Đã bao giờ bạn nghe thấy câu nói “Ấn tượng đầu là cực kỳ quan trọng!”? Tại sao có những lần bạn mua một món hàng chỉ bởi vì thần tượng của bạn là đại diện quảng cáo cho nhãn hàng đó? Tại sao đôi khi bạn lựa chọn mang một món đồ không thực sự cần chỉ bởi vì người bán hàng quá đẹp trai hoặc dễ thương? Và tại sao có những lúc bạn đánh giá nhầm một người chỉ bởi vì hình thức của họ, cho đến khi phải tiếp xúc một thời gian thật dài bạn mới hiểu bản chất người đó không đúng như ngoại hình? Rất có thể “Hiệu ứng hào quang” sẽ là câu trả lời – hoặc một gợi ý xác đáng dành cho bạn. Bởi lẽ con người chúng ta thích tư duy bằng lý trí nhưng lại hay ra quyết định dựa trên cảm xúc.
Hiệu ứng hào quang (Halo Effect) là một loại thiên vị nhận thức trong đó ấn tượng tổng thể của chúng ta về một người ảnh hưởng đến cách chúng ta cảm nhận và suy nghĩ về tính cách của người đó. Cơ bản như là ấn tượng tổng thể của bạn về một người (“Anh ta thật tử tế”) tác động đến đánh giá của bạn về người đó (“Anh ấy cũng thông minh”). Về tâm lý, não bộ chúng ta dễ có xu hướng đưa ra kết luận ngay cả khi không có đầy đủ dữ kiện, hoặc chỉ dựa trên một số ít thông tin chúng ta có được về một người.
Một ví dụ tuyệt vời về hiệu ứng này là ấn tượng của chúng ta về người nổi tiếng. Do chúng ra cảm nhận rằng họ hấp dẫn, thành công và dễ mến nên chúng ta có xu hướng cho rằng họ thông minh, tốt bụng và hài hước. Chính vì lẽ đó mà ngày nay, rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức luôn luôn cần tìm đến những người có sức ảnh hưởng (Key opinion leaders) trong xã hội để giúp họ làm đại diện thương hiệu cho sản phẩm của họ.
Ronaldo dùng dầu gội Clear Man, Sơn Tùng đi giầy Bitis Hunter, hay một cô người mẫu, ca sĩ xinh đẹp nào đó dùng sữa rửa mặt của hãng mỹ phẩm A, cầu thủ bóng đá kia dùng máy lọc nước của hãng B, v.v. Khi chúng ta có ấn tượng tốt đẹp ban đầu về một người, chúng ta có khuynh hướng tâm lý cũng cho rằng những lời khuyên, quyết định của họ là đúng, và chúng ta có xu hướng tin tưởng họ. Đó chính là hệ quả của hiệu ứng hào quang.
LỊCH SỬ CỦA HIỆU ỨNG HÀO QUANG
Nhà tâm lý học Edward Thorndike lần đầu tiên đưa ra thuật ngữ này trong một bài báo năm 1920 với tiêu đề “The Constant Error in Psychological Ratings”. Trong thí nghiệm được mô tả trong bài báo, Thorndike yêu cầu các cán bộ chỉ huy trong quân đội đánh giá một loạt các phẩm chất của những người lính cấp dưới.
Những đặc điểm được đánh giá bao gồm khả năng lãnh đạo, ngoại hình, trí thông minh, lòng trung thành và tin cậy. Ông thấy rằng việc một phẩm chất được xếp hạng cao sẽ dẫn đến các phẩm chất khác được xếp hạng cao, trong khi nếu có những điều bị đánh giá tiêu cực thì dẫn đến một số đặc điểm bị xếp hạng thấp hơn. Mặc dù trên thực tế thì các phẩm chất có thể không liên quan đến mức độ nó gây ảnh hưởng đến những phẩm chất còn lại. Chẳng hạn, đẹp trai thì không liên quan gì đến lòng trung thành, và dĩ nhiên trí thông minh thì chẳng liên quan gì đến việc đáng tin cậy. Nhưng xu hướng tâm lý đồng ý với một lựa chọn dễ dẫn đến việc chúng ta đồng ý với những lựa chọn tiếp theo.
