Ở phần 1, bài viết gửi đến thông điệp về định nghĩa hiệu ứng domino, hiệu ứng hòn tuyết lăn, điểm chung của nó là đừng coi thường những chuyện nhỏ, sức mạnh của thay đổi chỉ 1% mỗi ngày hay nói cách khác, muốn thay đổi cả thế giới thì hãy làm thật tốt những việc nhỏ. Ứng dụng của nó trong từng việc nhỏ như từ việc gấp chăn thật gọn gàng mỗi buổi sáng, biết ơn mỗi buổi tối và tràn đầy năng lượng đầu ngày mới, dành ra 5 phút mỗi ngày để đọc sách hay làm giàu bền vững chỉ nhờ việc tiết kiệm 1 ly cà phê mỗi ngày và khép lại bằng câu chuyện hóa rồng Singapore. Đó là góc nhìn tích cực từ việc đừng coi thường sức mạnh của những chuyện nhỏ. Ở phần 2 này, bài viết sẽ nói lên sự nguy hiểm nếu coi thường những chuyện nhỏ.
I) Đừng coi thường những chuyện nhỏ
Bởi vì những chuyện nhỏ ấy sẽ kéo theo những hệ quả rất rất lớn đằng sau nó. Trong cuộc sống, đôi khi người ta hay nghĩ thôi chuyện này nhỏ mà, đơn giản mà, không sao đâu. Nhưng kì thực, đó lại là một tâm lý hết sức nguy hiểm và sai lầm. Hôm nay tiêu thêm chút tiền cho món đồ này, không sao đâu mà, mai mình sẽ thắt chặt chi tiêu. Cho bản thân mình chơi nốt hôm nay, rồi mai học, có sao đâu. Cho bản thân mình ăn uống chiều theo ý thích nốt hôm nay, ngày mai sẽ lại kiêng khem tập thể dục, không sao đâu mà. Chẳng có cái gì nhỏ mà lại “không sao mà” cả. Người lớn, đôi khi không làm gương, làm sai một chút có sao đâu. Nhưng kì thực, trẻ nhỏ lại nhìn vào người lớn mà làm theo. Lãnh đạo, cho phép bản thân mình không nghiêm minh thì cấp dưới tất cũng sẽ như vậy. Cho nên, người ta mới nói: “Thượng bất chính, hạ tất loạn” là như vậy. (Trên không chính trực ngay thẳng thì đừng trách vì sao bên dưới hư đốn, bất trị).
II) 1 – 1 = ? Học thuyết Chi phí cơ hội – Liệu một trừ một có bằng không?
Về mặt toán học, một đứa con nít cũng có thể dễ dàng trả lời câu hỏi mà người lớn đặt ra rằng 1 – 1 = ?. Không có gì thắc mắc rằng đáp án là 0. Chẳng hạn, An có 1 quả cam, bây giờ An mất 1 quả cam, thì dĩ nhiên là An không còn quả cam nào. Ngày còn nhỏ, khi mà ta chưa biết về phép trừ, người lớn thường dạy rằng hãy gập số ngón tay lại, ví dụ An có 1 quả cam, tức là xòe ra 1 ngón tay, mất 1 quả cam thì cụp tay lại, và như thế đáp án là 0. Nhưng trong cuộc sống, liệu một trừ một có bằng không?

Purchase this image at https://www.stocksy.com/1058396
Học thuyết chi phí cơ hội là một học thuyết hữu ích sử dụng trong tâm lý về sự lựa chọn. Lựa chọn có nghĩa là thực hiện sự đánh đổi. Để nhận được một lợi ích nào đó buộc chúng ta phải đánh đổi hoặc bỏ qua một chi phí nhất định cho nó. Như vậy, chi phí cơ hội của một phương án được lựa chọn là giá trị của phương án tốt nhất bị bỏ qua khi thực hiện sự lựa chọn đó và là những lợi ích mất đi khi chọn phương án này mà không chọn phương án khác.
Và nếu phân tích góc nhìn ở đây, thì hẳn mọi chuyện đã khác
1. Một ngày đẹp trời, bạn bị mất 01 cái laptop. Liệu bạn có chỉ mất 01 cái? Câu trả lời là hiển nhiên bạn mất 01 cái, nhưng nó đúng ở bề mặt. Giả sử, bạn là người đi làm, hoặc sinh viên phải sử dụng laptop để làm việc, học tập. Mất 01 cái laptop nghĩa là bạn đã mất cái đó, là hiển nhiên. Cái bạn mất thêm ở đây là mất thêm số tiền khác để mua thêm 01 cái laptop khác và mất đi một cơ hội khác để làm điều gì đó nếu như không bị mất số tiền mua cái laptop đó. Như vậy thực sự là bạn bị mất 02 cái trong cùng một thời điểm. Để dễ hiểu, hãy quy đổi ra giá trị tiền. Giả sử một cái laptop bạn dùng giá trị 15 triệu đồng. Như thế, mất 01 cái laptop, thực tế bạn mất 15 triệu đồng giá trị cái laptop đó, cộng với 15 triệu đồng nữa bạn phải bỏ ra để mua một cái laptop mới, tổng cộng là mất 30 triệu đồng. Câu chuyện chưa dừng lại tại đây, nếu nhìn thêm góc nhìn từ chi phí cơ hội, bạn bị mất 15 triệu để mua thêm một cái laptop mà nếu lẽ ra không mất, bạn đã có 15 triệu đó để tạo một cơ hội – tức làm một việc gì đó có giá trị hơn cho bạn. Cho nên, một trừ một không hẳn bằng không.
