Điểm Mù Trong Nhận Thức Bản Thân Của Bạn?

Bạn có phải là người độc lập không? Nghiên cứu tâm lý học xã hội kinh điển cho rằng có vài người sẽ không trả lời được câu hỏi đó. Tại sao lại có người không hề nhận thức được một số khía cạnh trong tính cách của mình?

Lấy một ví dụ xảy ra hàng ngày như thế này: có một số người khiến ta bực bội vì họ luôn luôn trễ hẹn. Một số người giải thích rằng vì họ là người “vô tư”. Đối với những người vô tư, tính trễ giờ là một phần trong tính cách, họ biết và có lẽ không lo lắng về việc mình có vẻ vô tâm. Với số còn lại thì có vẻ họ hoàn toàn không nhận ra mình luôn trễ hẹn. Chuyện này sao có thể xảy ra được?

Có lẽ là vì họ chưa bao giờ nhận ra hoặc chú ý đến việc họ luôn luôn đi trễ, do đó họ chưa bao giờ cho rằng mình vô tâm. Có một thuyết tâm lý mô tả cách ta nghĩ về bản thân mình, đó là thuyết sơ đồ bản ngã (self-schema theory).

Thuyết này nói rằng ta đã xây dựng những “sơ đồ”, như những bản đồ trong tâm trí về tính cách của mình. Ta dùng những bản đồ đó để hiểu và tự lý giải cho những hành vi của mình ở hiện tại và tương lai. Ví dụ như tôi luôn luôn đúng giờ vì tôi là người tận tâm.

Điểm mù trong nhận thức bản thân

Tuy nhiên, thuyết sơ đồ cũng nói rằng các bản đồ này có những vùng chưa được vẽ ra, khiến ta có những điểm mù nhất định trong nhận thức bản thân. Phần này của các sơ đồ bản ngã được Giáo sư Hazel Markus khảo sát trong một nghiên cứu tâm lý xã hội kinh điển (Markus, 1977). Bà không chỉ nghiên cứu về sự tận tâm mà còn về vấn đề liệu mọi người cho rằng mình có tính độc lập hay phụ thuộc.

Để tiến hành nghiên cứu, bà cho 48 phụ nữ trả lời những câu hỏi đo lường mức độ độc lập theo quan điểm của họ. Câu hỏi tìm hiểu xem họ là người hướng về bản thân hay hướng về tập thể, và là người thích lãnh đạo hay người thích hỗ trợ. Dựa trên câu trả lời, những người tham dự được chia thành 3 nhóm: nhóm độc lập, nhóm phụ thuộc và nhóm thứ ba không thể hiện rõ xu hướng.

Nhóm thứ ba này được gọi là nhóm ‘khuyết đồ’, nghĩa là không có sơ đồ về tính độc lập hay phụ thuộc – vì một lý do nào đó, đây là một điểm mù trong nhận thức bản thân của họ. Tuy nhiên, điều quan trọng là nhóm này chỉ được phân ra sau khi đã loại những ai nghĩ tính phụ thuộc/độc lập là quan trọng nhưng lại cho rằng mình độc lập trong một số tình huống còn những tình huống khác thì không. Nhóm “khuyết đồ” chỉ gồm những người thực sự không quan tâm đến cả hai xu hướng này.

Vậy có những người có vẻ không nhận ra hoặc thậm chí là không quan tâm đến tính độc lập (hoặc ngược lại) trong khi những người khác thì có. Nhưng Markus muốn biết liệu mọi người có chỉ nói mà không làm không. Để trả lời câu hỏi này, bà mời chính những người tham gia trở lại phòng thí nghiệm sau vài tuần để tiến hành thêm một vài bài kiểm tra nữa.

Lần này, bà chiếu nhanh các từ ngữ trên màn hình, có vài từ liên quan đến tính độc lập, vài từ liên quan đến tính phụ thuộc và vài từ trung tính. Kết quả cho thấy những người nào nói rằng mình độc lập thì chọn nhiều từ liên quan đến tính độc lập hơn trong thời gian ngắn hơn. Những người có tính phụ thuộc cũng thể hiện khả năng tương tự với những từ liên quan đến tính phụ thuộc nhưng những người thuộc nhóm khuyết đồ thì không cho thấy xu hướng nào cả.

Trong những bài kiểm tra sau, những ai đã xác định mình là người độc lập nhớ nhiều ví dụ về hành vi độc lập hơn và cũng phản đối đề xuất thử nghiệm cho rằng họ không độc lập. Kết quả cũng tương tự với những người có tính phụ thuộc. Tuy nhiên, nhóm khuyết đồ có thể nhớ được một số ví dụ thể hiện hoặc tính phụ thuộc hoặc tính độc lập và dễ dàng bị thuyết phục bởi đề xuất thử nghiệm vốn khiến họ tin rằng mình có tính độc lập hoặc phụ thuộc. Có vẻ họ chưa từng chú ý đến những tình huống cho thấy họ là người độc lập hay người phụ thuộc.

Xây dựng nhận thức về bản thân

Những kết quả này xác nhận rằng 3 nhóm người tham gia thực sự suy nghĩ khác nhau về tính độc lập. Vài người tin rằng mình độc lập, vài người thì không và những người còn lại thì không biết hoặc không tỏ ra quan tâm. Nói một cách nào đó thì nhóm khuyết đồ là nhóm thú vị nhất vì họ là những người có vẻ không biết mình có độc lập hay không.

Và chúng ta đều có những lỗ hổng này trong nhận thức bản thân; đó là điểm mù với ta nhưng lại rõ ràng với người khác. Rủi thay, cách duy nhất để ta biết được những điểm mù này là hỏi mọi người, một việc có thể khó khăn hoặc làm ta xấu hổ. Tuy nhiên, những điểm mù này có thể tiêu cực hoặc tích cực; đáng ngạc nhiên là đôi khi con người không nhận thức được sức hấp dẫn, sự ấm áp hoặc sự tận tâm của mình.

Bất kể ta có lấy hết can đảm để nhờ người khác chỉ ra điểm mù của mình hay không, nghiên cứu này vẫn cho thấy ý tưởng thú vị và đáng lo ngại rằng một số khía cạnh trong tính cách của ta có thể hoàn toàn không được khám phá chỉ vì ta chưa bao giờ quan tâm chú ý đến nó.

*********

Biên tập bởi Tâm lý học ứng dụng

*Nguồn: https://www.ubrand.global/courses/tu-duy-phi-ly-cua-nguoi-thong-minh 

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+