Đừng bao giờ đột ngột giật đồ chơi từ tay con

Rất nhiều bậc phụ huynh thường dạy con mình ích kỷ là tính xấu và phải biết yêu thương, chia sẻ với những người xung quanh. Để minh chứng cho điều đó rõ nhất, họ dạy con mình phải biết chia sẻ đồ chơi với em. Những nhà có hai con nhỏ, việc tranh giành đồ chơi giữa những đứa trẻ thường kết thúc trong sự hỗn loạn và khiến bố mẹ phát điên. Trong hoàn cảnh đó, nhiều bậc phụ huynh ngay lập tức giành đồ chơi từ tay anh, chị lớn đưa cho em bé với lý do có vẻ rất chính đáng – “Con lớn phải nhường em chứ. Con thật ích kỷ, không biết chiều em bé gì cả.” Họ làm việc đó theo thói quen và kinh nghiệm của những người đi trước mà không hề biết rằng khi bị bố mẹ hay người lớn trong gia đình lấy mất đồ chơi yêu thích khiến đứa trẻ cảm thấy cực kỳ bất công, ấm ức và tủi thân. Khi con nhất định không đưa, cố gắng giành lại đồ chơi, hay thậm chí bất lực lăn đùng ra đất kêu gào, khóc lóc người lớn lại cảm thấy bình thường có khi còn khuyến mãi thêm trận đòn vì tội không chịu nghe lời.

Tôi có một người bạn, có lần gọi điện than thở với tôi mỗi lần có khách con gái 5 tuổi cô ấy lại trở thành đứa trẻ khó bảo, ương bướng vô cùng trong khi hàng ngày cô bé rất ngoan. Tôi hỏi chuyện cụ thể cô ấy kể, nhà có khách có cả mấy đứa trẻ con chơi với nhau, con cô cứ giữ khư khư nhất định không cho các bạn mượn chiếc xe đạp màu hồng. Cô ấy phải giằng ra cho các bạn mượn chơi cùng rồi lũ trẻ chơi không cẩn thận làm hỏng mất cái giỏ xe. Hỏng thì sửa có gì đâu mà lăn ra ăn vạ dỗ dành thế nào cũng không nín, cô mới điên tiết lên đánh cho một trận rồi nhốt vào phòng vì tội làm mất mặt bố mẹ.

Hai hôm sau, con chị khác hẳn, không thiết ăn uống hỏi gì cũng không trả lời. Cô ấy nói với tôi rằng: “Chị xem, trẻ con bây giờ gớm thế. 5 tuổi cũng đã biết chiến tranh lạnh rồi đấy. Hôm qua bố phải đi mua đền chiếc xe mới mà vẫn không ăn thua.” Tôi mới nhẹ nhàng phân tích cho cô ấy: “Chị kể em nghe chuyện này, mấy hôm trước anh nhà chị mới mua cái ô tô. Thế là bố chồng chị bảo nhà anh chị có điều kiện rồi đưa xe cho chú em chưa có công ăn việc làm đi tạm rồi mua cái khác mà đi. Anh em trong nhà phải nhường nhịn, chia sẻ với nhau. Em thấy thế nào?” Cô ấy trả lời: “Tất nhiên là không được rồi, xe nhà chị mua làm sao đưa cho người khác đi được. Bố chồng chị vô lý quá đi mất.” Tôi liền nói: “Đấy em thấy chưa, cảm giác cực kỳ khó chịu đúng không? Em là người lớn còn có cảm giác như vậy tại sao lại bắt một đứa trẻ 5 tuổi phải hiểu chuyện mà nhường nhịn, chia sẻ đồ chơi với các bạn khác được. Với con em chiếc xe đạp đồ chơi cũng quý giá giống như chiếc xe ô tô của nhà chị vậy. Em làm thế hình như hơi quá với con rồi.” Sau đó, cô ấy im lặng một lúc. Tôi chỉ hy vọng sau lần này cô ấy hiểu ra một chuyện, cách làm của cô ấy vừa không dạy cho con một bài học về sự chia sẻ vì bé sẽ cảm thấy bị mất mát và bị tổn thương vì không cảm thấy được tôn trọng.

Tiến sĩ Montessori có nói: “Mất một vật sở hữu quý giá là nỗi đau khủng khiếp của trẻ” (Trích: Trẻ thơ trong gia đình). Nếu bạn để ý kỹ một chút bạn sẽ thấy những đứa trẻ thường xuyên bị ép phải nhường đồ chơi hoặc đột ngột giật mất đồ chơi (nhất là những em bé trong khoảng tầm 1-4 tuổi khi chưa hiểu rõ về khái niệm sự sở hữu và chia sẻ) lớn lên sẽ có xu hướng ích kỷ, dễ cáu giận và hay bất an hơn. Nếu bạn biết một chút về Sigmund Freud và Phân tâm học thì bạn cũng biết rằng rất nhiều nỗi khốn khổ có  nguồn gốc từ tuổi thơ. Cho nên chúng ta cần có những giải pháp khả thi cho những tình huống thường gặp như thế này.

1. Khi nhà bạn có 2 hay nhiều con

  • Thi thoảng  bạn có thể mua cho các bạn nhỏ trong nhà mỗi bạn một loại đồ chơi giống nhau, lớn size to và bé size nhỏ chẳng hạn.
  • Nếu không có điều kiện, hãy phân chia thời gian chơi, mỗi bạn được chơi 15 – 20p rồi chuyển bạn khác. Không làm đúng quy định sẽ bị phạt không được chơi loại đồ chơi đó trong một ngày.

2. Khi nhà bạn có khách tốt nhất hãy sắp xếp đồ đạc gọn gàng và cất đi vài thứ đồ chơi con bạn thực sự yêu thích mà bạn chắc chắn rằng các bạn nhỏ khác nhìn thấy cũng rất thích chơi. Vì khả năng hỏng hóc hay mất mát là khá cao và việc giải quyết sự mè nheo của con bạn sẽ kéo dài không cần thiết. Cho nên mình phòng còn hơn chống.

3. Khi con bạn chơi trong tập thể, trước khi muốn con bạn nhường hay chia sẻ đồ chơi bạn hãy ngồi xuống ngang tầm mắt con và hỏi con xem con có đồng ý cho bạn mượn đồ chơi của mình hay không. Nếu con bạn vui vẻ đồng ý thì không sao, ngược lại bạn hãy tôn trọng ý kiến của con và giải thích rõ ràng rằng đồ chơi là vật sở hữu của con bạn nên bạn không có quyền quyết định. Khi con bạn cảm thấy được tôn trọng các việc khác rất dễ giải quyết và bạn yên tâm trẻ con sẽ luôn biết cách thỏa hiệp khi chúng tự chơi với nhau.

Đừng bỏ qua những sự thay đổi nhỏ để hoàn thiện nhận thức của trẻ vì tuổi thơ của con chỉ có một lần, những sai lầm nhỏ bé lâu dần sẽ khó khắc phục. Hành trình làm bố mẹ rất ngắn và cũng rất dài. Hy vọng được đồng hành cùng các bạn. Chúc các bạn thành công.

– ĐỖ QUYÊN –

[ ]
Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+