Hiệu Ứng Con Nhím Và Nghệ Thuật Giữ Khoảng Cách Trong Các Mối Quan Hệ

Chắc hẳn bạn đã từng gặp những tình huống phổ biến sau trong các mối quan hệ: hai người không thể duy trì được mối quan hệ lâu bền; cha mẹ và con cái xảy ra hiện tượng “xa thì nhớ gần nhau thì xung đột”; hai người yêu nhau “nóng lạnh thất thường” hay thậm chí là cả thèm chóng chán. Cũng không khó để chúng ta nhận ra rằng ngay cả những người thân yêu nhất đôi lúc vẫn gây ra sự khó chịu cho nhau. Bàn luận xa hơn nữa thì một mối quan hệ không tốt đẹp còn có thể lên tới đỉnh điểm của hai quốc gia, chẳng hạn chiến tranh lạnh kéo dài trong lịch sử. Con người chúng ta có nhiều sự khác biệt dẫn đến những điều này, chẳng hạn như bất đồng quan điểm, tư tưởng, bất đồng giá trị, xung đột lợi ích, hay những biến cố bất ngờ. Ở góc độ tâm lý, bài này nói về một hiệu ứng lý giải được phần nào các hiện tượng trên, giúp bạn có thể hiểu hơn và có thể ứng dụng tốt hơn cho các mối quan hệ của mình. Chính xác hơn đây là một hiệu ứng về khoảng cách tâm lý trong các mối quan hệ xuất phát từ một hiện tượng trong tự nhiên, gọi là hiệu ứng con nhím. (Tên hiệu ứng do người viết đặt, nên bạn chỉ cần hiểu bản chất, còn gọi tên như nào là tùy bạn).

HIỆU ỨNG CON NHÍM

Xuất phát từ một hiện tượng thực tế trong tự nhiên. Nhím là loài động vật có đặc điểm vô cùng đặc trưng là bộ lông sắc nhọn xung quanh. Có những chiếc lông dài đến 30cm, cứng và nhọn như những chiếc kim châm. Chính vì đặc điểm nổi trội này mà loài nhím có thể tự vệ khi gặp kẻ thù mà người ta hay nói là đừng động vào những người “xù lông nhím”. Loài nhím thường sống ở trong rừng, đào hang. Khi đêm về trời trở lạnh, chúng chợt nhận ra rằng nếu các con nhím đứng cách xa nhau quá thì chúng sẽ bị lạnh. Theo bản năng tự nhiên, chúng xích lại gần nhau để tỏa hơi ấm cho nhau. Khi xích lại sát nhau, chúng nhận được hơi ấm của nhau, thế nhưng có một vấn đề phát sinh xảy ra, đó chính là những sợi lông nhọn và cứng của con nọ lại đâm vào con kia, làm chúng rất đau và khó chịu. Không chịu được, chúng lại tách xa nhau ra. Nhưng tách xa nhau ra, chúng lại thế lạnh. Và rồi, theo bản năng tự nhiên chúng học được bài học đó là giữ một khoảng cách vừa đủ, đủ gần để nhận được hơi ấm từ nhau và đủ xa để không bị những sợi lông sắc nhọn vô tình làm đau nhau.

Từ khóa trong hiệu ứng con nhím chính là KHOẢNG CÁCH. Con người ta cũng như vậy, ai cũng phải có gia đình, người thân, đồng nghiệp, bạn bè. Chúng ta không thể sống cô đơn một mình. Vì thế chúng ta cần phải có nhau, để nhận “hơi ấm” của nhau. Việc sống với nhau trong gia đình, tập thể, cộng tác với nhau là văn hóa chúng ta thừa hưởng từ tổ tiên. Nó xuất phát từ việc thời xưa, ông cha ta phải sống theo những bộ tộc để đoàn kết lại chống thú rừng nguy hiểm, chống kẻ thù đe dọa tính mạng. Thế nhưng, con người không ai hoàn hảo. Ai cũng có những điểm tốt, thế mạnh và ngược lại là những điểm yếu, những điểm chưa hoàn thiện. Đó có thể là một vài thói quen xấu, những sự khác nhau trong sở thích, lối sống. Và vô tình, những điều này giống như những “sợi lông sắc nhọn”. Khi con người ta quá gần nhau, vô tình chính những điểm chưa tốt của nhau làm cho chúng ta khó chịu với nhau, từ đó có rất nhiều xung đột, mâu thuẫn không cần thiết xảy ra.

Hiệu ứng con nhím này thực ra là một hiện tượng tự nhiên và là một quy luật cuộc sống chứ không phải là một trường hợp đặc biệt. Đó chính là sự duy trì khoảng cách hợp lý trong bất kỳ mối quan hệ nào. Giống như việc bạn đọc một cuốn sách. Nếu bạn để cuốn sách đó quá xa tầm mắt của mình, chẳng hạn là 3m, chắc chắn bạn không thể nào nhìn rõ được những dòng chữ viết trên cuốn sách. Và ngược lại, nếu bạn để cuốn sách đó quá gần mắt mình, chẳng hạn để sát mắt của bạn cách 1cm, đương nhiên bạn cũng chẳng thể nào đọc được gì. Để đọc sách được, bạn phải giữ một khoảng cách vừa đủ. Dĩ nhiên, việc đọc sách này ai cũng biết, nhưng hóa ra sâu trong nó là một quy luật tự nhiên về một hiện tượng tâm lý. Trong mối quan hệ, việc giữ khoảng cách tâm lý là cực kỳ quan trọng.

