Đừng Sống Một Cuộc Đời Chỉ Chạy Theo Tiền Bạc

“Ở xứ này mà có trong tay 10 triệu đô-la thì cũng chẳng là ai,” theo Gary Kremen, 43 tuổi, nhà sáng lập Match.com tại Thung lũng Silicon.

Trong bài báo đăng ngày 5 tháng 8 của tờ New York Times với tiêu đề, “Các Triệu Phú Tại Thung Lũng Silicon Không Cảm Thấy Mình Giàu Có,” Gary Kremen và những người thuộc tốp 0,5% người giàu nhất nước Mỹ thú nhận rằng mình buộc phải làm việc 60 – 80 tiếng một tuần để không bị tụt lại phía sau. Hal Steger, người sở hữu 2 triệu đô-la trong tài khoản ngân hàng và có giá trị tài sản ròng là 3,5 triệu đô-la, cũng đồng tình với quan điểm của những “triệu phú công nhân” này khi cho biết, “… vài triệu đô-la không còn có giá trị như trước nữa. Vào những năm 1970, vài triệu đô-la có thể đồng nghĩa với ‘Lối Sống Của Người Giàu Có Và Nổi Tiếng'”. Hoặc Richie Rich sống trong biệt phủ với quản gia, nhưng giờ thì hết rồi…

Hãy nhìn thẳng vào sự thật.

Tôi sống khá thoải mái tại Thung lũng Silicon và làm mọi điều mình muốn với chi phí chưa đến 5.000 đô-la mỗi tháng. Còn nhiều thước đo khác cần xem xét mà. Quan trọng hơn hết, tôi được xem là “hạnh phúc” theo tất cả các thước đo thông thường. Tuy vậy, tôi sẽ là người đầu tiên thừa nhận rằng mình chưa hạnh phúc được bao lâu. Phải đến 3 năm trở lại đây, tôi mới hiểu được quan niệm thời gian là tiền bạcđịa vị kinh tế. Trước khi tôi giải thích cách bạn có thể dùng hai thứ này để thoát khỏi cuộc đua danh lợi và cải thiện đáng kể Chỉ số Cuộc sống (Lifestyle Quotient) của mình, hãy cùng điểm qua vài con số – dựa trên những cuộc thăm dò ý kiến trên blog này:

  • 46,88% người Mỹ cho biết họ cần kiếm được trên 200 ngàn đô-la mỗi năm thì mới hạnh phúc.
  • Giả sử giá hàng hóa không đổi, 63,41% người Mỹ sẽ chọn mức thu nhập 50 ngàn đô-la khi sống giữa những người chỉ kiếm được 25 ngàn đô-la, hơn là mức thu nhập 100 ngàn đô-la khi sống giữa những người kiếm được 200 ngàn đô-la.
  • 74,64% người Mỹ sẽ chọn được nghỉ ngày thứ Sáu thay vì được tăng 20% thu nhập.

Liệu giàu sang có mang lại cho bạn hạnh phúc?

Theo nghiên cứu công bố gần đây trên tạp chí Science của một nhóm các nhà nghiên cứu bao gồm hai giáo sư đến từ Đại học Princeton là Alan Krueger và Daniel Kahneman – người đoạt Giải Nobel năm 2002 cho công trình nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế học hành vi – thì thu nhập hàng năm không quan trọng như ta tưởng. Thật ra, nó càng trở nên kém quan trọng hơn khi thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng. Sau đây là một số điểm nổi bật dự báo xu hướng trong thời gian tới:

  • Cách sử dụng thời gian của người có thu nhập cao thường khiến họ căng thẳng và áp lực hơn những người kém giàu có hơn.
  • Nếu người giàu chưa hẳn đã hạnh phúc, vậy thì tổng thu nhập quốc dân có phản ánh được mức độ hạnh phúc của một quốc gia hay không? Không hề.
  • Các nhà kinh tế học có thể bổ sung một phương diện khác vào thước đo của họ bằng cách xem xét một đơn vị tiền tệ thay thế: thời gian, “đồng tiền của cuộc sống”, theo cách gọi của nhà thơ Carl Sandburg. Nghiên cứu về thu nhập và hạnh phúc đăng trên tạp chí Science đã chỉ ra rằng cách một người sử dụng thời gian đóng vai trò quan trọng đối với hạnh phúc của họ, vì vậy việc đo lường cách sử dụng thời gian của một quốc gia có thể giúp ta hiểu rõ hơn mức độ hạnh phúc của quốc gia đó.

Cũng trong nghiên cứu này, địa vị kinh tế được áp dụng để trả lời câu hỏi: Vì sao thu nhập chỉ tạo ra ảnh hưởng nhỏ đến hạnh phúc chủ quan? Đoạn văn sau đây mang đậm tính khoa học, bạn có thể bỏ qua nếu muốn, và tôi diễn giải lại như sau:

