Giới thiệu phân loại tính cách MBTI

Hi mọi người,

Hôm nay Kiri muốn giới thiệu đến mọi người 1 công cụ phân loại tính cách khá phổ biến là MBTI. MBTI là viết tắt của Myers-Briggs Type Indicator do hai mẹ con Briggs và Myers người Mỹ xây dựng từ nền tảng của nhà tâm lý học Carl Jung.

Có thể sẽ có 1 số bạn hỏi tại sao không dùng Big Five mà lại là MBTI. Đối với những bạn nào học tâm lý sẽ biết Big Five được nghiên cứu nhiều hơn và có độ chính xác cao hơn MBTI. Tuy nhiên là Big Five có điểm hạn chế là chỉ xem xét những hành vi bên ngoài của bạn, nhưng lại không giải thích được tại sao lại như vậy. Vì thế Kiri vẫn thiên về việc sử dụng MBTI để giải thích hành vi và ứng dụng vào thực tế hơn.

Vậy thì thực chất MBTI là gì?

MBTI là 1 công cụ giúp chúng ta xác định 4 xu hướng tính cách của bản thân, để từ đó hiểu được bản thân hơn, đồng thời nhận ra tại sao mình ghét 1 số người chỉ đơn giản vì họ khác mình.

1. Thế giới bạn tập trung sự chú ý vào và lấy năng lượng từ đó.

Hướng Ngoại (E)

Những người có xu hướng Hướng Ngoại thích tập trung vào thế giới bên ngoài của con người và các hoạt động. Họ hướng năng lượng và sự tập trung của mình ra bên ngoài và nhận năng lượng thông qua việc tương tác với con người và từ việc hành động.

Những đặc điểm tính cách tương ứng với những người thiên về Hướng Ngoại:

  • Bị hấp dẫn nhiều bởi thế giới bên ngoài.
  • Thích giao tiếp thông qua nói chuyện trực tiếp.
  • Tìm giải pháp cho những ý tưởng bằng cách thảo luận về chúng.
  • Học tốt nhất qua việc làm và thảo luận.
  • Có nhiều mối quan tâm rộng rãi.
  • Thoải mái khi gặp và trò chuyện với người lạ. Sự ngại ngùng qua rất nhanh.
  • Thường nói và hành động nhanh chóng.

Hướng Nội (I)

Những người có xu hướng Hướng Nội thích tập trung vào thế giới nội tâm và những suy nghĩ của bản thân. Họ hướng năng lượng và sự tập trung của mình vào bên trong và nhận năng lượng từ việc suy ngẫm về những suy nghĩ, ký ức, trải nghiệm và cảm xúc của mình.

Những đặc điểm tính cách tương ứng với những người thiên về Hướng Nội:

  • Bị hấp dẫn bởi thế giới nội tâm của bản thân.
  • Thích giao tiếp thông qua viết lách hoặc văn bản.
  • Tìm giải pháp cho ý tưởng bằng cách suy ngẫm về chúng.
  • Học tốt nhất bằng cách ngẫm nghĩ, giải quyết vấn đề trong tâm trí.
  • Tập trung vào những mối quan tâm theo chiều sâu.
  • Kín đáo và độc lập, đề cao sự riêng tư hơn hết thảy.
  • Thường nói và hành động một cách chậm rãi và từ tốn.

Chú ý:

– Để gọi chính xác thì là người có xu hướng Hướng Ngoại hoặc Hướng Nội, điều này nghĩa là bạn thoải mái với 1 bên nhiều hơn, chứ không phải là 100% thiên về 1 bên.

Việc gọi người hướng nội hay người hướng ngoại chỉ mang mục đích nói ngắn gọn.