VÌ SAO YÊU THƯƠNG NHAU VẪN XUNG ĐỘT?

Xung đột điển hình nhất mà chúng ta thường thấy là xung đột giữa cha mẹ và con cái. Có lẽ phần nhiều gia đình luôn gặp phải hiện tượng cha mẹ con cái bất đồng quan điểm, thậm chí có những gia đình đỉnh điểm là con cái không còn nói chuyện được với cha mẹ. Thực ra, để chung quan điểm thì vô cùng khó. Chúng ta sẽ có những điều chung quan điểm và sẽ có rất nhiều điều không thể chung quan điểm. Lý do là bởi vì thông thường, khoảng cách về tuổi giữa con cái và cha mẹ sẽ thường là khoảng từ 20 – 30 năm. Bạn cứ hình dung cách nhau 20 – 30 năm là cách nhau cả vài thế hệ và hàng nghìn sự khác nhau, thay đổi trong xã hội. Trong khoảng 20 năm gần đây, chúng ta mới biết thế nào là Internet, là Google, là Facebook, là Smartphone, là cải cách giáo dục, là showbiz,… Cho nên, làm sao mà con cái và cha mẹ có thể giống nhau được khi khác nhau về thời thế, về hệ thống giáo dục. Các bậc cha mẹ sẽ lại cách các bậc cha mẹ của họ (tức ông bà) cũng khoảng 20 – 30 năm. Và thế hệ chúng ta sẽ lại cách thế hệ con cái sau này khoảng 20 – 30 năm. Cho nên, sự thật là chúng ta sẽ phải chấp nhận. Có những chuyện, có những quan điểm, con cái và cha mẹ sẽ luôn luôn khác nhau, và sẽ không bao giờ giống nhau. Chính vì vậy, nếu ai cũng bảo vệ quan điểm của mình thì xung đột là điều đương nhiên.

Trong tình yêu, hôn nhân cũng như vậy. Có nhiều người lập luận rằng nếu không thích nhau thì tại sao người ta yêu nhau và kết hôn. Hai người đã quyết định yêu nhau, kết hôn thì chắc chắn phải rất hợp nhau. Nhưng sau kết hôn vẫn xảy ra xung đột, bất đồng quan điểm, cả thèm chóng chán, ly dị và thậm chí là thù ghét và làm tổn thương nhau. Sự thật cũng giống như ở trên, nguyên nhân là bởi vì chúng ta luôn có những khác biệt. Chỉ thuần xét ở phương diện giới tính, cũng có thể thấy rằng nam giới và nữ giới có rất nhiều sự khác biệt không chỉ trong tâm lý. Giới nào thì cũng có điểm mạnh, điểm yếu cốt lõi, đó là đặc điểm về giới. Chẳng hạn, người phụ nữ bẩm sinh là có thế mạnh về quan tâm, chăm sóc. Người đàn ông bẩm sinh là có thế mạnh về chịu trách nhiệm, dấn thân, làm trụ cột.

Đã nói về thế mạnh thì cũng cần nói về cả điểm yếu. Chẳng hạn khi gặp chuyện buồn hoặc thất bại, nhu cầu của mỗi người khác nhau. Người đàn ông thường có khuynh hướng trầm ngâm, suy nghĩ để cần không gian riêng. Khi ấy, có nhiều người không thích bị làm phiền bởi người khác. Ngược lại, phụ nữ lại cần được chia sẻ để vơi bớt đi nỗi buồn. Khi được quan tâm, âu yếm, chia sẻ họ như bớt đi nỗi niềm. Một người phụ nữ không hiểu tâm lý, lại nói quá nhiều khi người đàn ông cần không gian riêng tĩnh lặng, hay một người đàn ông không hiểu tâm lý, lại lạnh lùng không biết quan tâm hỏi han khi người phụ nữ cần sẻ chia, có thể dẫn đến những hiểu lầm rằng người kia không yêu thương mình. Thế rồi, những sự khó chịu bắt đầu xuất hiện và tích tụ lại dần, để rồi một ngày thành “giọt nước tràn ly”, người ta bắt đầu nói “Cô không bao giờ hiểu tôi!”, hay “Anh không bao giờ biết quan tâm tôi hết!”. Người ta khó chịu vì nhau mà đâu biết rằng nó cũng bởi vì những “cái gai nhọn” của mỗi người ai cũng có.

