For men under 30

Cá nhân tôi cho rằng tuổi 30s là một độ tuổi, một quãng đời ý nghĩa và đẹp theo một cách riêng cho một người trẻ. Không quá bồng bột, hồn nhiên, ngu ngơ như tuổi 20s, và cũng chưa quá nhiều trách nhiệm, sự ràng buộc, bộn bề gánh nặng trên vai như tuổi 40s. Nhiều năm về trước, tôi từng đọc một bài viết trên một tạp chí chuyên về Đàn Ông kể về những lời khuyên cho đàn ông trước khi bước vào độ tuổi 30s. Giờ đây nhìn lại mới thấy rằng, có rất nhiều thứ phải là trải qua rồi mới có thể nghiệm lại và cảm nhận được một cách sâu sắc. Lúc đó mình mới chỉ là biết, chứ hiểu thì nhiều thứ chưa hiểu. Cho nên, nhân một dịp đặc biệt, tôi ghi lại mấy dòng, phần lớn là những bài học tôi học được hay đâu đó là đọc được, chiêm nghiệm và thấy tâm đắc, chứ tôi thì chẳng giỏi giang gì. Những gì tôi viết mang tính chất cá nhân, viết để chia sẻ là chính.

1. Hãy cho mình sự cô đơn để dành cho việc học

“Một đời như kẻ tìm đường” của GS Phan Văn Trường là cuốn sách cá nhân tôi học được rất nhiều, đặc biệt là ở ngưỡng tuổi 30s. (Bạn có thể tham khảo nhưng tôi không biết nó có duyên khiến bạn cuốn hút và đọc xong trong 1-2 ngày như trường hợp của tôi không). Có một ý mà tôi suy nghĩ nhiều đó là một người đàn ông khi bước vào tuổi 70s thì mới có được tư duy và kiến thức của cả cuộc đời, có đủ khả năng và kinh nghiệm vì đã kinh qua bao nhiêu chuyện. Khi đó sẽ ao ước có được sức khỏe và thân hình của tuổi 30s để còn phụng sự cuộc đời. Suy ngược lại tôi thấy rằng, tuổi 30s có sức khỏe và thân hình mà tuổi 70s ao ước thì hãy thật cố gắng để học hỏi trí tuệ của tuổi 70s.

Trải nghiệm thì không có đúng hay sai, nhưng trải nghiệm từ những người đi trước thì đáng để học. Cũng vì thế mà tôi chọn đọc nhiều sách của những tác giả viết khi họ đã ở độ tuổi ngoài 50s, 60s, 70s, chẳng hạn như cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần, cụ Nguyễn Hiến Lê, hay kể cả tác giả nước ngoài như Alex Ferguson trong cuốn Dẫn Dắt (Lãnh đạo chứ không quản lý) kể về cả cuộc đời làm HLV.

Chung quy lại vẫn là câu nói “Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”, trước tuổi 30s tôi nghĩ việc cho mình khoảng thời gian riêng hàng ngày, không ai làm phiền, chỉ để đọc và đọc, nhất là từ người đi trước, chắc chắn làm cho chúng ta vỡ ra được rất nhiều điều.

Tôi thấy bên cạnh việc ban ngày thì dốc hết sức mình để làm việc, giờ làm việc là chỉ làm việc! Không gian cho việc học nên dành thời gian để học và đọc rất nhiều thứ. Có rất nhiều thứ đúng là chúng ta chưa biết, càng học nhiều càng thấy mình chỉ là hạt cát trong sa mạc. Sống trong tương lai vô định (có rất nhiều thay đổi xảy ra) thì phải học rất nhiều về tương lai. Đồng thời những kiến thức đã có trong quá khứ, truyền qua nhiều đời thì hẳn nhiên cũng không nên bỏ qua. Chưa kể, dành thời gian để học một cái gì đó dạng như sở thích, nghề tay trái cũng thật hay. Nếu quay trở lại tuổi 20s, tôi sẽ không bỏ chuyện đi tập Karate cũng như chơi đàn guitar.

Tôi không có ý định thể hiện bản thân nên không liệt kê ra những gì theo tôi là nên học, mà chỉ viết chung chung. Tuy nhiên, tôi vẫn nhấn mạnh phải tập trung hoàn toàn cho công việc sự nghiệp, thời gian còn lại là để học hỏi mở rộng. Bởi nếu không có nhiều bạn trẻ bị “nửa mùa”, công việc thì không tới, mà cái gì cũng dở dở ương ương.

2. Be nice and professional

Trước tuổi 30s, với nhiều người là tuổi trẻ trâu, thích thể hiện mình và thích dành phần thắng, ăn thua hơn đủ. Đôi khi đâm đầu vô nghĩa vào những lựa chọn mà cuối cùng nhìn đi nhìn lại, chợt nhận ra rằng chẳng hiểu vì sao mình lựa chọn vậy để làm gì.

