Hiệu ứng Galatea, bạn có đang tin vào chính mình?

Chắc bạn còn nhớ truyền thuyết về hiệu ứng Pygmalion trong thần thoại Hy Lạp: Hoàng tử Síp – Pygmalion đã tạo ra một bức tượng ngà khắc họa người phụ nữ lý tưởng của mình và đặt tên là Galatea. Từ khi có Galatea, Pygmalion vui sướng, ngày ngày bầu bạn, âu yếm nàng. Pygmalion đem lòng yêu sâu sắc tác phẩm của chính mình và tha thiết khẩn cầu thần Vệ Nữ ban cho Galatea hơi thở sự sống. Cảm động trước tài năng và tình yêu chân thành của Pygmalion, thần vệ nữ đã hóa phép cho bức tượng biến thành người thật. Ước mơ toại nguyện, nàng Galatea xinh đẹp trở thành vợ chàng và hai người sống hạnh phúc bên nhau trọn đời.

Galatea chính là cô gái mà Pygmalion đã tạc tượng trong câu chuyện lý giải về sự ra đời của hiệu ứng Pygmalion. Nếu đã nhắc đến hiệu ứng Pygmalion thì chắc chắn chúng ta không thể bỏ qua hiệu ứng Galatea. Có thể tóm tắt hiệu ứng Pygmalion theo sơ đồ sau:

Bạn hình thành kỳ vọng về một người => Bạn thể hiện kỳ vọng lên người đó => Người đó điều chỉnh hành vi của họ cho phù hợp với kỳ vọng của bạn => Họ hành động và đạt được kết quả như kỳ vọng của bạn trao cho họ.

Có thể tóm lược một số ví dụ về hiệu ứng Pygmalion, chẳng hạn như thầy giáo đặt niềm tin (kỳ vọng) vào học trò rằng cậu bé ấy là một người học giỏi, có thể đào tạo được => thầy giáo luôn động viên, khích lệ, thay đổi phương pháp dạy của mình sao cho học trò dễ hiểu để học trò ấy phải học giỏi (thể hiện kỳ vọng) => cậu học trò ấy quyết tâm học hành cho xứng đáng với niềm tin mà thầy trao cho (điều chỉnh hành vi cho phù hợp với kỳ vọng) => kết quả là cậu học trò học chăm hơn, đạt được kết quả tốt và trở thành học sinh giỏi (đạt kết quả như kỳ vọng).

Ý NGHĨA HIỆU ỨNG PYGMALION

Ý nghĩa của hiệu ứng Pygmalion đó là niềm tin, kỳ vọng của chúng ta sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến người khác, đặc biệt khi bạn là người có sức ảnh hưởng đến một người. Chẳng hạn bạn là sếp, là thầy cô, là cha mẹ, là quản lý, lãnh đạo, là bạn thân thiết,… Việc bạn trao niềm tin cho một người có thể khiến cuộc đời họ thay đổi, và ngược lại, khi một người bị những người có sức ảnh hưởng “dán nhãn” – cuộc đời họ có thể hoàn toàn tăm tối. Chẳng hạn như học sinh bị thầy nói là “đầu óc bã đậu, không có tương lai” có thể dẫn đến việc đứa bé dần tin rằng mình là một người kém cỏi.

Ở chiều ngược lại, hiệu ứng Pygmalion nói đến việc ảnh hưởng của sự kỳ vọng đến bạn.

Một người hình thành kỳ vọng về bạn => Cách họ thể hiện kỳ vọng lên bạn => Cách bạn điều chỉnh hành vi cho phù hợp với kỳ vọng của họ => Cách bạn hành động và đạt kết qua đúng như họ kỳ vọng.

Ai cũng biết là điều người khác nói về mình có thể hoàn toàn là cảm tính, không có cơ sở và không nên tin nếu như đó là những điều tiêu cực. Thế nhưng, làm sao có thể tránh lại được khi lời nhận xét đó là từ một người có sức ảnh hưởng, hoặc việc đó được lặp đi lặp lại nhiều lần. Chẳng hạn đó là nhận xét của thầy cô về một đứa trẻ trong chuyện học hành (bài này lấy đi lấy lại ví dụ thầy – học trò cho các bạn dễ hiểu và hiểu bản chất của 2 hiệu ứng này). Hoặc trường hợp thứ hai, chẳng hạn cha mẹ thường xuyên lặp đi lặp lại những nhận xét tiêu cực về con cái như: không được tích sự gì, đầu óc bã đậu, kém cỏi,…

Như vậy, bạn có thể thấy hiệu ứng Pygmalion có sức mạnh hay sức hủy diệt khủng khiếp (tùy trường hợp) đến như thế nào. Nếu vậy thì trong trường hợp một người tạo nên những niềm tin, định kiến, nhận xét không tốt về bạn, bạn phải làm gì?

