Đừng bỏ cuộc nếu có thể cố gắng hết sức một lần vượt qua giới hạn bản thân

Nhiều người thường nói: “Khi bạn muốn bỏ cuộc, hãy suy nghĩ lại lý do mà bạn bắt đầu”. Đây là một câu nói để một người nhìn lại lý do vì sao người ấy lựa chọn làm một điều gì đó. Về tâm lý, việc nhớ lại lý do bắt đầu có thể giúp bạn tiếp thêm động lực mạnh mẽ để tiếp tục hành trình mình đang đi. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc nhìn lại lý do chúng ta bắt đầu cũng có thể giúp bạn không bỏ cuộc. Một người không có khả năng làm một việc, nhưng lại có một lý do hoàn hảo để tiếp tục duy trì nó có thể là công thức của thảm họa.

Ngược lại, có một số người lại nói rằng: “Thành công là không bao giờ bỏ cuộc, tuy nhiên với một số việc bạn biết khi nào nên bỏ cuộc, ấy gọi là thành công”. Điều này rất đúng nếu một người đã lỡ / vô tình làm sai hoặc đi vào một “vết xe đổ” nhưng kịp thời tỉnh táo nhận ra và dừng lại. Về tâm lý, con người thường không muốn chứng minh rằng họ làm sai, cho nên đó là lý do rất nhiều đã sai, lại tiếp tục sai và không chịu bỏ cuộc. Đó là lý do vì sao nhiều dự án thua lỗ, chủ đầu tư vẫn tiếp tục đầu tư, và hậu quả cuối cùng còn thảm hại hơn lúc đầu. Quan điểm này chỉ ra một số việc bạn nên bỏ cuộc ở thời điểm phù hợp lại là sự khôn ngoan.

Nếu vậy thì đối với rất nhiều việc trong cuộc đời mỗi người, chúng ta nên làm gì khi muốn bỏ cuộc?

Dĩ nhiên, với hai quan điểm có phần đối lập nhau như ở trên giữa “Thành công là không bao giờ bỏ cuộc” và “Biết khi nào bỏ cuộc là khôn ngoan” thì thực ra việc bỏ cuộc hay không bỏ cuộc vốn dĩ là một vùng xám. Chẳng hạn, bạn bước vào một cuộc tình / hôn nhân không hề hạnh phúc, mối tình đó làm bạn tổn thương, khiến bạn phải chịu đựng rất nhiều. Giả sử, bạn bỏ cuộc và quyết định dừng lại cuộc tình ấy. Thế rồi, bạn có một cuộc sống tươi mới hơn rất nhiều, hạnh phúc hơn rất nhiều, học cách yêu thương và chăm sóc bản thân mình nhiều hơn thì đó là một lựa chọn xứng đáng. Thế nhưng, cũng trong câu chuyện ấy giả sử bạn quyết định không bỏ cuộc, bạn kiên nhẫn thay đổi bản thân mình và nỗ lực thay đổi gia đình mình. Cuối cùng, mối tình của bạn thay đổi theo một hướng tốt đẹp hơn. Bạn thay đổi – người thương của bạn thay đổi, khi ấy lựa chọn của bạn cũng là một lựa chọn xứng đáng.

Cho nên, để kết luận trong một việc gì đó, mỗi người chúng ta nên tiếp tục nỗ lực hay nên dừng lại đúng lúc đòi hỏi phải có góc nhìn đa chiều về sự việc. Chỉ khi có góc nhìn đa chiều, kết hợp với tư duy phân tích, suy luận, tổng hợp thông tin thấu đáo thì chúng ta mới hy vọng có thể đưa ra được một kết luận sáng suốt. Cuộc sống có một nghịch lý ở chỗ, đôi khi chúng ta phải là những người ra quyết định. Nhưng các quyết định không phải việc lựa chọn giữa tốt và xấu, mà có những lúc đó là lựa chọn giữa cái tệ và cái ít tệ hơn. Khi ấy chúng ta phải phân tích cái nào ít tệ hơn để lựa chọn nó. Vậy nên, chủ đề nên bỏ cuộc hay nên chiến đấu hết sức mình là một vùng xám không dễ dàng ra quyết định và lựa chọn.

