Duy trì sự thân thiết có thể là một thử thách đầy khó khăn qua thời gian. Lý do nằm ở cách sự gần gũi bắt đầu. Hai người đến với nhau, yêu thương cả ưu và khuyết điểm của nhau. Mỗi người hứa hẹn trở thành đối tượng mà người kia có thể thổ lộ sự yếu ớt và mông lung của bản thân, và mỗi người đều được phép cởi bỏ lớp phòng bị của mình. Nhưng việc lột bỏ toàn bộ lớp áo giáp cảm xúc khiến 2 người đặc biệt dễ tổn thương trước sự ơ hờ của đối phương, khi mà sự hỗ trợ lẫn nhau phải đương đầu với những đòi hỏi của cuộc sống hằng ngày. Khi đó một lời bình phẩm cáu kỉnh hoặc tâm trạng thất thường của người bạn đời, dù bình thường đến mức nào đi nữa, cũng thật sự có thể làm đau người kia. Phải rất có định lực để không đáp trả hoặc phai nhạt tình cảm với nhau.
Kết quả, sự thân thiết có xu hướng giảm dần theo thời gian, điều mà Cordova xem như một quá trình suy sụp bình thường. Trách nhiệm làm bố mẹ hoặc những áp lực trong đời sống hàng ngày có thể khiến tình cảm của cạn kiệt và khiến họ trở nên khó kiềm chế cảm xúc.
Một khi quá trình đó đã diễn ra, đi ngược lại nó là điều vô cùng khó khăn. Các cặp đôi thường tin rằng họ có thể xử lý mọi vấn đề để lấy lại cảm giác gần gũi. Thực tế, như những gì Cordova kết luận, họ chỉ cần quan tâm đến nhau nhiều hơn thôi – đó mới là liều thuốc chữa lành tốt nhất.
Hành trình xác định cách nâng cao sự thân mật cần thời gian, nỗ lực và một phần không hề nhỏ của thứ mà nhà xã hội học Arlie Russell Hochschild của Đại học California, Berkeley gọi là “thành quả cảm xúc”: kiểm soát, thậm chí là đè nén cảm xúc của bản thân để có thể mang lại sự hỗ trợ tinh thần cho người khác. Theo nhà xã hội học Debra Umberson của Đại học Texas, khi tham dự vào mối quan hệ khác giới, bản thân cảm xúc thường là nguồn cơn gây căng thẳng, vì đàn ông và phụ nữ có quan điểm khác nhau về mức độ cao nhất của sự gần gũi, cũng như về “không gian cảm xúc.” Bà đã khám phá ra rằng những cặp đôi đồng giới có nhiều điểm chung về quan niệm thân mật và ranh giới riêng tư, từ đó sự chia sẻ cảm xúc của họ cân bằng hơn.

Purchase this image at https://www.stocksy.com/1058698
Tình Bạn: Nam Giới Đang Bị Bỏ Quên?
Ban đầu, nghiên cứu về tình bạn dường như xác nhận những khuôn mẫu truyền thống về giới tính trong sự thân thiết – rằng nữ giới coi trọng sự gần gũi hơn so với nam giới. Những nhóm bạn nam giới có xu hướng cùng nhau thực hiện một việc gì đó hơn – cùng chơi thể thao, cùng nghe nhạc – trong khi nhóm bạn nữ giới chú trọng việc dành thời gian để trò chuyện cùng nhau, thường là về các vấn đề cá nhân. Nữ giới nói rằng trò chuyện tâm tình là khía cạnh quan trọng nhất của tình bạn, giúp họ hiểu mình là ai, giúp cải thiện nhận thức về bản thân và giải quyết những vấn đề với người họ yêu thương.
Nhưng nam giới không phải sinh ra để né tránh sự thân thiết. Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy cả nam lẫn nữ đều coi trọng tình bạn với nữ giới – chính xác là vì những mối quan hệ đó thường đặc biệt gần gũi về mặt cảm xúc.