Hãy để hiệu ứng Galatea trả lời!

HIỆU ỨNG GALATEA – BẠN CÓ ĐANG TIN VÀO CHÍNH MÌNH?

Niềm tin mang đến cho ta vô vàn bất ngờ trong cuộc sống, cùng chúng ta xây dựng nên những cổ tích giữa đời thật. Khi đã không còn niềm tin, thì mọi động lực, cố gắng đều trở về con số không. Bạn có đang tin vào bản thân mình chứ?

Niềm tin vào bản thân hay còn gọi là SỨC MẠNH CỦA SỰ TỰ KỲ VỌNG đã được chứng minh và giải thích rất rõ ràng với tên gọi khoa học là hiệu ứng Galatea – hệ quả của hiệu ứng Pygmalion. Hiệu ứng này nhấn mạnh vào sức mạnh của niềm tin chính mình: Khi bạn được người khác gieo niềm tin tích cực về bản thân, một cách vô thức, bạn cũng tin rằng mình thật sự tài năng như cách mà họ đối xử với bạn. Sự kỳ vọng giúp bạn có động lực phát triển, luôn chủ động tìm hướng giải quyết mọi vấn đề, sống tích cực và chắc chắn hiệu suất làm việc sẽ cao hơn. 

Điều chúng ta dễ thấy nhất đó là khi một ai đó khen chúng ta làm tốt một điều gì đó, chúng ta có khuynh hướng tin mình làm tốt, và thế là chúng ta dành nhiều thời gian hơn để làm việc đó. Kết quả là chúng ta làm tốt hơn nhiều. Khi có kết quả, nó lại càng củng cố niềm tin cho chúng ta về việc chúng ta giỏi điều đó. Ngược lại, bạn có thấy một ai đó từng thử làm một điều gì đó, thế rồi bị người khác chê hoặc nhận xét rằng làm không tốt. Thế là họ cảm thấy ngại, ít làm điều đó hơn. Từ đó dẫn đến hệ quả là nếu có làm thì kết quả không còn tốt nữa. Càng ngày họ lại càng tin rằng họ không thể làm tốt được điều đó. Đó chính là hiệu ứng Galatea.

Bạn có đi xem bói không? Bạn đã bao giờ thắc mắc vì sao thầy bói lại nói đúng chưa? Bởi vì bạn tin vào ông thầy bói, khi ông thầy bói phán bất cứ điều gì về bạn, cơ chế hoạt động của hiệu ứng Pygmalion và Galatea được khởi động, não bộ bạn tiếp nhận thông tin và giúp bạn khơi dậy niềm tin vào lời tiên tri của ông thầy bói. Nếu ông ấy nói sau này bạn nhất định thành đạt và hạnh phúc, bạn cũng sẽ tin rằng mình sẽ có một tương lai tương sáng và mỗi ngày bạn dặn mình phải nỗ lực vì tương lai đó. Hoặc ông thầy nói rằng tháng này cẩn thận gặp xui, thế rồi tình cờ gặp xui, bạn lại tin rằng ông ấy nói đúng, thế là bạn bực bội, mất khả năng làm chủ cảm xúc, hành động không tỉnh táo, kết quả không tốt, bạn lại càng tin rằng mình gặp xui xẻo.

Khi Pygmalion yêu thương, trao niềm tin cho Galatea, cuối cùng nàng Galatea đã thay đổi và trở thành người vợ xinh đẹp bên Pygmalion. Nhưng giả sử Pygmalion đối xử với Galatea không ra gì, nhận xét Galatea không ra gì, chắc chắn Galatea cũng sẽ nghĩ mình chẳng ra gì. Cho nên, nếu bạn đã hiểu điều này, chắc chắn bạn sẽ biết cách ứng dụng hiệu ứng Galatea như nào cho cuộc sống của bạn trở nên tốt đẹp hơn. Vậy thì, nếu Pgymalion không tin vào Galatea, liệu nàng Galatea có biết tin vào chính mình?