Còn nếu như bạn đã có một mục tiêu, một đích đến rõ ràng, một lựa chọn chắc chắn mình sẽ theo đuổi đến cùng nhưng hiện tại bạn đang cảm thấy không có đủ động lực hoặc sức mạnh để tiếp tục chiến đấu thì phần còn lại của bài viết này là dành cho bạn.

CHẠM TRẦN – AI CŨNG CÓ NHỮNG GIỚI HẠN TẠM THỜI

Bản thân mỗi người đều có một ngưỡng giới hạn tạm thời, là giới hạn về năng lực, về khả năng, về nguồn lực để thực hiện một điều gì đó. Lấy một hình ảnh ẩn dụ, chẳng hạn bạn đứng trong một căn phòng và muốn nhảy từ dưới mặt đất lên trên. Khi đó, ngưỡng giới hạn cao nhất của bạn chính là trần nhà của căn phòng. Ngưỡng giới hạn đó là một ngưỡng giới hạn tạm thời bởi vì ngay trong một thời điểm bạn không thể nào vượt qua được. Chẳng hạn như nhảy lên chạm trần sẽ bị đụng trần. Hãy cho phép bản thân mình tưởng tượng một chút. Nếu bạn là một siêu nhân, bạn muốn vượt qua giới hạn tạm thời đó, bạn phải lấy hết sức mạnh để xuyên thủng trần nhà. Khi đó, bạn vượt qua một ngưỡng giới hạn tạm thời.

“Chạm trần” là một hình ảnh ẩn dụ về giới hạn tạm thời của mỗi người, bởi lẽ con người ta thường bị những niềm tin giới hạn rằng khả năng của mình chỉ có như thế. Vô tình, chính việc tự giới hạn năng lực bản thân làm cho người ta không dám đặt ra những mục tiêu lớn hơn trong cuộc sống. Hậu quả là nhiều khi họ không tin và không có đủ sức mạnh để kết thúc một kế hoạch hay dự định to lớn nào đó. Lấy ví dụ về điều này chính là hình ảnh những con voi trong sở thú. Chắc hẳn bạn không cảm thấy xa lạ với hình ảnh những chú voi trưởng thành bị xích lại chỉ bởi một sợi dây thừng buộc lại giữa chân con voi và cột. Một con voi trưởng thành có đủ khả năng để phá tan sợi dây thừng đó nhưng lý do là bởi vì nó bị buộc như vậy ngay từ khi con nhỏ. Khi còn nhỏ, voi con đã từng thử nhưng sau nhiều lần không được, nó tự tạo thành một niềm tin giới hạn cho đến khi nó trưởng thành. Con người ta cũng vậy, có những niềm tin giới hạn đi theo chúng ta đến suốt cuộc đời.

Khi bạn hiểu một điều đó, thì việc của bạn là phải phá tan những giới hạn tạm thời. Việc này cũng giống như việc bạn nén một cái lò xo. Giả sử bạn có một cái lò xo, khi bạn nén xuống nó sẽ đàn hồi. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như bạn nén thật mạnh? Bạn nén càng mạnh, sức đàn hồi của nó càng lớn. Cho nên, giới hạn con người cũng như vậy. Mỗi người đều có những chiếc “lò xo khổng lồ”, nếu nén càng mạnh, bạn phải nỗ lực và phải tác động lực càng lớn. Nhưng một khi bạn có đủ sức mạnh để nén nó xuống, thì giới hạn của nó sẽ được phá bỏ.