Trong mối quan hệ giữa đồng nghiệp, hay nhân viên và lãnh đạo cũng tương tự. Một điều hiển nhiên đó là giữa lãnh đạo, quản lý và nhân viên thường xảy ra tình trạng, thân quá thì khó nghiêm, xa quá thì khó phục. Thân nhau quá thì dễ chấp nhận nhau, dễ cả nể và ngại thẳng thắn. Xa nhau quá thì lại thiếu thân thiết để hiểu nhau, để sẻ chia, để kết nối. Một nghiên cứu tâm lý chỉ ra rằng trong bất kỳ tập thể nào cũng luôn tồn tại nhân viên suy nghĩ tiêu cực. Những người này, họ luôn suy nghĩ tiêu cực về cấp trên, về người khác, về môi trường làm việc dẫn đến những sự khó chịu. Nếu tiếp xúc quá nhiều với những người này, bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng bạn không thể không tiếp xúc khi họ làm việc cùng với bạn. Do vậy, để làm việc được với nhau thì khoảng cách cũng là điều quan trọng, cần đủ gần để hiểu và cảm thông. Nhưng cũng phải đủ khoảng cách để có thể thẳng thắn, nghiêm túc khi cần thiết. Và hơn hết, nếu có thể thì không nên để cho những xung đột không cần thiết xảy ra.

CHẤP NHẬN NHỮNG “CÁI GAI NHỌN” CỦA NHAU VÀ HỌC CÁCH GIỮ KHOẢNG CÁCH

Như vậy, nếu muốn giảm thiểu rất nhiều xung đột xảy ra không cần thiết, chúng ta bắt buộc phải học loài nhím, đó là chấp nhận những “cái gai nhọn” của nhau và giữ khoảng cách. Những cái gai là một phần sinh ra tự nhiên của con nhím. “Những cái gai” của chúng ta cũng sẽ là một phần tự nhiên của cuộc đời mỗi người. “Nhân vô thập toàn”, cuộc đời này không ai hoàn hảo là một quy luật của tự nhiên. Việc học cách chấp nhận một người có những khác biệt với mình chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng nó là một việc cần thiết. Đôi khi, bạn phải có đủ sự mạnh mẽ và đủ sự vị tha, sự yêu thương thì mới có thể chấp nhận được những điểm không tốt của một người.

Để chấp nhận và yêu thương được nhau, đôi khi bạn phải học cách vượt qua những cảm xúc tầm thường của chính mình. Đôi lúc là sự khó chịu vì người khác gây ra cho bạn, đôi khi là những lúc bạn cảm thấy giận dỗi, hoặc cảm thấy bị tổn thương, đôi khi là cảm xúc ghen tỵ vì những điều mình không có. Là con người, ai cũng đều có những cảm xúc ấy, đó là một điều hiển nhiên và bình thường. Thế nhưng, điều quan trọng hơn là chúng ta không nên để cho một vài cảm xúc tầm thường làm bản thân đánh mất đi những thứ giá trị và to lớn trong đời. Một người mẹ chăm con nhỏ có thể bị đứa con vô tình cầm dĩa chọc vào tay, một người vợ (người chồng) có thể phải chấp nhận những ngày tháng vô cùng kinh khủng của đối phương, một người con có thể phải ứa nước mắt khi chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già. Hãy chấp nhận những cảm xúc ấy là một phần của cuộc sống, chỉ những người có đủ chữ nhận, và vượt lên trên chính bản thân mình mới có thể chấp nhận được và từ đó yêu thương cả những sự khác biệt của người khác.

Sau đó, bước tiếp theo chúng ta cần làm là duy trì một khoảng cách vừa đủ, một sự quan tâm vừa đủ, và cả những sự thẳng thắn vừa đủ. Tập trung quá nhiều vào điểm không tốt cũng không được. Nhưng quan tâm quá nhiều cũng không tốt. Điều cần thiết là sự cân bằng. Trong một mối quan hệ, nếu thiếu sự quan tâm, bạn cần tìm cách để kết nối, gặp gỡ. Với mối quan hệ gặp nhau nhiều quá, hãy cho nhau những khoảng thời gian không có nhau, để mỗi người có những khoảng riêng dành cho mình. Chúng ta sống trong thời đại của Smartphone, gặp nhau 24/24, làm gì cũng thấy nhau, làm gì cũng có nhau, hoạt động gì cũng có trên mạng xã hội. Cho nên, thỉnh thoảng cũng cần ngắt kết nối, làm mới mình, tập trung hướng vào bên trong.

Rượu nhạt uống mãi cũng say, lời hay nói mãi cũng nhàm, món ngon ăn hoài cũng chán. Ngược lại suốt ngày nghe lời không hay, suốt ngày ăn món không ngon cũng không ổn. Cho nên, một lần nữa là giữ khoảng cách vừa phải, vừa đủ, và cân bằng là chìa khóa để duy trì những mối quan hệ. Cuối cùng, hãy nhớ một điều rằng:

“Nếu chúng ta là những con nhím, chúng ta không thể thay đổi những sợi lông như những cái gai sắc nhọn của nhau. Chúng ta chỉ có thể học cách chấp nhận nhau, giữ một khoảng cách vừa đủ, đủ gần để nhận được hơi ấm từ nhau và đủ xa để không bị những sợi lông sắc nhọn vô tình làm đau nhau.

*Bài viết độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng
 
Edward
[ ]
Chia sẻ ý kiến của bạn:

One Response

  1. văn Sơn Đào 29/10/2017

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+