Một tư duy, một triết lý sống mà tôi học được từ thầy tôi từ nhiều năm nay, đó là đôi khi mình hãy chấp nhận thua một trận đánh nhỏ để dành chiến thắng cho cả một cuộc chiến. Tôi gặp nhiều mối quan hệ, cũng có cơ hội học hỏi và đi deal với nhiều đối tác. Từ vài triệu, vài chục triệu, vài trăm triệu cho đến hợp đồng vài tỷ cũng có. Tiếp xúc tầng lớp trí thức cũng có, mà tầng lớp thấp cũng nhiều. Người thì có nhiều thể loại, xung đột hay bất đồng thì luôn có thể xảy ra. Be nice and professional, thể hiện thái độ lịch sự, nhẹ nhàng, xì xòa dăm ba nguồn cơn tức giận để giữ cho một không khí ôn hòa, đôi khi không phải mình yếu đuối hay mình sợ người ta, mà đơn giản là vì mình học được từ người đi trước, một ngày nào đó khi nhiều tuổi hơn, chúng ta sẽ điềm tĩnh hơn, bớt phán xét nhau hơn, bớt ăn thua nhau một vài chuyện vặt mà cuối cùng chẳng để làm gì.

Đôi khi mình ở thế trên người ta, mình có thể bắt nạt, ăn chặn người ta đó, nhưng làm thế để làm gì. Mình có lúc thế trên thì sẽ có ngày mình ở thế dưới. Có lẽ vì tư duy vậy mà tôi may mắn nhiều khi ở thế dưới mà người ta vẫn thương mình.

Trong mọi mối quan hệ, không tránh được những ngày “khó ở”. Mình chấp nhận một chút, kiên nhẫn một chút, trong mọi hoàn cảnh, cố gắng giữ cho bầu không khí ôn hòa, rồi mọi chuyện cũng qua, bù lại mình được nhiều hơn mất.

Thế nhưng, vậy không có nghĩa là lúc nào cũng yếu đuối và nhún nhường. Vậy rất dễ bị bắt nạt! Lúc cần cứng, thì mình buộc phải cứng rắn.

Be nice and professional, tôi thấy rất khó, nhất là trong mọi hoàn cảnh, bởi vì mình là con người thì có lúc nọ lúc kia, nhưng rèn luyện bản thân là một quá trình đáng để luyện tập, nhất là khi còn trẻ và under 30.

3. Hai lựa chọn quan trọng trong đời

Chọn vợ và chọn sếp!

Còn trẻ thì rất dễ bồng bột và cũng rất dễ chọn sai. Nên đôi khi, cuộc đời có những cái gọi là duyên. Có người là nợ kiếp trước kiếp này phải trả, có người là duyên kiếp trước kiếp này tìm đến để giúp mình. Để không phụ thuộc toàn bộ vào yếu tố tâm linh, thì chúng ta chọn đúng khi mình có nhiều trải nghiệm.

Chọn một người bạn đời – tôi nghĩ nhiều về lời khuyên “Đừng hái trái còn xanh!”. Khi chúng ta còn quá trẻ và thiếu trải nghiệm, chúng ta có cái nhìn rất thiếu thực tế về những thứ thực tế là nó khác hơn rất nhiều. Trong quá trình làm việc, tôi cũng được học nhiều về việc phải nhìn nhận một việc như đúng thực tế nó đang xảy ra (ví dụ một chuyện là nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng hay rất nghiêm trong hay chẳng có gì nghiêm trọng). Cái khó là khi trẻ và ít trải nghiệm thì hay nhìn bị thiên lệch. Cái nhìn về tình yêu và hôn nhân cũng như vậy.

Khổ nỗi hàng ngày người trẻ được truyền thông “cấp nhà” và phụ huynh nhà người ta tạo áp lực về việc phải lập gia đình sớm, có con sớm, bla bla các kiểu. Lấy vợ sớm để làm gì để rồi nếu chưa đủ trải nghiệm, chưa vững vàng sự nghiệp, chưa cho mình trải qua tận hưởng cái tuổi hồn nhiên chưa bị ràng buộc về trách nhiệm để rồi mấy năm sau ly dị hoặc lại tự trách mình? Ăn trái xanh để làm gì để rồi ăn xong cũng thấy nó chua chát? Ngay cả khi 30 – 40 tuổi lập gia đình thì cũng ở chung với nhau khoảng 50 – 60 năm trong suốt phần đời còn lại. Vậy thì vội để làm gì?

Với bạn nào đi làm, người sếp của bạn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến bạn. Tin tôi đi!