Đã bao giờ bạn gặp một người trong quá khứ và rồi khi gặp lại trong tương lai, bạn bất ngờ vì sự thay đổi lột xác của họ? Chắc hẳn đây là một ví dụ rất đỗi quen thuộc. Có những người trong quá khứ là một người hướng nội, nhút nhát, luôn tự ti khi gặp người khác. Nhưng sau một thời gian, họ là một con người mới. Họ mạnh dạn hơn, tự tin hơn, khi giao tiếp đầy sức hút, luôn nhìn thẳng vào mắt người khác. Và nhiều khi, lý do khiến họ thay đổi chỉ đơn giản là nhờ môi trường rèn luyện và tác động. Hay lấy một ví dụ khác gần gũi hơn, đó là việc bạn đi tập gym. Đã bao giờ bạn thấy một người những ngày đầu đi tập gym chỉ nâng được mức tạ rất nhẹ, tập xong là thấy rất mệt. Nhưng theo thời gian, mỗi ngày đều phá giới hạn bản thân, người đó có thể nâng được mức tạ nặng hơn rất nhiều. Giới hạn của cơ bắp đã bị phá vỡ, bởi vì giới hạn trong hiện tại chỉ là giới hạn tạm thời.

Cho nên, khi bạn cảm thấy khó khăn, bất lực, mệt mỏi,… trong cuộc sống, trong tình yêu, trong công việc, trong rèn luyện sức khỏe,… thì rất có thể là bởi vì bạn đang chạm đến giới hạn tạm thời. Khi bạn “chạm trần”, bạn không dễ để vượt qua được giới hạn, và đó rất có thể là thời điểm mà bạn muốn bỏ cuộc. Thực tế thì đây là thời điểm mà nhiều người bỏ cuộc nhất. Khi bạn yêu một người, sau một thời gian đầu đầy hào hứng và cảm hứng, rất có thể bạn sẽ bước vào giai đoạn nhàm chán của mối quan hệ. Những xung đột bắt đầu xảy ra, sự khác biệt cũng đến, và rất có thể khi ấy là giai đoạn người ta dễ chia tay. Khi bạn bắt đầu một công việc, những ngày đầu chắc chắn bạn sẽ rất hào hứng và quyết tâm. Nhưng khi bắt đầu được một ngưỡng nào đó, mọi thứ trở nên nhàm chán. Môi trường chưa có nhiều thay đổi, công việc ấy không còn mang lại niềm vui. Rất có thể khi ấy là lúc mà bạn muốn nhảy việc… Và có thêm rất nhiều ví dụ tương tự khác như thế. Nếu bạn hiểu về tâm lý, bạn cần hiểu rằng đây là lúc bạn đang “chạm trần” và cần một sự tác động mạnh mẽ hơn rất nhiều để phá bỏ giới hạn tạm thời.

CHẠM TRẦN – HÃY MỘT LẦN NỖ LỰC HẾT SỨC MÌNH TRƯỚC KHI BỎ CUỘC

Hãy suy nghĩ về một điều bạn rất muốn làm, nhưng bạn đang bế tắc và đang đứng trước nguy cơ định bỏ cuộc? Hãy hình dung về một căn phòng mà bạn đang chạm trần. Bạn biết rằng ở phía bên trên “trần nhà” là một thế giới khác, hạnh phúc hơn, tốt đẹp hơn. Là một siêu anh hùng trong những bộ phim siêu nhân, bạn hiểu rằng đây là lúc bạn phải dồn hết sức mạnh để đập tan giới hạn tạm thời này. Có thể bạn cần tìm một chiếc búa thần, một sự trợ giúp từ đồng đội, một sức mạnh từ bên trong để quyết tâm cho một lần hết sức. Và rồi “Bùm!”, bạn đã phá tan được giới hạn đó.

Đó là khi một mối quan hệ bước sang một nấc thang mới, hai người hiểu nhau hơn, trưởng thành nhiều hơn và gắn kết hơn. Đó cũng là khi công việc của bạn bước sang một nấc thang mới, bạn được thăng chức, kết quả tốt hơn, bạn đạt được thành quả và được công nhận. Đó là khi cuộc sống của bạn dễ thở hơn bởi vì bạn vừa vượt qua được một hành trình. Khi ấy, bạn chợt nhận ra rằng mình thật mạnh mẽ.