Vậy tại sao ấn tượng tổng thể của chúng ta về một người lại tạo ra “vầng hào quang”, gây ảnh hưởng đến đánh giá của chúng ta về những đặc điểm cụ thể? Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy ở đây có vai trò của sức hấp dẫn. Nhiều nhà nghiên cứu khác đã nhận thấy rằng nếu một người được đánh giá là ưa nhìn thì chúng ta có xu hướng tin tưởng rằng họ có những tính cách tích cực và là con người thông minh.
Một nghiên cứu thậm chí còn phát hiện rằng các bồi thẩm viên thường ít tin rằng những người đẹp trai, xinh xắn có hành vi phạm tội. Trong khi trên thực tế, chúng ta hiểu một điều rằng hành vi phạm tội phụ thuộc rất nhiều vào suy nghĩ, nhận thức, ý thức của một người hay động cơ, hoàn cảnh khác nhau. Chứ không hề có mối liên hệ giữa chuyện đẹp trai, xinh gái, lịch lãm, thanh lịch thì không có xu hướng phạm tội.
HIỆU ỨNG HÀO QUANG TRONG ĐỜI SỐNG
Trong lớp học, các giáo viên có thể bị hiệu ứng này ảnh hưởng đến việc đánh giá học sinh. Ví dụ, một học sinh có cách cư xử tốt cũng thường được giáo viên cho rằng là người thông minh, siêng năng trước khi giáo viên bắt đầu đánh giá năng lực cụ thể. Khi hiệu ứng hào quang xảy ra, chúng có thể làm ảnh hưởng đến việc đánh giá học sinh trên một vài phương diện, thậm chí là điểm của học sinh. Khi giáo viên có cảm tình, ấn tượng tốt đẹp về một học sinh, giáo viên có thể đánh giá cao học sinh ấy, từ đó có niềm tin vào học sinh ấy. (Hiệu ứng pygmalion, sẽ phân tích ở một chủ đề khác.)
Hiệu ứng hào quang có thể ảnh hưởng đến cách giáo viên đối xử với học sinh và cũng đồng thời là việc học sinh, sinh viên đánh giá về giáo viên. Một nghiên cứu chỉ ra rằng một giáo viên ấm áp và thân thiện thường được đánh giá là hấp dẫn, lôi cuốn và dễ thương hơn. Cho nên, đó là lý do vì sao chúng ta nhận ra một điều rằng có những giáo viên mặc dù chuyên môn rất tốt, nhưng không có khả năng truyền đạt và tạo sự lôi cuốn được cho học trò. Hay một số người thường nói, đây là kỹ năng sư phạm. Cho nên, nếu một người nói thầy cô dạy dở, thì lỗi có thể thuộc về học trò. Nhưng nếu có quá nhiều học trò nói thầy cô dạy dở, thì lỗi chắc hẳn phải nằm ở chính thầy cô.
Trong môi trường làm việc, hiệu ứng hào quang ảnh hưởng đến việc đánh giá công việc của cấp trên với cấp dưới. Trong thực tế, hiệu ứng hào quang là thiên vị phổ biến nhất trong đánh giá hiệu quả. Cấp trên có thể đề cao một đặc điểm duy nhất của nhân viên, chẳng hạn như sự nhiệt tình. Nhưng điều này hoàn toàn có thể khiến các đánh giá còn lại trở nên tích cực hơn. Công bằng mà nói thì sự nhiệt tình và các yếu tố khác tạo nên kết quả có thể không liên quan đến nhau. Một nhân viên nhiệt tình có thể dẫn đến chuyện luôn làm mọi thứ vội vàng, thiếu sự chín chắn và cẩn trọng. Một người nhiệt tình cũng không có nghĩa là người đó có sự tỉ mẩn, tỉ mỉ, chi tiết với những công việc yêu cầu cần sự kỹ lưỡng. Nhân viên này hoàn toàn có thể thiếu kiến thức cần thiết hay khả năng để hoàn thành tốt công việc nhưng nếu anh ta thể hiện được sự nhiệt tình, cấp trên sẽ vui vẻ đánh giá hiệu suất làm việc của anh ta cao hơn kiến thức hoặc khả năng vốn có.
