Fear of missing out (FOMO) là nỗi sợ bị bỏ lỡ, hoặc bị lãng quên, hoặc bị bỏ rơi thường ám chỉ việc một người cảm thấy sợ hãi hoặc hối tiếc khi không làm một điều gì đó mà người khác làm. Đây là một hiện tượng tâm lý mà phần lớn chúng ta đều mắc phải, chỉ là khác nhau ở mức độ. Thậm chí người ta còn coi FOMO là một loại virus có thể lây lan vì bất kì ai trong số chúng ta cũng đều có thể mắc phải nó. Thuật ngữ này xuất hiện từ năm 2004, có nhiều dạng khác nhau gần tương tự, chẳng hạn như FOBO “Fear of a better option” (sợ không có được lựa chọn tốt hơn) hay diễn đạt chi tiết hơn như “Fear of missing out on something” (nỗi sợ bị bỏ lỡ một điều gì đó).
FOMO – NỖI SỢ DẪN ĐẾN SỰ LỰA CHỌN KHÔNG CẦN THIẾT
Có thể thấy FOMO xuất hiện khá nhiều trong đời sống hàng ngày. Các nhà tâm lý chỉ ra nhiều về việc FOMO ứng dụng trong mạng xã hội. Lý do chúng ta nghiện facebook là bởi vì chúng ta sợ bỏ lỡ những thông tin, không theo kịp trào lưu (trending) trên mạng trong khi có rất nhiều lần vào facebook, chúng ta không thấy có thêm newfeed gì. Chúng ta check mail liên tục là bởi vì chúng ta sợ sẽ bỏ lỡ công việc quan trọng nào đó, trong khi có rất nhiều lần mở hòm mail ra, chúng ta không thấy có mail mới hoặc phải mở mail ra ngay lập tức nhưng đó lại là email rác hay không quan trọng. Chúng ta nhiều lần vô thức mở màn hình điện thoại ra nhìn vì nghĩ rằng biết đâu bỏ lỡ tin nhắn hoặc cuộc gọi nào đó quan trọng, nhưng rồi lại không thấy gì.
Trong chi tiêu, có rất nhiều người thấy người khác mua đồ hàng hiệu, điện thoại xịn, xe sang, từ trong tiềm thức, nỗi sợ bị xã hội bỏ rơi hoặc không theo kịp thời đại khiến họ tốn nhiều tiền cho những món đồ mà đôi khi mình không thực sự cần thiết. Có những người có thói quen đổi điện thoại xịn mỗi khi điện thoại mới ra lò, nhưng chiếc điện thoại ấy cũng chỉ sử dụng với mục đích nhắn tin, nghe gọi, vào mạng và chụp hình. Có những khi, vì theo kịp trào lưu thời trang mà trong tủ quần áo, có những bộ đồ ta chỉ mặc một vài lần.
Văn hóa người Việt, xưa nay chúng ta luôn coi trọng việc học, vì thế mà cho dù điều kiện kinh tế có khó khăn như nào đi chăng nữa thì các bậc phụ huynh cũng phải đầu tư cho con cái theo học. Với tâm lý “nghèo cũng phải cho thằng Tèo đi học”, có nhiều phụ huynh vì thấy “con nhà người ta” đi học thêm, đi ngoại khóa, đi học bất kì thứ gì là mình cũng phải cho con đi theo. Trong khi, mỗi đứa trẻ là một cá tính, một sở trường, một thế mạnh. Con nhà người ta đi học đàn không có nghĩa là mình phải bắt con nhà mình nghỉ đá bóng. Con nhà người ta đi học khiêu vũ không có nghĩa là mình phải bắt con nhà mình nghỉ bơi lội.
Nguyên lý 80/20 nổi tiếng chỉ ra rằng 80% những gì chúng ta làm trong cuộc sống chỉ mang tới 20% kết quả. Và ngược lại, có tới 80% kết quả được đến từ 20% các hoạt động. Điều đó đồng nghĩa với việc, 80% các quyết định của chúng ta sẽ không hiệu quả và chỉ có 20% các quyết định mang lại 80% giá trị to lớn nhất. Nguyên nhân sâu xa nằm ở chính nỗi sợ bị bỏ lỡ khiến chúng ta mất rất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức cho những quyết định không thực sự quan trọng, quyết định đó được thực hiện chỉ vì chúng ta sợ. Cho nên, vô tình nỗi sợ bị bỏ lỡ khiến cho chúng ta lãng phí thời gian vào rất nhiều lựa chọn không cần thiết.
KHI LỰA CHỌN KHÔNG CẦN THIẾT TRỞ THÀNH LỰA CHỌN THEO ĐUÔI
Dần dần, khi chúng ta không kiểm soát được suy nghĩ và ý thức của mình, chúng ta bắt đầu có những mô thức lựa chọn những thứ không thực sự cần thiết trong xã hội. Theo một bản năng tự nhiên, con người ta dễ có tâm lý bầy đàn, lựa chọn theo những gì đám đông lựa chọn. Xu hướng này giống với tập tính của con cừu.