“Bạn sẽ không biết mình mạnh mẽ như thế nào cho đến khi mạnh mẽ là lựa chọn duy nhất của bạn!”

Như vậy, bạn đã hiểu được bí quyết để vượt qua giới hạn bản thân. Thế nhưng về mặt thực tế, có rất nhiều người lại lựa chọn bỏ cuộc. Không phải họ không nỗ lực, họ đã từng nỗ lực rất nhiều lần nhưng họ không đủ sức mạnh để vượt qua thử thách. Và rồi họ bỏ cuộc trong thất vọng, trong nản chí, trong niềm tin tiêu cực của bản thân. Lý do là bởi vì họ đã nỗ lực quá nhiều nhưng không nỗ lực đúng cách.

Để phá bỏ “chạm trần” giới hạn, bạn không thể nào đập bức tường ngàn lần, mỗi lần đập nhè nhẹ. Thay vào đó, bạn cần làm một lần, nhưng lần đó phải cực kỳ mạnh mẽ, chẳng hạn dùng búa tạ để đập. Điều này cũng tương tự như bạn đạp xe lên dốc. Giả sử bạn đang đạp xe lên một con dốc rất cao, nó là giới hạn tạm thời của bạn. Khi đó bạn thấy có một người nỗ lực đạp lên xe, nhưng họ nỗ lực nửa vời. Chính vì vậy mà khi lên được lưng chừng dốc, họ mệt quá và họ lựa chọn dừng lại nghỉ. Khi nghỉ ngơi xong, họ lại quay trở lại từ đầu để đạp thêm một lần nữa. Nhưng bởi vì họ đã mất sức cho lần đạp trước, thế nên lần này sức họ không còn đủ khỏe mạnh, kết quả là họ lại phải dừng lại giữa lưng chừng dốc. Thế rồi, họ cứ thế, cứ thế cho đến khi kiệt sức mà vẫn chưa thể vượt qua được con dốc. Đọc đến đây thì bạn đã hiểu bí quyết để vượt qua con dốc ấy. Thay vì chỉ nỗ lực nửa vời, bạn phải dồn hết tất cả sức mạnh, tất cả sự tập trung tâm trí và sự quyết tâm để cố gắng hết sức một lần cho đến khi vượt qua nó.

Khép lại bài viết này, Edward chỉ muốn gửi một thông điệp tới những người bạn (mà có thể Edward không gặp / không biết / cũng không xuất hiện trong cuộc sống của bạn) rằng con người ta ai cũng có những lúc ở trong giai đoạn chạm ngưỡng giới hạn của mình “chạm trần”. Có những lúc chúng ta rất khó khăn, cuộc sống mà. Có những khi thật khó để có một ai đó hiểu, thật khó để có người cho chúng ta sẻ chia, động viên chúng ta. Có những khi chúng ta cô đơn một mình trên con đường mình đi. Có những lúc chúng ta thật khó tìm được một lý do để tiếp tục. Thế nhưng, nên nhớ một điều rằng cuộc sống này vốn dĩ không có giới hạn, có rất nhiều giới hạn chỉ là giới hạn tạm thời. Vậy nên, hãy cho phép mình một lần siêu tập trung, siêu quyết tâm, siêu mạnh mẽ, siêu quyết liệt để phá tan giới hạn. Khi ấy, phía sau bức tường giới hạn, bạn sẽ thấy có một thiên đường rất khác. Nơi ấy cũng sẽ có một bạn rất khác – một người mạnh mẽ hơn bạn của quá khứ rất nhiều. Như một câu nói mà Edward rất tâm đắc sau nhiều lần “chạm trần”.

“Cuộc sống vốn dĩ không có giới hạn, nếu có một giới hạn duy nhất thì giới hạn đó chính là bầu trời!”

*Bài viết độc quyền tại Tâm Lý Học Ứng Dụng

Edward

Chia sẻ ý kiến của bạn:

3 Comments

  1. Trường Sơn 17/01/2019
  2. Lý Ngự Thiên 18/01/2019
    • Edward 18/01/2019

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+