– Điểm đặc biệt nhất để phân biệt người hướng nội hay hướng ngoại nằm ở cách họ nạp năng lượng, chứ không phải ở biểu hiện bên ngoài qua việc nói nhiều – ít hay đi ra ngoài nhiều – ít…

Bạn có thể nói rất nhiều, nhưng ngay sau đó lại cần thời gian dài ở 1 mình để nạp lại năng lượng (hướng nội) thì sẽ khác với người cũng có thể nói rất nhiều nhưng càng nói càng khỏe, và không cần nhiều thời gian ở 1 mình sau đó.

2. Cách bạn xử lý thông tin và loại thông tin mà bạn tin tưởng vào.

Cảm Giác (S)

Những người có xu hướng Thực Nghiệm thích tiếp nhận những thông tin thực tế và rõ ràng – những điều đang thực sự diễn ra. Họ rất tinh ý với những chi tiết của những gì đang xảy ra xung quanh họ, và họ đề cao những giải pháp thực tiễn, có thể áp dụng ngay. Họ cũng chủ yếu tin tưởng vào những gì ‘mắt thấy tai nghe’ hơn là những điều mình tự suy diễn ra.

Những đặc điểm tính cách tương ứng với những người thiên về Thực Nghiệm:

  • Hướng tới những điều thực tế trong hiện tại
  • Thực tế và rõ ràng
  • Tập trung vào cái có thật ở hiện tại
  • Quan sát và nhớ rõ những chi tiết ở người khác hay sự vật
  • Cẩn thận và kỹ lưỡng đối với các kết luận
  • Hiểu những ý tưởng và khái niệm thông qua các ứng dụng thực tế
  • Tin tưởng kinh nghiệm hơn là trực giác

Trực Giác (N)

Những người có xu hướng thiên về Trực Giác thích tiếp nhận thông tin bằng cách nhìn vào bức tranh toàn cảnh, tập trung vào những mối quan hệ và các liên kết giữa những dữ kiện. Họ muốn nắm rõ các mô thức và đặc biệt muốn nhìn thấy những khả năng, giải pháp mới lạ. Họ thường tin tưởng vào những gì mình suy luận ra từ các thông tin sẵn có.

Những đặc điểm tính cách tương ứng với những người thiên về Trực Giác:

  • Hướng tới những khả năng trong tương lai.
  • Giàu trí tưởng tượng và sáng tạo trong lời nói.
  • Tập trung vào những liên kiết và ý nghĩa ẩn chứa trong dữ liệu hay thông tin có được.
  • Nhớ những chi tiết khi chúng có liên hệ với một mô thức, khuôn mẫu.
  • Nhanh chóng đưa ra kết luận và làm theo linh cảm.
  • Muốn làm rõ lý thuyết và  khái niệm trước khi đưa chúng vào thực hành.
  • Tin và thích làm theo trực giác hơn là kinh nghiệm sẵn có.

Chú ý:

Điểm nhận dạng chủ yếu giữa người S và người N là chủ đề và cách họ nói chuyện.

Người S có xu hướng nói những chuyện đời thường, mang tính ‘cơm áo gạo tiền’ và thực tế hơn. Cách nói chuyện của người S cũng cụ thể, dễ hiểu và thường nói vào trọng tâm vấn đề hơn là đi lan man.

Người N thì thường nói những chuyện thú vị, tò mò với họ dù chúng thường khó hoặc không có ứng dụng thực tế. Đồng thời người N thường nói chuyện một cách chung chung, hay suy diễn và nhiều khi nói lan man qua cả những vấn đề khác.

3. Góc độ mà từ đó bạn lựa chọn cách để ra quyết định.

Lý Trí (T)

Những người có xu hướng sử dụng Lý Trí trong việc ra quyết định thích nhìn vào sự hợp lý của những hệ quả của các lựa chọn hoặc hành động. Họ muốn tách bản thân ra bên ngoài tình huống để xem xét các điểm lợi và hại một cách khách quan. Họ được tiếp thêm sinh lực bằng việc đánh giá và phân tích để nhận diện ra điểm không đúng của vấn đề nào đó, để từ đó họ có thể giải quyết được vấn đề. Mục tiêu của họ là tìm ra một chuẩn mực hoặc nguyên tắc mà có thể ứng dụng vào tất cả những trường hợp tương tự.

