[ga_htsvkv]
Suy nghĩ cảm tính – đó là một sai lầm tâm lý mà nhiều người không nhận ra mà thường mắc phải. Bởi lẽ thông thường, về mặt tâm lý, chúng ta thường nghĩ rằng mình đúng. Ít khi chúng ta nhận ra hoặc thừa nhận mình sai, đôi khi phải tỉnh táo lắm hoặc là bản thân chúng ta phải dám chấp nhận sự thật rằng mình không thể đúng hết mọi thứ. Nhưng cũng bởi vì con người là sinh vật của cảm xúc, cho nên thật khó để mà không cảm xúc như người máy, cho nên cái sai thường gặp nhất là không chịu nhận mình sai. Một trong những cái sai của suy nghĩ cảm tính đó là sự đánh đồng giữa động cơ và hành động của một ai đó, nhất là hay suy động cơ khi mới chỉ nhìn thấy hành động.

Purchase this image at https://www.stocksy.com/1359546
Đứa con có bài kiểm tra bị điểm kém. Hành động của đứa con là điểm kém. Còn động cơ dẫn đến việc bị điểm kém đó có nhiều động cơ khác nhau. Nó có thể là do đứa con không thích học, thành ra không chịu học. Cũng có thể là do nó rất chăm học, đã nỗ lực hết sức nhưng khả năng mới chỉ có được như vậy. Cũng có thể là do nó ghét môn học đó, hoặc ghét thầy cô dạy môn đó cho nên không chịu học. Như vậy, nếu chỉ nhìn hành động mà suy ra động cơ, người ta có thể dễ kết luận một cách sai lầm. Chẳng hạn, thấy đứa con điểm kém, thầy cô bố mẹ vội kết luận động cơ nó là do lười biếng, rồi không yêu thương bố mẹ.
Hai người yêu nhau, khi thấy người yêu của mình đi hẹn hò với một người khác giới khác. Hãy giả sử là như vậy. Hành động là đi hẹn hò với một người khác giới khác. Vậy động cơ là gì? Động cơ thì có thể có nhiều động cơ khác nhau, chẳng hạn chỉ đơn giản là giao lưu kết bạn, hoặc cũng có thể là một người bạn thân, một người đồng nghiệp thân, hoặc động cơ cũng có thể là ngoại tình. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ nếu chỉ kết luận động cơ ngay lập tức sau khi nhìn thấy hành động đó, thì đây là một suy nghĩ cảm tính, chẳng hạn nói rằng người yêu của mình không chung thủy.
Một người nói dối bạn. Hành động là nói dối, vậy động cơ là gì? Một lần nữa, động cơ có thể là rất nhiều trường hợp khác nhau. Ví dụ động cơ là lừa đảo, nên nói dối. Nói dối để thực hiện mưu đồ lừa đảo điều gì đó. Cũng có thể động cơ là vì không muốn người đó biết sự thật, nên bắt buộc phải nói dối. Chẳng hạn bác sĩ không muốn bệnh nhân biết sự thật rằng họ không thể qua khỏi, đành nói dối là bệnh này đúng là nguy kịch. Tuy nhiên, khoa học càng ngày càng phát triển nên cứ cố gắng điều trị, có thể sẽ qua khỏi được. Nói dối, cũng có thể động cơ xuất phát từ việc người đó bị bệnh lý, bệnh nói dối. Cho nên, nếu thấy một hành vi nói dối và vội kết luận ngay ý kiến một chiều, thì đó là suy nghĩ cảm tính.
Dĩ nhiên, một vài ví dụ trên sẽ không thể bao quát hết được cuộc sống, và nhiều việc khác, điều này không quan trọng. Điều đáng nói hơn là tâm lý con người hay vô tình bị mắc phải mô thức sai lầm là vội kết luận và suy nghĩ cảm tính dựa trên những kinh nghiệm cá nhân và trải nghiệm bản thân mình. Sự kết luận cảm tính đó đến từ việc họ bị thiếu thông tin khi một hành động họ nhìn thấy xảy ra, và vội kết luận về động cơ, từ đó dẫn đến hệ quả là con người ta nhẹ thì dễ hiểu lầm nhau, nặng thì hay phán xét nhau, thậm chí bị lừa lọc nhau, mất niềm tin ở nhau, hoặc thậm chí là tin tưởng mù quáng. Cho nên, điều quan trọng nhất nằm ở việc không suy động cơ từ hành động, mà hãy nhìn nhận sự việc một cách đa chiều. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết, đó là các ứng dụng tâm lý bên dưới:
Hãy kết luận một điều gì đó khi có đủ thông tin kiểm chứng
Khi muốn kết luận một người động cơ là gì, hãy đảm bảo có đầy đủ thông tin đã được kiểm chứng. Như đã nói ở trên, không thể suy động cơ từ hành động, nhưng nếu một hành động lặp đi lặp lại nhiều lần thì khi đó bạn có thể suy luận động cơ. Chẳng hạn, một người luôn luôn nói dối. Nếu hành động nói dối ấy là một lần, thì chưa thể kết luận động cơ. Nhưng nếu hành động nói dối ấy lặp lại nhiều lần, và diễn ra với nhiều người, thì chắc hẳn phải có một động cơ nào đó ẩn đằng sau và chắc chắn là không phải nói dối vô tình, hay nói dối cho vui. Có thể là người đó muốn công kích người khác, hay người đó bị bệnh lí, hay đang muốn thực hiện một ý đồ nào đó. Cho nên, khi thông tin kiểm chứng càng nhiều, hành động lặp lại càng nhiều thì động cơ càng rõ. Từ đó, bạn sẽ nhìn nhận một người một cách đúng đắn hơn. Bớt cảm tính, bớt suy diễn, và bớt kết luận sai lầm.