2. Từ đó, dễ thấy quay trở lại câu chuyện của An. Giả sử mẹ cho bé An 1 quả cam. Vì An còn nhỏ và mải chơi, nên không để ý, do đó mà An làm rơi quả cam mẹ vừa bóc cho xuống đất, bị bẩn. Thấy thế, bé An khóc. Mẹ ra an ủi, thôi bẩn rồi bỏ đi, mẹ mua cho bé quả cam khác. Nghe đến đây, bé An mới nín khóc. Như vậy, khi bé An làm mất 1 quả cam, thì mẹ phải bù cho bé An thêm 1 quả nữa, có nghĩa là tổng cộng tất cả mẹ bé An bị mất 2 lần quả cam – một lần là 1 quả cam bé An bị mất, một lần là 1 quả cam mẹ phải bù cho bé An và chưa kể giá trị từ 1 quả cam mà lẽ ra nếu không phải mua quả cam đó, mẹ bé An có thể làm được việc khác. Và ở đây, một trừ một không hẳn bằng không.

Purchase this image at http://www.stocksy.com/779503
III) Có những chuyện xảy ra trong cuộc sống, nó không đơn thuần là chuyện nhỏ
1. Hàng ngày, con người ta tự suy nghĩ khoảng 50,000 – 70,000 suy nghĩ. Đây là con số không còn xa lạ gì. Và nếu bạn không tin, thì chắc trong đầu bạn đang tự suy nghĩ “Con số này liệu có đáng tin không?”. Chúng ta suy nghĩ rất nhiều như vậy. Vậy thì, vấn đề nằm ở đây: nếu như cũng trong một thời điểm, bạn có 1 suy nghĩ tiêu cực. Chuyện nhỏ thôi mà, nhưng thực ra, bạn đang mất thời gian để chịu hậu quả của việc suy nghĩ tiêu cực. Ví dụ một ngày bạn có khoảng 30,000 suy nghĩ tiêu cực thì tâm trạng của bạn bị ảnh hưởng bởi 30,000 suy nghĩ tiêu cực đó, nó làm bạn đau khổ hơn trong khi nếu một người cả 30,000 suy nghĩ ấy họ đều suy nghĩ tích cực. Đó là lí do người đau khổ càng ngày càng đau khổ, và người hạnh phúc càng ngày càng hạnh phúc. Vậy nên, không chấp nhận một suy nghĩ tiêu cực, dù chỉ là chuyện nhỏ.
2. Cũng tương tự thế, lựa chọn quan trọng trong đời là chọn bạn mà chơi. Vậy nên thay vì mất thời gian để nói chuyện với 1 người tiêu cực thì như nào thì thời gian ấy, hãy dành để ở bên cạnh người mang lại cho bạn năng lượng tích cực. Một trong những nguyên tắc hàng đầu trong tuyển chọn nhân sự của các tập đoàn lớn ngày nay, đó là họ tuyệt đối không tuyển người có năng lượng tiêu cực. Bởi lẽ, người tiêu cực nếu tuyển vào sẽ mang đến năng lượng tiêu cực cho tập thể, trong khi nếu thay đó bằng người tích cực, thì họ không mất thời gian giải quyết việc của người tiêu cực mà lại còn được nhận năng lượng từ người tích cực.
3. Các cụ vẫn bảo “Người giàu ngày càng giàu, người nghèo ngày càng nghèo”, cũng là bởi vì như thế. Thay vì mất tiền cho việc chi tiêu lãng phí không mang lại giá trị, và số tiền đó được dùng để đầu tư, thì khoảng cách giữa người giàu và người nghèo là 2 lần số tiền đó, chứ không phải chỉ 1 lần. Nói về điều này, chỉ cần nhớ nguyên tắc đơn giản là “đầu tư” và “lãng phí” – hãy chỉ tiêu tiền cho việc đầu tư, chứ đừng làm cho việc không xứng đáng. Tâm lý tiêu xài lãng phí của con người thường là tâm lý “thôi nốt lần này thôi mà”, bởi họ nghĩ một lần chỉ là chuyện nhỏ. Nhưng mọi chuyện không hề nhỏ.
4. Trong bài viết Thấu hiểu tâm lý con người khi cãi nhau (goo.gl/tSPxFP) có nói đến giải pháp tốt nhất khi xảy ra xung đột (Xung đột theo kiểu để cảm xúc chi phối, chứ không phải là tranh luận tích cực), đó là IM LẶNG. Bởi lúc hai người cãi nhau rồi, thì Im lặng là cách nhanh nhất để không bị mất thời gian. Và ngay lập tức dành thời gian còn lại để làm việc hữu ích và nạp năng lượng cho bản thân.