Những đặc điểm tính cách tương ứng với những người thiên về Lý Trí:

  • Thích phân tích mọi vấn đề, kể cả là vấn đề về tình cảm và cảm xúc
  • Tư duy theo hướng nguyên nhân – kết quả
  • Giải quyết vấn đề và ra quyết định dựa trên logic
  • Nỗ lực tìm kiếm sự thật cũng như đánh giá mọi việc một cách khách quan nhất
  • Không dễ đồng cảm với cảm xúc cũng như nỗi đau của người khác
  • Công bằng đối với họ là mọi người được đối xử như nhau

Tình Cảm (F)

Những người có xu hướng Tình Cảm thích cân nhắc xem điều gì là quan trọng với họ và với những  người có liên quan khi ra quyết định. Họ đặt bản thân mình vào tình huống cũng như góc nhìn của người kia để đồng cảm với mọi người, từ đó họ có thể đưa ra quyết định phù hợp nhất cho mình và mọi người. Họ được tiếp thêm sinh lực từ việc trân trọng và hỗ trợ những người khác, họ dễ dàng nhìn thấy những phẩm chất đáng khen ngợi ở người khác. Mục tiêu của họ là tạo ra một môi trường hoà hợp và đối xử với từng người như là một cá thể độc nhất.

Những đặc điểm tính cách tương ứng với những người thiên về Tình Cảm:

  • Có khả năng đồng cảm và giàu lòng trắc ẩn
  • Coi trọng giá trị cá nhân hơn là các nguyên tắc hợp lý
  • Thường cân nhắc kỹ ảnh hưởng đến người khác trước khi ra quyết địn
  • Nỗ lực đạt được sự hoà hợp và những tương tác tích cực
  • Công bằng đối với họ là mọi người được đối xử mỗi người theo một cách riêng tùy theo hoàn cảnh và mức độ thân thiết

Chú ý:

Người T không hẳn có logic hơn người F, mà logic là 1 kỹ năng và cả hai đều có thể rất logic nhưng vấn đề là xuất phát từ góc độ khác nhau. Ví dụ người T có thể thấy đuổi việc một người làm việc kém hiệu suất là đúng đắn vì lợi ích của công ty, nhưng người F lại thấy rằng điều này không hợp lý bởi vì dù hiện tại người này làm việc kém hiệu suất nhưng đã từng cống hiến rất nhiều trong những năm về trước.

Bên cạnh đó, người T thường có khả năng thông cảm – hiểu được tại sao một người lại có cảm xúc đó nhưng thường không cảm thấy có cùng cảm xúc với người kia. Người F thì thường có khả năng đồng cảm – cảm nhận cảm xúc cũng như có cùng cảm xúc với người khác dù chưa hiểu rõ nguyên nhân.

Ví dụ: Người T có thể hiểu tại sao bạn của mình buồn nhưng thường không có cảm giác buồn giống vậy. Người F thì có thể không hiểu tại sao mình lại buồn nhưng lại dễ bị lây cảm xúc buồn của bạn mình.

4. Thái độ của bạn với thế giới bên ngoài và cách bạn xử sự với thế giới bên ngoài

Quyết Đoán (J)

Những người có xu hướng Quyết Đoán thích sống có kế hoạch và trật tự rõ ràng. Họ muốn kiểm soát và quản lý tốt cuộc sống của mình. Họ thích ra quyết định nhanh chóng, giải quyết vấn đề và tiếp tục tiến lên hơn là để ngỏ nhiều lựa chọn. Cuộc sống của họ được tổ chức một cách hệ thống và quy củ. Làm việc theo kế hoạch và thời gian biểu là việc rất quan trọng đối với họ, họ được tiếp sinh lực bằng cách hoàn thành công việc cũng như mục tiêu đặt ra hơn là tận hưởng quá trình đi đến đó.