Hiển nhiên bạn muốn có sếp giỏi, sếp tâm lý, sếp 1001 tiêu chuẩn. Nhưng cuộc đời công bằng! Mình không giỏi thì cũng khá là khó để kỳ vọng mình tìm được một người sếp giỏi.

Một cách chủ quan, tôi cho rằng việc chọn một người thầy phần nào nói lên cái tầm của một người trẻ. Tôi không đánh giá, bình luận gì, nhưng việc một người chọn một ai đó làm thầy – nói lên level của người đó. Thiên hạ nhân, thiên hạ tài – người giỏi, người xuất sắc thì cũng không đi tìm thầy vớ vẩn. Mà đã tìm được thầy giỏi thì phải chịu khó làm trò ngoan, tức phải chịu học, phải chịu được những “bài học” mà không phải một sớm một chiều mình nhận ra.

Đi làm, sếp còn mắng mình là sếp còn thương mình! Một ngày sếp không thèm mắng nữa là bạn hiểu rồi đấy!

4. Muộn màng là từ lúc

Tôi từng có những lúc rất vội vàng! Làm gì cũng vội, làm gì cũng lo. Ở ngoài kia, tôi thấy nhiều người trẻ cũng vậy. Khi mình quá vội vàng, cuối cùng mình sẽ muộn màng. Muộn màng bởi vì có những chuyện qua rồi không kịp nhận lại, không kịp nhìn lại, không kịp tận hưởng.

Có những lúc công việc áp lực, chuyện gia đình áp lực, chuyện cá nhân áp lực, đủ thứ chuyện áp lực. Chúng ta vội vàng, trong những áp lực bộn bề mà có khi không yêu thương chính mình, không dành thời gian để tận hưởng, để cảm nhận những cái rất đẹp, rất chill vẫn có ngay trong hiện tại.

Có lần tôi gặp mấy đối tác, trẻ trẻ như tôi. Chúng tôi nói chuyện về công việc, rồi tự lúc nào không hay nói qua triết lý sống. Tôi chợt nhớ có lần đi Đà Lạt, tôi đi nghe show ca nhạc ở Mây Lang Thang. Đà Lạt mộng mơ có những khoảnh khắc thật đẹp, đôi khi đắm chìm nghe một bài hát, enjoy cái khoảnh khắc ấy, có thể làm mệt mỏi tiêu tan. Rồi buột miệng tôi nói các bạn “Nếu là anh của ngày xưa, sẽ cắm đầu cắm cổ vào việc mà không có những lựa chọn như đi Mây Lang Thang”.

Nếu là tôi của ngày xưa, sẽ không có lúc thay vì bắt grab, lại đi bộ để ngắm đường, nhìn cuộc sống. Nếu là tôi của ngày xưa, khi thấy có ngày đường Sài Gòn ngập nước thì sẽ tặc lưỡi than phiền, thay vì nhận ra sau nó là cả một khoa học về thủy triều, thủy triều lên xuống, hay chu kỳ quay của Trái Đất, hình thành nên lịch biểu, chu kỳ, các mùa, cũng ảnh hưởng đến nhịp sống, tính khí chúng ta. Nếu là tôi của ngày xưa, sẽ không có lúc dành thời gian để tìm hiểu và trả lời cho câu hỏi “Cá có ngủ không mà sao mắt nó cứ mở?”. Nếu là tôi của ngày xưa, khi thấy cây hoa sứ rất đẹp sẽ chỉ biết nó là một loài hoa, mà không nhận ra cái lý thú, cái hay, ý nghĩa cái tên của loài hoa này, hay tại sao người ta lại đưa vào âm nhạc với ca khúc “Hoa sứ nhà nàng”. Nếu là tôi của ngày xưa, sẽ không dành thời gian để ghi nhớ sở thích, sở ghét của những người thân của mình. Chẳng hạn họ thích ăn gì, không thích gì, bị dị ứng gì.

Tất cả cũng là do một tuổi trẻ quá vội vàng! Vội vàng để rồi muộn màng!

(Khi đọc lại bài viết, bài này tôi còn một ý là trong chuyện sự nghiệp, rất nhiều người cũng vội vàng, áp lực phải thành công sớm, nhưng vội vàng rồi để muộn màng. Thành công muộn thì đâu có sao! Vội gì mà phải áp lực thành công sớm, nhưng xin hẹn ở một bài viết khác).

5. Chuyện tiền bạc, chuyện sự nghiệp

Có một ý, đại loại là đến lúc về già nhìn lại kính chiếu hậu thì chúng ta thấy rằng thành công là một thước đo rất tương đối. Rồi khi bạn bước vào tuổi 50s, bạn sẽ thấy rằng tài sản, tiền bạc chọn bạn chứ bạn không chọn tiền bạc, tài sản. Tôi chưa bước vào tuổi đó, cũng chưa đủ giàu có để bình luận về điều này. Nhưng tôi thích cái cách mà Đen Vâu hát “Anh có thể có danh tiếng, nếu như mặt anh dày thêm. Anh có thể có nhiều tiền, nếu anh cày ngày cày đêm.”. Việc mình làm thì mình cứ làm, chứ đừng nên nặng nề chuyện tiền bạc.