5. Hàng ngày, thời nay ai cũng đọc, và phần lớn tầng lớp trẻ và trung niên, ai cũng có smart phone. Nhưng một ngày ai cũng chỉ có 24h, vì vậy, thay vì bản thân mất thời gian, mất năng lượng vào những thông tin tiêu cực, nhảm, vô bổ trên các tờ báo lá cải – đừng nghĩ nó là chuyện nhỏ. Hãy tận dụng để đọc cái gì đó hữu ích. Ở nhà, không bao giờ mình mang rác về nhà. Vậy thì bộ não mình, cũng phải coi như đó là ngôi nhà trí thức, tuyệt đối không được mang kiến thức, thông tin rác trên mạng vào đầu của mình.
IV) Hãy nhìn đúng bản chất vấn đề, đừng nhìn qua lăng kính phóng đại hoặc thu nhỏ
Đôi khi, để thay đổi góc nhìn về một việc, người ta có thể thay đổi bằng cách nhìn qua lăng kính phóng đại hoặc thu nhỏ. Thực ra, làm cực đoan như vậy đều không tốt. Hãy nhìn đúng bản chất vấn đề.
1. Ví dụ việc học sinh thi cử. Trung bình hàng năm cả nước có 1 triệu thí sinh tham gia kì thi trung học phổ thông quốc gia, và giả sử các trường cao đẳng, đại học lấy chỉ tiêu khoảng 333,333 thí sinh. Để dễ nói, người ta hay nói tỉ lệ chọi là 1 chọi 3. Nhưng nhìn như vậy là nhìn qua lăng kính thu nhỏ. Đúng bản chất vấn đề phải như sau: Nếu chỉ tiêu vào cao đẳng, đại học khoảng 333,333 thí sinh trên tổng số 1 triệu thí sinh tham gia, có nghĩa để trúng tuyển, bạn phải vượt qua khoảng 666,666 thí sinh chứ không phải là 1 chọi 3. Tức là bạn phải giỏi hơn, may mắn hơn, kĩ năng tốt hơn 666,666 người. Vậy nên, nếu thầy cô nói với học trò: con thi trường A, chỉ tiêu 500 người, mà có khoảng 5000 người ứng tuyển, nghĩa là con phải giỏi hơn ít nhất 4500 người. Do đó, đừng có nghĩ rằng “lười học một hôm” là không sao, “chơi nốt hôm nay” là chuyện nhỏ, …
2. Giả sử quân lính đi đánh trận quân địch đông gấp đôi. Nhìn qua lăng kính thu nhỏ có nghĩa là 1 phải đánh 2. Nhưng sự thật thì không phải như vậy. Giả sử hiệp đầu tiên, tỉ lệ là 1 -2 nghĩa là bên này có các cặp, và từng cặp một thì cứ 1 bên này phải đánh 2 người so với bên kia. Giả sử sức người tương đương nhau, cho nên khi 1 đánh 2, cho rằng mỗi bên mất 1. Vậy thì sau lúc đó, bên đông sẽ còn thừa 1 người. Người đó sẽ sang đánh tiếp ở cặp 1 đánh 2, và lúc này sẽ là 1 đánh 3, rồi 1 đánh 5,… giả sử như vậy. Cho nên, đó là lí do mà vì sao chiến tranh ngày xưa, quân đông hơn, dù không nhiều cũng là cả khác biệt lớn. Đó là lí do mà vì sao những trận nào lấy ít địch đông đều là cả một kì tích vì khó khăn là quá lớn. Cho nên, đánh trận, chẳng có ai nói “Ôi chuyện nhỏ ấy mà, có 1 đánh 2, không sao đâu, cố gắng là được”.
V) Thay đổi
Cách tốt nhất là hãy ghi chép lại những sự kiện đã diễn ra, cho dù là nhỏ. Ví dụ hôm nay, sáng mình làm gì, chiều mình làm gì, tối mình làm gì, … để mỗi ngày trước khi đi ngủ nhìn lại danh sách ấy, và xem có điều gì mình làm là không hiệu quả, là “chuyện nhỏ” để bản thân tự nhủ phải thay đổi, ngày mai không mắc phải nữa. Ví dụ: sáng nay định vào Facebook 10’, ngồi một lúc mất cả 2 tiếng, lại đọc mấy cái linh tinh. Ngày mai nhất quyết không vào Facebook gì mà cả 2 tiếng lận, thay vì thế, mở những trang tích cực ra đọc, ra học. Ví dụ, ngày hôm nay tự nhiên đi trên đường, có chuyện làm mình khó chịu. Ngày mai, nhất quyết thay vì khó chịu, hãy mỉm cười và vui vẻ. Ví dụ, nay tiêu xài hoang phí, hãy để một dấu hỏi lớn ở đó, để ngày mai không bị mắc phải nữa. Danh sách ấy có thể ngày càng dài, và danh sách những điều không tốt được thay thế bởi danh sách những điều tốt cũng sẽ ngày càng dài lên.
“Hành trình vạn dặm, bắt đầu từ những bước chân đầu tiên…”
*Độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng
– Edward –