Tập tính của cừu là sống bầy đàn. Người ta nuôi cừu ở những trang trại lớn hàng trăm, hàng ngàn con cừu. Nhưng để quản lý cả trăm ngàn con cừu, họ chỉ cần một vài con chó. Mỗi lần muốn lùa đàn cừu từ đồng cỏ về chuồng, chỉ cần những con chó hung hăng ra sủa, đàn cừu sẽ tự giác từ từ nối đuôi nhau, rúc vào mông nhau và chui về phía trước. Một cách vô thức, chúng hành động theo bầy đàn, thấy con phía trước làm như nào thì mình cũng làm như vậy. Trong khi chúng không biết rằng chỉ cần chục con cừu tập trung lại cũng có thể húc cho con chó bị lòi ruột.
Dĩ nhiên, là con người ai cũng đều thông minh hơn cừu. Thế nhưng, có những lúc một cách vô tình có nhiều người lại lựa chọn theo tâm lý đám đông mà không hề biết hoặc suy nghĩ xem lựa chọn đó mình có cần thiết không, có hữu ích hay không, có nhất thiết phải làm hay không. Thậm chí, ngay cả những lựa chọn mà ta biết là không tốt, là sai mà ta vẫn cứ làm.
Điều này lý giải cho những trường hợp như có người biết say xỉn là không tốt, thế nhưng họ vẫn cứ uống. Có người biết đua xe là không được, thế nhưng họ vẫn làm khi bạn bè rủ rê. Có cầu thủ nếu một mình sẽ không dám cá độ nhưng khi có người cầm đầu thì dễ dàng đi theo. Trong nông nghiệp, điều này lý giải vì sao có nhiều người chạy theo đám đông dẫn đến thất bại. Có một thời, một nước nọ mua rất nhiều thịt lợn. Thế rồi, người dân cứ thế tăng gia, nuôi lợn rất rất nhiều, bỏ cả lối lao động truyền thống. Sau đó, người ta không mua lợn nữa, dẫn đến chuyện ngày nay thịt lợn mới bị phá giá và bị sụt giá như vậy. Chuyện này cũng tương tự với rất nhiều loại cây, củ, quả khác.
Trong kinh doanh, chuyện đầu tư cũng như thế. Phần lớn rất nhiều người thất bại là bởi vì thấy người khác làm được thành công là mình cũng nhảy vào lĩnh vực đó, trong khi chưa chắc đã có thế mạnh. Kết quả là có người thành công, có kẻ thất bại và phần lớn nhiều người thất bại là bởi vì không biết sở trường, sở đoản của mình mà chỉ đi theo đám đông.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ VƯỢT QUA NỖI SỢ BỊ BỎ LỠ?
Cách tốt nhất là bạn phải xác định xem việc đó nếu mình không làm là tốt hay là bỏ lỡ thật. Một chuyện có thể là cơ hội không thể bỏ lỡ với người này nhưng cũng có thể là thứ rất không nên làm vì nó mất thời gian với người kia. Cho nên, hàng ngày hãy quan sát lại những gì bạn vẫn làm. Xác định ra xem 80% những việc bạn làm không hiệu quả, những quyết định không cần thiết, những việc bạn vô tình “theo đuôi” là gì để loại bỏ nó. Như thế bạn tiết kiệm 80% thời gian cho những việc không cần thiết và có thể dùng thời gian đó để tăng gấp đôi nhóm những việc hiệu quả nhất.
Thêm vào đó, việc xác định danh sách NOT TO DO cũng vô cùng quan trọng. Danh sách này giống như bộ cẩm nang, hay hiến pháp của chính bạn. Là những điều bạn sẽ không làm. Chẳng hạn như Warren Buffet, một nhà đầu tư huyền thoại, ông trùm chuyên đầu tư vào các công ty. Nguyên tắc khiến ông ta trở thành huyền thoại chỉ đơn giản ở một câu nói “Tôi sẽ không đầu tư vào những công ty mà tôi không hiểu nó là cái gì”. Chính bộ nguyên tắc, bộ quy chuẩn sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc nói không.
Và điều cuối cùng, một điều tưởng như không liên quan nhưng lại rất liên quan. Nguyên nhân một phần khiến chúng ta sợ bị bỏ lỡ hay sợ bị bỏ rơi là bởi vì chúng ta chưa hạnh phúc. Nếu chúng ta hạnh phúc với những gì mình đang có, chúng ta sẽ không lo lắng nếu không có những gì mình chưa có. Như vậy, một trong những việc quan trọng đó là hàng ngày, bạn hãy học cách biết ơn cuộc sống. Biết ơn những thứ dù là nhỏ nhất mà bạn có được, chẳng hạn như có một giấc ngủ ngon, có một bữa cơm ngon, có một bộ quần áo đẹp. Khi luôn hạnh phúc từ bên trong, tự khắc bên ngoài bạn sẽ bớt đi nỗi sợ.
Đừng để FEAR OF MISSING OUT làm bạn vô tình trở thành những chú cừu theo đuôi mù quáng. Trong cuộc sống này, hoặc là bạn trở thành người tiên phong dẫn đầu, còn không thì bạn không nên là người theo đuôi mù quáng.
*Bài viết độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng
– Edward –