Hãy phản hồi hành động, đừng suy diễn động cơ
Khi thấy một ai đó có một hành động gì đó sai. Thay vì vội suy diễn động cơ, hãy phản hồi hành động. Đây là điều mà nhiều người vô tình hay mắc phải. Chẳng hạn, nếu thấy bạn mình trễ hẹn, đừng vội kết luận bạn mình là đứa thiếu ý thức, không tôn trọng mình hay không giữ chữ tín. Hãy phản hồi là bạn không hài lòng với hành động “đi trễ đó”, là bởi vì có thể có những động cơ khác đằng sau: có thể là do đi trễ thật, có thể là ý thức kém, biết đâu có thể là do trục trặc hỏng xe giữa đường, hoặc biết đâu có thể là do thấy có một vụ tai nạn ở giữa đường và đưa người đó đi cấp cứu. Việc phản hồi hành động sẽ làm cho người đối diện khi được phản hồi cảm thấy thuyết phục và cảm thấy được tôn trọng vì không ai thích bị tấn công vào con người mình cả. Tương tự như vậy, khi bạn bè đồng nghiệp thấy những hành động mình không hài lòng, hãy chỉ đơn giản là mô tả đúng hành động đó, và nói lên suy nghĩ của bạn, chứ đứng gán con người của người khác vào.
Động cơ tốt, hành động sai
Đây là ứng dụng rất quan trọng, bởi rất nhiều người chúng ta hiểu lầm nhau, thậm chí khó chịu với nhau vì điều này. Có rất nhiều người, họ có động cơ tốt, xuất phát từ mong muốn tốt đẹp nhưng hành động lại sai. Hãy lấy vài ví dụ để dễ tìm hiểu. Giả sử tuổi Teen, động cơ là mong muốn được trải nghiệm, thích trải nghiệm với bạn bè, nên rủ nhau đi đua xe. Rõ ràng là hành động thì sai, nhưng động cơ không hẳn là không tốt. Một người rất trách nhiệm, muốn mọi thứ luôn được tốt đẹp nên việc gì cũng xông xáo và làm, không để người khác làm. Động cơ ở đây là tốt, nhưng hành động này có thể làm cho người khác nghĩ rằng mình đang lấn quyền, rồi không tin tưởng, không tôn trọng người khác nên việc của người khác cứ xen vào. Bố mẹ cái gì cũng bắt con cái làm theo ý mình, chẳng hạn chuyện học phải thế này, rồi lớn lên phải thế này, đến tuổi phải lấy vợ lấy chồng. Động cơ xuất phát từ mong muốn rằng mình còn trẻ, chưa tuổi già lo cho con cái càng sớm càng tốt, hoặc sợ rằng con chưa đủ khôn lớn, nhưng hành động lựa chọn tất cả mọi thứ cho con, ngay cả những thứ nó không thích và ngay cả những thứ mình không có kinh nghiệm thì lại là hành động sai. Một người rất yêu thương một tên tội phạm, cho nên bao che cho cái sai của tên tội phạm ấy. Động cơ là yêu thương, nó là tốt, nhưng hành động bao che thì lại là sai. Và còn cả nghìn lẻ một ví dụ từ gần gũi đến xa xôi, từ đơn giản đến phức tạp để chứng minh một điều rằng con người ta rất hay động cơ tốt nhưng hành động lại vô tình sai. Cho nên, nếu như hiểu được những điều này, chúng ta sẽ nhìn nhận một người khác đi rất nhiều và hành xử cũng khác đi rất nhiều.
Khi ứng dụng và hiểu được phần nào về động cơ và hành động, thì tự khắc chúng ta sẽ bớt suy nghĩ và kết luận một cách cảm tính, từ đó mà ra được quyết định đúng đắn hơn rất nhiều. Đồng thời, chúng ta cũng sẽ nhìn nhận và hành xử với người khác một cách trung dung và đúng mực hơn rất nhiều, để từ đó bớt đau khổ, bớt mâu thuẫn, bớt xích mích với nhau hơn.
*Bài viết độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng
– Edward –
[ ]