Các ứng viên cũng dễ dàng cảm nhận được tác động của hiệu ứng này. Nếu nhà tuyển dụng cảm thấy ứng viên hấp dẫn hay dễ nhìn, họ cũng dễ đánh giá cá nhân đó là một người thông minh, có năng lực và trình độ chuyên môn. Trong khi công bằng mà nói thì ngoại hình và năng lực chuyên môn hoàn toàn có thể không liên quan đến nhau. Có rất nhiều ứng viên đẹp, nhưng kỹ năng rất kém, cư xử vụng về, hoặc thậm chí là yếu kém về mặt chuyên môn. Có những người rất đẹp, nhưng khả năng giao tiếp thì không hề tốt một chút nào. Nhưng chắc chắn người ta vẫn có thiện cảm khi ngồi nói chuyện với một người đẹp mà giao tiếp vụng về hơn là một người giao tiếp tốt nhưng ngoại hình quá xấu.
ĐÃ ĐẾN LÚC BẠN PHẢI CHÚ Ý VỀ ẤN TƯỢNG ĐẦU
Hiệu ứng hào quang giúp chúng ta đưa ra một kết luận thực tế rằng: Một ấn tượng tổng thể của bạn về một cá nhân có thể ảnh hưởng đến đánh giá của bạn về các đặc điểm khác.
Như chúng ta cũng biết thì hệ quả của hiệu ứng này có thể dẫn đến việc mỗi người có những sự đánh giá thiếu khách quan. Nhưng nếu hiểu được sự thật này thì đã đến lúc bạn hiểu được câu hỏi “Vì sao xấu cũng là một cái tội?”. Chắc chắn rằng ấn tượng ban đầu của người khác về bạn là điều cực kỳ quan trọng, cho nên dù gì thì bạn cũng phải đẹp. Hay nói một cách khác, ấn tượng đầu bạn tạo ra cho người khác là vô cùng quan trọng.
Việc dễ dàng nhất bạn có thể chú ý, đó chính là thông qua cách ăn mặc của mình. Ăn mặc lịch sự chắc chắn là một từ khóa quan trọng. Giả sử bạn là một người đi mua hàng và gặp người bán hàng của bạn. Một người bán hàng mặc vest lịch lãm chắc chắn sẽ giúp bạn cảm thấy yên tâm hơn một người mặc quần áo luộm thuộm, người có mùi hương khó chịu. Bạn có biết trong lịch sử, tổng thống Mỹ Ronald Reagan luôn có một thói quen mặc vest khi đi đến phòng bầu dục (nơi làm việc của tổng thống Mỹ), và ông cũng là người có tái đắc cử một cách vang dội. Mặc đẹp, mặc lịch sự giúp bạn tạo ra những ấn tượng đầu quan trọng, bởi bạn sẽ rất mất nhiều công sức và thời gian để sửa lại ấn tượng đầu nếu như nó đã không tốt.
Bạn có thể không đẹp bẩm sinh, nhưng bạn không được phép để cho bản thân mình trở nên xấu xí. Nếu bạn muốn mình trở nên đẹp, bạn sẽ làm được. Chỉ là mức độ quyết tâm và khao khát của bạn đến đâu mà thôi. Bạn có thể chú ý, để ý vào việc chăm sóc bản thân. Thêm vào đó là rèn luyện cơ thể. Những bí quyết, lý thuyết về việc làm sao để tập luyện thì hơn ai hết bạn hoàn toàn biết rằng mình có thể tự tìm hiểu.
Sau đó nữa là rèn luyện thần thái của mình cho thật ấn tượng. Sức hút cá nhân, sự tự tin, vẻ nồng nhiệt – tất cả đều vô cùng quan trọng với bạn. Chắc hẳn bạn đang hỏi bí quyết là gì ư? Có lẽ, câu trả lời tạm thời không nằm ở bài viết này. Chúng ta sẽ gặp nhau ở một chủ đề khác.
*Sưu tầm và biên tập độc quyền bởi Tâm lý học ứng dụng
Edward