuyết gần đây nhất của họ.

Ví dụ, một nhân viên kinh doanh nổi bật không được đề bạt có thể cố gắng cảm thấy thành công bằng cách mua quần áo hàng hiệu đắt tiền. Nhưng việc mặc quần áo đắt tiền chỉ khiến cô suy nghĩ nhiều hơn về việc không được thăng chức. Và điều này lại càng giảm khả năng tự chủ, khiến cô khó cưỡng lại sự cám dỗ ở những lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, nếu cô tìm cách giải quyết tổn thương tâm lý của mình bằng cách tập trung vào những lĩnh vực khác trong cuộc sống – ví dụ như các mối quan hệ – thì cô có thể gặt hái nhiều lợi ích hơn. Ví dụ, việc tổ chức một buổi tiệc có thể nâng cao cảm nhận của cô về giá trị bản thân ở mặt xã hội và giúp cô tránh tập trung vào việc kém thành công trong sự nghiệp. Chuyển đổi sự tập trung từ lĩnh vực mà cô cảm thấy thua kém sang lĩnh vực mà cô tự tin hơn sẽ ít có khả năng làm suy giảm sự tự chủ của cô.

TRÁNH LÀM VẤN ĐỀ TỒI TỆ HƠN

Nếu không cẩn thận, nỗ lực chữa lành tổn thương về mặt tâm lý có thể tương tự như việc dán băng cá nhân lên vết thương do rìu gây ra. Sau đây là 3 điều quan trọng ta có thể học được từ nghiên cứu này:

(1) Giải pháp mua sắm có thể có tác dụng xoa dịu tạm thời, nhưng lại làm giảm cảm giác thỏa mãn về lâu dài.

(2) Cố gắng bù đắp cho những cảm nhận không tốt về hình ảnh bản thân thực chất lại khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn.

(3) Việc che giấu cảm giác không chắc chắn bên trong có thể tổn hao năng lượng tinh thần của bạn và làm giảm khả năng tự chủ.

Khi bạn cảm thấy tiêu cực, hãy hành động để ngăn chặn bản thân vô tình làm mọi chuyện tồi tệ hơn. Hãy chú ý đến những lúc mà giá trị bản thân của bạn bị đe dọa, cũng như những giải pháp bạn thường dùng để bù đắp cho cảm giác khiếm khuyết ấy. Hãy nghĩ xem liệu bạn đang tạm thời thổi phồng hình ảnh bản thân hay đang tích cực cải thiện tình hình về lâu dài.

Khi bạn phạm những sai lầm nghiêm trọng, thất bại dù đã nỗ lực, hoặc cảm thấy bị xúc phạm bởi lời nhận xét của người khác, hãy công nhận những cảm xúc của mình. Sau đó, hãy quyết định cách hành động tốt nhất. Thay vì làm những việc nhằm chứng minh bạn vẫn còn “đủ giỏi”, hãy tìm một hoạt động ở lĩnh vực khác để đối phó với những cảm xúc tồi tệ.

Tác giả: Amy Morin

*Biên tập bởi đội ngũ Tâm lý học ứng dụng

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+