… việc tăng thu nhập chỉ tác động tạm thời đến hạnh phúc của một cá nhân, dù vị thế tương đối của cá nhân đó sẽ tăng lên… Sự cải thiện trong vị thế tương đối sẽ bị bù trừ bởi sự thay đổi nhóm tham khảo: Sau khi địa vị của một người được nâng lên, những người đồng cấp mới sẽ trở thành nhóm tham khảo, từ đó vị thế được nâng lên so với những người đồng cấp trước đó ít có ảnh hưởng hơn. Thứ hai, Easterlin lập luận rằng người ta thích nghi với tài sản vật chất, và Scitovsky cho rằng đối với hầu hết mọi người thì tài sản vật chất chỉ đem lại niềm vui nhỏ nhoi. Vì vậy, việc tăng thu nhập, vốn được kỳ vọng là sẽ góp phần cải thiện hạnh phúc vì nó giúp ta có thêm cơ hội chi tiêu, thật ra lại không có tác động lâu dài. Bởi lẽ khi đã vượt qua một ngưỡng tiêu thụ nhất định thì việc tiêu xài không làm ta hạnh phúc hơn nữa, hoặc vì ta đã quen hưởng thụ. Tuy nhiên, mong muốn của con người sẽ thay đổi theo khả năng và mức thu nhập họ cho là cần thiết cũng tăng theo thu nhập, cả khi so với nhóm đối chiếu lẫn theo thời gian.

Về cơ bản, việc tăng thu nhập ít tác động lên hạnh phúc chủ quan vì dù có tiến bộ hơn trước thế nào, ta vẫn so sánh mình với những người giàu có hơn. Vật chất chỉ mang đến cho ta chút hạnh phúc ngắn ngủi, và ta thì chăm chăm làm khổ đời mình. Thật đáng buồn.

Vậy thì ta phải làm gì?

Có một số cách bạn có thể áp dụng để biến đồng tiền thời gian và ý thức về địa vị kinh tế thành lợi thế của bạn cho được “bằng anh bằng em”:

1. Tập trung vào “thu nhập tương đối,” tức thu nhập theo giờ – thay vì “thu nhập tuyệt đối”, tức khái niệm thu nhập hàng năm chưa bao hàm yếu tố thời gian. Giả sử bạn làm việc 40 tiếng/tuần và có 2 tuần nghỉ phép mỗi năm, bạn có thể ước tính thu nhập theo giờ của mình bằng cách bỏ đi 3 số 0 cuối rồi chia đôi. Ví dụ: 50.000 đô-la mỗi năm, 50 đô-la chia 2 = 25 đô-la mỗi giờ. Ta có thể tăng thu nhập tương đối bằng cách tăng tổng thu nhập và giữ nguyên số giờ làm, giữ nguyên thu nhập và giảm số giờ làm hoặc kết hợp cả hai cách trên. Bạn có nhiều cách để giúp cuộc sống dễ thở hơn.

2. Xác định chính xác Thu nhập Mục tiêu Hàng tháng của một cuộc sống lý tưởngmục tiêu của hầu hết các cuộc đua danh lợi – và tập trung sắp xếp những đợt nghỉ ngơi ngắn để dàn trải quá trình nghỉ hưu trong suốt cuộc đời.

3. Xác định nơi làm bạn hạnh phúc. Không nhất thiết là bạn phải định cư lâu dài ở một đất nước có giá trị tiền tệ thấp, ngay cả việc tạm thời di chuyển đến một nơi trong hoặc ngoài nước với chi phí sống thấp hơn cũng giúp bạn thiết lập lại nhóm đồng cấp và thước đo địa vị kinh tế. Khi được xem là người giàu có, bạn cũng sẽ tự nhận thấy mình giàu có. Đây là một mẹo hay và vô cùng thú vị. Hai lựa chọn hàng đầu của tôi là Argentina và Thái Lan.

4. Học cách trân trọng hiện tại, đồng thời phấn đấu đạt được mục tiêu. Hạnh phúc chủ quan phụ thuộc vào việc biết trân trọng thứ mình có cũng như cố gắng đạt được thứ mình muốn. Bước đầu tiên để thật sự trân trọng điều mình có là nhận thức: trau dồi nhận thức về hiện tại. Tôi khuyến khích bạn thử nghiệm phương pháp giấc mơ sáng suốt (lucid dreaming) đã được kiểm nghiệm tại Đại học Stanford.

5. Phát triển những nhóm xã hội cạnh tranh ngoài công việc. Tham gia vào những cuộc chơi ngoài việc chăm chăm kiếm tiền. Hãy luyện tập hoặc thi đấu một môn thể thao mà thu nhập không đóng vai trò quan trọng. Người quản lý quỹ phòng hộ kia kiếm được 1 triệu đô-la một ngày ư? Tôi không quan tâm – hắn chơi golf dở ẹc và bụng thì đầy mỡ. Tại đây, thu nhập cao chẳng có ý nghĩa gì cả. Ồ, còn cô ấy hả? Tôi biết cô vừa được thăng chức lên giám đốc quốc gia cho IBM, nhưng thì sao chứ? Tôi vừa ghi được 5 bàn vào lưới cô ấy. Ở thế giới này, tôi thống trị.

Đừng để cuộc đua danh lợi trở thành cuộc chơi duy nhất trong đời bạn. Có người sẵn sàng hy sinh tất cả để kiếm tiền, vậy nên bạn cứ để họ làm vậy. Hãy nhớ rằng: chuyện một người thành công trong công việc và thất bại trong cuộc sống hoàn toàn có thể xảy ra, và thật sự thì đây cũng không phải chuyện hiếm gặp. Hãy nhìn thẳng vào thực tế và nghĩ khác đi.

***

Tác giả: Tim Ferriss

Người dịch: Nguyễn Phan Bảo Ngân

*Nguồn: https://www.ubrand.global/courses/dung-song-mot-cuoc-doi-chi-chay-theo-tien-bac

[ ]
Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+