Hiệu ứng bàng quan, vì sao người ta vô tâm hơn khi có thêm sự hiện diện của người khác?

Các nghiên cứu tâm lý học chỉ ra rằng khi một vụ tai nạn xảy ra trên đường, nếu chỉ có một người nhìn thấy thì tỉ lệ nạn nhân được cứu giúp sẽ cao hơn nhiều so với việc có rất người cùng lúc nhìn thấy khi đó. Nghe qua thì có vẻ như đó là một nghịch lý, thế nhưng đó chính là sự thật.

Suốt một thời gian dài, các nhà tâm lý học đã dành sự quan tâm cho câu hỏi tại sao và khi nào ta giúp đỡ người khác. Họ cũng đặc biệt quan tâm đến lý do vì sao đôi lúc ta không làm điều ấy.

Hiệu ứng bàng quan là một hiện tượng xã hội xảy ra khi mọi người đứng nhìn những người đang cần giúp đỡ mà không làm gì cả do có sự hiện diện của người khác.

Hai nhà tâm lý học xã hội Bibb Latané và John Darley đã làm khái niệm này trở nên nổi tiếng sau vụ giết người gây chấn động Kitty Genovese năm 1964 tại New York. Genovese bị đâm nhiều lần đến chết bên ngoài căn hộ của cô trong khi những người khác đứng nhìn tên tội phạm và không hề can thiệp hay báo cảnh sát.

Latané và Darley cho rằng nguyên nhân là do hiệu ứng bàng quan dẫn đến sự khuếch tán trách nhiệm (nhiều khả năng các nhân chứng sẽ can thiệp nếu có rất ít hoặc không có nhân chứng khác) và ảnh hưởng xã hội (các cá nhân trong một nhóm theo dõi hành vi của những người xung quanh để quyết định cách thức hành động). Trong trường hợp của Genovese, mỗi nhân chứng kết luận rằng vì hàng xóm của mình không làm gì cả nên mình cũng không cần giúp nạn nhân.

Những người bàng quan đều trải qua quá trình 5 bước, trong mỗi thời điểm họ đều có thể quyết định không làm gì cả.

  1. Chú ý đến sự kiện (hoặc lướt vội qua mà không để ý)
  2. Nhận ra sự khẩn cấp (hoặc cho rằng những người khác không có động thái gì thì nghĩa là tình huống không khẩn cấp)
  3. Nhận trách nhiệm của mình (hoặc đẩy sang người khác)
  4. Biết những gì cần làm (hoặc không làm)
  5. Hành động (hoặc lo ngại nguy hiểm, luật pháp, trạng thái lúng túng…)

Trong nhiều trường hợp, ta cảm thấy vì có những người khác ở xung quanh nên chắc chắn phải có ai đó ra tay hành động.

BÍ QUYẾT ĐỂ VƯỢT QUA THÁI ĐỘ BÀNG QUAN

Trong khi hiệu ứng bàng quan có thể tác động tiêu cực đến hành vi kiến tạo xã hội, lòng vị tha và chủ nghĩa anh hùng, các nhà nghiên cứu đã xác định được một số nhân tố khác nhau có thể giúp con người khắc phục hiệu ứng này và gia tăng khả năng thực hiện việc giúp đỡ người khác. Các nhân tố đó bao gồm:

1. Chứng Kiến Hành Vi Giúp Đỡ

Đôi khi chỉ cần nhìn một người làm một điều tử tế hay có ích cũng làm ta sẵn sàng giúp đỡ người khác. Hãy tưởng tượng bạn đang ở trong một cửa hàng bách hóa lớn. Tại lối vào có một người gõ chuông mời bạn ủng hộ cho một tổ chức từ thiện. Bạn để ý thấy nhiều người đi ngang qua đang dừng lại để bỏ tiền lẻ vào hòm quyên góp. Kết quả là bạn sẽ cảm thấy muốn dừng lại để quyên góp. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khi ta quan sát những người khác tham gia vào hành vi kiến tạo xã hội, như hiến máu chẳng hạn, thì nhiều khả năng là ta sẽ làm theo.

2. Quan Sát

Một trong những lý do chính khiến người ta thường không hành động khi người khác cần sự giúp đỡ là vì họ không chú ý đến những gì đang diễn ra cho tới khi quá muộn. Các tình huống mơ hồ có thể khiến ta khó xác định xem đối phương có cần sự giúp đỡ thật hay không. Trong một thí nghiệm nổi tiếng, người tham gia không phản ứng khi khói tràn ngập căn phòng vì những người khác cũng không phản ứng gì.