Những đặc điểm tính cách tương ứng với những người thiên về Quyết Đoán:

  • Thích lên và làm đúng theo kế hoạch
  • Thích cảm giác kiểm soát được mọi thứ trong cuộc sống
  • Làm việc có hệ thống và phương pháp rõ ràng
  • Thường khó chịu khi bất ngờ xảy ra và không giỏi thích nghi với thay đổi
  • Thích mọi thứ được quyết định rõ ràng, kể cả những điều không mấy quan trọng

Linh Hoạt (P)

Những người có xu hướng Linh Hoạt thích một cuộc sống linh hoạt và không gò bó. Họ muốn được trải nghiệm và khám phá cuộc sống hơn là điều khiển nó. Những kế hoạch chi tiết và việc phải ra quyết định cuối cùng khiến họ cảm thấy bị gò bó; họ thích giữ cho bản thân rộng mở với những thông tin mới và những lựa chọn đến những giây phút cuối cùng. Họ được tiếp sinh lực bởi khả năng thích nghi và ứng biến với những bất ngờ xảy ra trong cuộc sống.

Những đặc điểm tính cách tương ứng với những người thiên về Linh Hoạt:

  • Để ngỏ mọi thứ càng lâu càng tốt, chỉ ra quyết định khi thật sự cần
  • Linh hoạt và có khả năng thích nghi cao, dễ dàng thay đổi kế hoạch
  • Tập trung vào tận hưởng quá trình hơn là hoàn thành
  • Thích mọi thứ mơ hồ và rộng mở với sự thay đổi
  • Thường để mọi chuyện nước đến chân mới nhảy

Chú ý:

Người J và người P đều có điểm mạnh riêng, mặc dù người P thì thường bị đánh giá thấp trong mắt người J vì có vẻ khá vô tổ chức, thường nước đến chân mới nhảy và hiếm khi lên kế hoạch rõ ràng. Tuy nhiên, người P lại giỏi trong những công việc hay tình huống bất ngờ hay phải thay đổi kế hoạch một cách nhanh chóng. Nếu làm việc với người P, bạn nên ra deadline cho họ sớm hơn deadline thực tế vài ngày thì sẽ tốt hơn nhé.

Người J thường tổ chức và sắp xếp mọi thứ một cách có tổ chức và ngăn nắp. Người P thì lại có xu hướng bề bộn, hoặc để mọi thứ lộn xộn khi họ chưa hoàn thành xong. Ví dụ: khi đang làm việc dở hay đọc dở 1 cuốn sách, người P sẽ để mọi thứ lại trên bàn để hoàn thành sau thay vì xếp về chỗ cũ.

Mặc dù khá là bừa bộn, người P lại thường không thích người khác sắp xếp đồ đạc giùm mình. Đối với người P, họ có một thứ gọi là “trật tự trong sự hỗn độn”. Dù để mọi thứ lung tung thế nào thì thường họ vẫn sẽ tự tìm được.

Bên cạnh đó, tính ngẫu hứng là điều khá nổi bật để phân biệt người J và P. Người P có thể bất ngờ đi chơi xa, làm một điều gì đó họ hứng thú mà hầu như không cần phải lên kế hoạch cụ thể trước. Còn người J thì thường phải chuẩn bị, sắp xếp mọi thứ, lịch trình hay kế hoạch cụ thể từ rất lâu rồi mới thực hiện.

Qua bài viết trên, Kiri hy vọng đã giúp mọi người phần nào có cái nhìn về phân loại tính cách MBTI. Có thể sau này Kiri sẽ viết thêm về ứng dụng của MBTI trong cuộc sống để mọi người cảm thấy ích lợi của MBTI nhiều hơn nhé. Với những ai muốn tìm hiểu sâu hơn về MBTI có thể tham khảo khóa học Carl Jung này nhé.

Ad Kiri

Chia sẻ ý kiến của bạn:

3 Comments

  1. narutomath96 01/03/2017
    • narutomath96 01/03/2017
  2. Minh Phát 12/07/2017

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+