Đó là câu hỏi mà Edward muốn bạn – người đang đọc những dòng này tự trả lời cho chính bản thân mình. Bởi lẽ, chắc chắn rằng không ai thành công mà không đôi lần thất bại, không ai trưởng thành mà không vượt qua được định kiến, thị phi, dèm pha của xã hội, củ dòng đời. Quan trọng nhất là cách mà bạn vượt qua nó như thế nào.

ĐỪNG ĐỂ CUỘC ĐỜI LÀM BẠN ĐÁNH MẤT NIỀM TIN

Có biết bao người học trò lớn lên mất niềm tin ở chính mình chỉ vì một lời nhận xét của thầy cô thời đi học?

Có biết bao đứa trẻ lớn lên không tin vào bản thân bởi cha mẹ nó từng nói nó là đứa bất tài, vô dụng?

Có biết bao nhân viên không thành công trên con đường sự nghiệp chỉ vì một lời đắng cay từ sếp?

Có biết bao tài năng bị mất đi bởi vì thất bại hoặc lời nhận xét của vị giám khảo abc trong cuộc thi xyz gì đó?

Thực tế cuộc đời giống như một đường đua, mà ở đó kẻ thắng có 1 nhưng kẻ thất bại thì rất nhiều. Có bao giờ bạn thấy cuộc thi nào mà tất cả đều được giải nhất không? Hay giải nhất chỉ thuộc về một người hoặc một nhóm nhỏ? Đây là một quy luật của cuộc sống, rằng những người không tin bạn luôn nhiều hơn những người tin bạn.

Điều thứ hai, đó là ngay cả những người tin bạn, họ chỉ tin khi bạn thể hiện ra được kết quả. Do vậy, khi thấy bạn chưa tạo ra kết quả tốt, họ không có lý do để tin bạn. Chưa kể, ngay cả những người yêu thương bạn, cũng có thể có những lúc họ vô tình đưa ra những lời nói, nhận xét làm tổn thương đến bạn. Nhưng nếu chúng ta đơn giản tin những điều đó, chấp nhận những điều đó một cách quá dễ dàng thì phải chăng bạn đang quá yếu đuối? Vậy thì thay vì kỳ vọng một ai đó sẽ đến bên bạn, trao cho bạn kỳ vọng tuyệt vời, tin bạn. (Số này vẫn có, nhưng chắc chắn là số ít) thì hãy học cách tin tưởng ở chính bản thân mình.

ỨNG DỤNG HIỆU ỨNG GALATEA – HÃY HỌC CÁCH TIN Ở CHÍNH MÌNH

Bạn biết Lord Kelvin chứ?

Chắc hẳn bạn đang hỏi ông Edward này viết cái gì thế vậy? Lork Kelvin là ai mà sao nghe lạ hoắc, có lẽ mình còn chưa nghe thấy bao giờ.

Vậy bạn biết anh em nhà Wright không? Bạn nghĩ ai nổi tiếng hơn ai? Thực ra trước khi máy bay có thể vi vu trên bầu trời thì người ta không ai biết anh em nhà Wright đâu. Quay lại thời đó, Lock Kelvin là một nhà toán học, một nhà vật lí học, ngày còn đi học ông là sinh viên đại học Cambridge,  Ông từng giữ chức chủ tịch hiệp hội khoa học Hoàng gia từ năm 1880 – 1895. Năm 1895, ông đã khẳng định rằng “Việc tạo ra các cỗ máy biết bay mà khối lượng của chúng nặng hơn không khí là điều không thể”. Hay nói một cách khác, khi ấy người ta tin rằng “Chỉ có chim mới bay được!”

Nếu anh em nhà Wright gặp ông và nói rằng họ muốn làm một cái gì đó không phải chim mà có thể bay được thì ai sẽ tin? Sẽ chẳng có một chàng Pygmalion tuyệt vời đến mang cho họ niềm tin, niềm cảm hứng – thay vào đó, chỉ có cách duy nhất là họ phải học cách tự tin vào chính mình.

Niềm tin là việc bạn tin vào một điều gì đó là đúng cho đến khi nó trở thành hiện thực!

Có rất nhiều người viện cớ rằng, niềm tin thì phải có cơ sở, nghĩa là họ phải thấy kết quả thì họ mới tin vào chính mình. Thế rồi, những người này họ không có được sự tự tin ở chính mình. Thực tế thì ngược lại, có không ít điều chúng ta không thể nhìn thấy kết quả ngay (một điều gì đó chưa trở thành hiện thực). Nhưng trước đó, bạn buộc phải học cách tin vào bản thân mình trước. Vậy thì, bạn sẽ lựa chọn như thế nào?

*Bài viết độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng

Edward

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+