Vì không có ai hành động, người ta cho rằng không có gì khẩn cấp cả. Thay vì đơn thuần dựa vào phản hồi của những người xung quanh, hãy tỉnh táo và chú ý đến tình huống khi đó, điều này sẽ giúp bạn quyết định xem đâu là cách phản ứng tốt nhất.

3. Trang Bị Kỹ Năng Và Kiến Thức

Khi đối mặt với tình huống khẩn cấp, việc biết mình phải làm gì sẽ giúp tăng đáng kể khả năng hành động của một người. Làm thế nào để áp dụng điều này vào cuộc sống của bạn? Chắc chắn bạn không thể chuẩn bị cho mọi tình huống, vậy nên trước hết hãy tham gia vào những lớp sơ cứu và kỹ năng hồi sức cấp cứu, giúp bạn cảm thấy mình có năng lực hơn và chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống khẩn cấp trong tương lai.

4. Cảm Giác Tội Lỗi

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cảm giác tội lỗi thường thúc đẩy các hành vi giúp đỡ. Khái niệm “mặc cảm tội lỗi vì đã sống sót” là một ví dụ. Sau vụ khủng bố 11/9, một số người sống sót đã cảm thấy mình có trách nhiệm giúp đỡ người khác khắc phục hậu quả.

5. Tạo Tương Tác Cá Nhân

Từ lâu các nhà nghiên cứu đã biết rằng ta có xu hướng sẽ giúp đỡ những người mình quen biết. Trong một tình huống khẩn cấp, người đang cần giúp đỡ có thể tạo sự tương tác cá nhân với người lạ bằng cách thực hiện một số bước quan trọng.

Các hành vi đơn giản như giao tiếp bằng mắt và nói chuyện phiếm có thể làm tăng khả năng một người đến trợ giúp bạn. Vì vậy nếu bạn đang rơi vào tình huống khó khăn, tốt hơn là hãy trông cậy vào một cá nhân nào đó trong đám đông, giao tiếp bằng mắt và hỏi trực tiếp để được giúp đỡ thay vì đưa ra lời kêu gọi chung chung.

6. Hiểu Rằng Người Khác Xứng Đáng Được Giúp Đỡ

Người ta thường sẽ giúp đỡ ai đó nếu họ nghĩ người này xứng đáng được giúp đỡ. Trong một nghiên cứu kinh điển, hầu như những người tham gia sẽ cho tiền một người lạ nếu họ tin ví của người này bị lấy cắp, còn nếu nghĩ người này chỉ đơn giản là đã tiêu hết tiền thì họ ít có khả năng cho tiền hơn.

Điều này lý giải vì sao một số người sẵn sàng cho tiền những người vô gia cư trong khi số khác thì không. Những ai tin rằng người vô gia cư phải rơi vào tình cảnh này vì họ lười biếng hay không muốn làm việc đều ít khi cho tiền, trong khi những người tin là họ thật sự xứng đáng được giúp đỡ sẽ có những hành động giúp đỡ.

7. Cảm Thấy Hài Lòng

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng việc cảm thấy hài lòng về bản thân có thể góp phần vào các hành vi kiến tạo xã hội. Những người cảm thấy hạnh phúc hay thành công dễ hỗ trợ người khác hơn, thậm chí các sự việc tương đối bình thường cũng có thể kích hoạt những cảm xúc như vậy. Nghe một bài hát yêu thích trên đài, tận hưởng ngày hè ấm áp, hoặc hoàn thành xuất sắc một nhiệm vụ quan trọng tại nơi làm việc có thể làm bạn cảm thấy mình giỏi giang và tràn đầy niềm vui, do đó có nhiều khả năng bạn sẽ giúp đỡ người khác. Điều này thường dựa vào hiệu ứng có tên “tâm trạng tốt, làm việc tốt”.

Tác giả: Kendra Cherry

*Nguồn: https://www.ubrand.global/courses/hieu-ung-bang-quan-va-thai-do-thay-chet-khong-cuu

Chia sẻ ý kiến của bạn:

One Response

  1. Tôi Sống 16/05/2017

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+