Tôi cho rằng, đi làm thì tình yêu công việc là quan trọng. Nó mang lại niềm vui cho mình khi mình thấy mình có sự phát triển, nó cũng mang lại cho mình động lực khi mình nản. Đôi khi có những công việc động lực mình làm sẽ không hẳn chỉ vì tiền. Hãy chạy theo tư duy rằng việc mình làm có tạo ra giá trị hay không, chứ không chạy theo tiền bạc.

Nếu bạn nào còn đang thấy rằng mình quá khó khăn, hay xuất phát điểm của mình tại sao lại thấp thế, lại nhiều trở ngại thế, thì tôi cho rằng như thế game của bạn vui hơn nhiều so với việc “sinh ra ở vạch đích”.

Tôi cũng cho rằng mỗi người ở đời sẽ có một cái nghiệp nào đó chọn mình, chúng ta không biết trước. Chúng ta chỉ cần luôn cố gắng hết sức mình trong hiện tại.

Nhiều năm trước ở tuổi 20s, tôi đã từng thể hiện quan điểm “Đừng làm việc vì tiền” – và tôi cũng từng bị những ý kiến phản bác, đại ý “Vật chất quyết định ý thức”. Tôi cho rằng tài năng, sự chính trực, kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức của một người khi tạo ra giá trị cho tổ chức, cho xã hội thì chắc chắn người đó sẽ “đủ ăn đủ mặc”. Giờ đây tôi vẫn suy nghĩ theo quan điểm cũ, đó là “đừng làm việc vì tiền”, có chăng nếu thay đổi thì tôi chỉ thêm vào vế sau, đó là “hãy làm việc vì RẤT NHIỀU tiền”. Tức nhìn những cái đường dài, long term, những thứ xa hơn rất nhiều. Nội dung này tôi không đủ khoảng không gian để thể hiện trong bài viết này.

6. Luật âm dương (luật cân bằng)

Trái Đất có bán kính 6370km, nó quay quanh Mặt Trời là 365 ngày 1/4 và xung quanh trục của nó là 24 giờ (một ngày đêm). Sự chuyển động của nó ngoài việc làm đơn vị đo thời gian, tiết khí bốn mùa còn ảnh hưởng đến nhịp điệu và sự sống của con người.

Hiển nhiên chúng ta thấy rằng đông qua thì xuân sẽ đến, xuân sang rồi hạ sẽ về, hạ qua thu tới và thu hết thì đông về. Một dòng sông nước rút rồi nước lại lên, mọi thứ đều có quy luật. Mà quy luật thấy rõ là luật cân bằng.

Làm việc ít quá (lười quá) thì công việc không ra gì, làm việc nhiều quá (vắt sức) thì suy nhược cơ thể, cuối cùng cũng không ra gì.

Chơi mãi thì chán, mà thức mãi thì cơ thể tự động sập nguồn.

Thị trường tăng mãi thì phải giảm, mà giảm mãi thì phải có lúc tăng.

Cơ thể không tập thể dục thì cơ thể yếu đuối, mà tập nhiều quá thì vắt kiệt sức cũng bị suy nhược.

Hiểu quy luật cân bằng thì tự nhiên không sống vội, mà cũng không sống hời hợt.

Tôi lấy ví dụ, chuyện tiền bạc, nếu chưa hài lòng về thu nhập hay mức lương. Thay vì than phiền, sao không tập trung vào tạo ra giá trị. Khi giá trị bạn tạo ra chênh lệch so với mức lương bạn được trả, theo quy luật cân bằng tự khắc bạn sẽ được điều chỉnh.

Nhiều người cứ hay cãi nhau chuyện tuổi trẻ nên tận hưởng, trải nghiệm nhiều, đừng làm việc nhiều; hoặc hãy cày cuốc thật nhiều để có sự nghiệp. Luôn cực đoan mà không nhìn cân bằng. Không làm gì thì lấy gì để tận hưởng, còn “cày” nhiều lúc suy nhược cơ thể thì cũng khổ.

Đi nhanh, hay đi chậm – lựa chọn vào lúc nào là do mỗi người, và tùy vào từng hoàn cảnh. Khi mình thực sự hiểu mình, hiểu vị trí, hiểu thời điểm, hiểu hoàn cảnh, mình sẽ quyết định được mình nên phải làm gì.

SG 18.05.2021

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+