Âm nhạc có thể có nhiều tác động đến tâm trạng chúng ta.
Ai cũng có bài hát yêu thích của mình, cũng như việc nghe nhạc nhiều và thường xuyên đến mức nào là tùy vào mỗi người.
Khoa học đã chứng minh rằng nghe nhạc có thể giúp ta cảm nhận, vui vẻ, buồn rầu, lạc quan hoặc tiêu cực.
Âm nhạc có thể xoa dịu căng thẳng, giúp cải thiện trí nhớ. Âm nhạc tạo ra nhiều thay đổi đặc biệt về sinh lý và mang lại nhiều lợi ích không thể chối cãi.
Tuy nhiên, có vẻ như đôi lúc chúng ta hoàn toàn không nhận thức được một tác phẩm âm nhạc có thể tác động đến mình nhiều đến mức nào.
Một trong những bản nhạc lạ lùng nhất từng được soạn ra có tựa đề Gloomy Sunday (Chủ Nhật Buồn). Bản nhạc được viết bởi nhà soạn nhạc người Hungary Seress Reszo vào tháng 12/1932. Đó là một ngày Chủ nhật nhiều mưa và Seress đang buồn phiền vì vị hôn thê của ông vừa phá vỡ hôn ước.
Buổi tối đó, khi đang ngồi trong nhà nhìn ra màn mưa, Seress đã cho ra đời tác phẩm “Gloomy Sunday”.
Ông nhanh chóng nhận ra rằng mình gặp khó khăn trong việc phát hành bản nhạc, vì nó quá u sầu so với thị hiếu âm nhạc bấy giờ.
Đáng buồn là bài hát lại có danh tiếng khá u ám. Người ta tin rằng nó đã gây ra cơn cuồng tự tử.
Bản nhạc được chơi lần đầu tiên vào mùa xuân năm 1933.
Một thanh niên trẻ tuổi trong ban nhạc ở một quán cà phê tại Budapest đã được yêu cầu trình diễn bài hát này. Khi dàn nhạc chơi xong, anh thanh niên về nhà và dùng súng tự sát sau khi than phiền với họ hàng rằng anh cảm thấy u uất nghiêm trọng bởi giai điệu của bài hát mà anh không thể nào quên được.
Một tuần sau, cũng tại thành phố đó, một cô trợ lý cửa hàng trẻ tuổi bị phát hiện treo cổ tự vẫn trong căn hộ của mình. Nhân viên cảnh sát điều tra vụ tự tử tìm thấy một bản sao bài nhạc Gloomy Sunday trong phòng ngủ của nạn nhân.
Vào cuối những năm 30, có quá nhiều báo cáo về các vụ tự vẫn có liên quan đến bản nhạc này đến mức chính phủ Hungary đã cấm trình diễn công khai bài hát. Nhiều nhạc công đã thở phào nhẹ nhõm và chào đón quyết định này, vì họ lo sợ cho chính mạng sống của mình.
Các vụ tự tử không chỉ giới hạn ở Hungary. Có vẻ như bài hát Gloomy Sunday cũng gây ra sự u uất cho những con người ở các quốc gia khác nữa.
Tại New York, một cô thư ký trẻ đã tự làm mình nhiễm độc khí ga, và trong thư tuyệt mệnh, cô yêu cầu người ta chơi bài Gloomy Sunday trong tang lễ của mình.
Vài tuần sau, một công dân New York khác, 82 tuổi, đã nhảy từ cửa sổ tầng 7 tòa nhà chung cư của mình để tự sát sau khi chơi bài nhạc tử thần đó bằng chiếc piano của mình.
Cũng vào khoảng thời gian đó, một cậu bé ở Rome đã nhảy cầu tự vẫn sau khi nghe giai điệu kém may mắn đó.
Báo giới toàn cầu đã thông tin về những cái chết khác có liên quan đến bản nhạc của Seress, và nhiều đài phát thanh như BBC đã nghiêm túc nghĩ đến việc ngừng phát sóng bài hát này. Các nhà đài địa phương tại Mỹ đã từ chối phát sóng nó.
Gloomy Sunday không hề mang lại cho tác giả của nó sự nổi tiếng như mong đợi. Ngược lại, bản nhạc là một cơn ác mộng ngay từ lúc mới được hình thành.
Tác giả Reszo Seress đã tự tử vào năm 1968, bằng cách nhảy lầu.
Tờ New York Times viết vào ngày 13/11/1968: “Rezsoe Seress, tác giả bài hát u ám nổi tiếng Gloomy Sunday bị lên án làm dấy lên làn sóng tự tử vào những năm 1930, đã kết liễu cuộc đời mình bằng một hành động tự sát vào hôm nay.
Nhà chức trách tiết lộ vào hôm nay rằng ông Seress đã nhảy từ cửa sổ căn hộ nhỏ của ông ấy tại đây vào ngày Chủ nhật vừa qua, không lâu sau sinh nhật lần thứ 69 của mình.
Thập niên 1930 được đánh dấu bởi cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng và cơn biến động chính trị gây ra Chiến tranh thế giới II.
Bài ca sầu muộn được viết bởi Seress, với ca từ chấp bút bởi người bạn của ông, Ladislas Javor, một thi sĩ, đã tuyên bố cao trào của mình, “Tôi và trái tim của mình đã quyết định chấm dứt tất cả.” Tác phẩm bị lên án rằng đã khiến tỉ lệ tử tự tăng đột biến, và cuối cùng chính phủ Hungary đã phải ra lệnh cấm lưu truyền nó.
Tại Mỹ, nơi Paul Robeson giới thiệu phiên bản tiếng Anh, một số nhà đài và câu lạc bộ về đêm đã cấm trình diễn bài nhạc này. Ông Seress than thở rằng thành công của “Gloomy Sunday” đã khiến ông càng thêm buồn phiền, vì ông biết mình sẽ không bao giờ có thể tạo nên thành công thứ 2.”
Cô gái phá vỡ hôn ước với Reszo Seress nhiều năm trước đó cũng đã tự sát. Kế bên thi thể của cô là một tấm thiệp với dòng chữ – Gloomy Sunday.
*Bài dịch độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng – Ad Gigi
*Nguồn: http://www.messagetoeagle.com/the-mysterious-suicide-song-the-strangest-composition-ever-created/