Theo tác giả của quyển sách Friendship Processes, giáo sư tâm lý học Berveley Fehr của Đại học Winnipeg thì ở Bắc Mỹ, nam giới nhận thức rất rõ rằng việc chia sẻ thông tin cá nhân sẽ giúp những người bạn thân thiết với nhau hơn bất kỳ hoạt động chung nào. Bà nói, thứ khiến họ không thể hiện bản thân thường xuyên hơn với những người đàn ông khác chính là nỗi sợ bị từ chối. Việc chia sẻ khiến nam giới cảm thấy rất dễ bị tổn thương, có lẽ vì nó đi ngược lại với một giá trị khác của nam giới – sự cạnh tranh.
Fehr tự hỏi, chuyện gì sẽ xảy ra nếu nam giới bị đặt vào tình huống mà họ phải chia sẻ thông tin riêng tư với những người đàn ông khác? Chuyện đó có mang lại lợi ích gì cho họ giống như với nữ giới không?
Bà sử dụng một công cụ rất phổ biến trong giới nghiên cứu về các mối quan hệ: “36 câu hỏi”, được phát triển bởi Arthur và Elaine Aron. Đây là những câu hỏi mà các cặp đôi sẽ trao đổi với nhau, và chúng được thiết kế để tạo ra cảm giác thân thiết tạm thời, ngay cả giữa người lạ với nhau, trong hoàn cảnh thử nghiệm. Bắt đầu với vấn đề “Nếu được lựa chọn bất kỳ ai trên thế giới này, bạn sẽ mời ai đến ăn tối?”, các câu hỏi sẽ từ từ liên quan đến cảm xúc nhiều hơn. Câu hỏi số 18, cột mốc ở giữa, khá riêng tư: “Ký ức đáng sợ nhất của bạn là gì?” Câu hỏi cuối cùng đánh thẳng vào sự thân mật: Người tham gia được yêu cầu chia sẻ một vấn đề cá nhân và xem đối phương có ý tưởng gì về phương hướng giải quyết nó. Khi đã hỏi xong, những người tham gia không chỉ chia sẻ thông tin có nhiều cảm xúc mà còn phải hành động hệt như những người đang yêu nhau thật sự – sẵn sàng đáp lại nhu cầu của đối phương.
Fehr mời nhiều cặp nam giới vốn là bạn của nhau đến phòng nghiên cứu và cho họ trải nghiệm 36 câu hỏi. Khi cuộc đối thoại đi đến một câu hỏi riêng tư nhất định, bà quan sát thất một phản ứng chung. Bà nói, “Thường thì những người đàn ông đó trông có vẻ sững sờ, rồi họ lại im lặng. Sau đó, hoặc là họ lẩm bẩm chửi thề hoặc là bình luận rằng, ‘Hỏi sâu sắc đấy.’” Nhưng trước sự kinh ngạc của Fehr, họ đều sẵn sàng trả lời.
Đến nay thì Fehr đã phát hiện rằng sự thổ lộ bản thân đó đã giúp tăng cảm giác thân thiết giữa những người bạn, cũng như nâng cao sự hài lòng đối với tình bạn. Thời gian sẽ trả lời xem nam giới có gặt hái được những lợi ích bền vững như phụ nữ có được từ tình bạn hay không – nâng cao nhận thức và giá trị bản thân, cũng như cảm nhận được ý nghĩa.

Purchase this image at http://www.stocksy.com/793716
Duy Trì
Duy trì sự thân thiết trong tình bạn không phải là chủ đề được quan tâm nhiều, một phần bởi vì xã hội có xu hướng không đánh giá cao tình bạn bằng tình yêu. Các dịch vụ tư vấn luôn nhiệt tình giúp các cặp đôi, còn gia đình và bạn bè thì luôn ở chung quanh để giúp họ bên nhau. Nhưng khi tình bạn chao đảo thì chẳng có sự động viên hay nỗ lực nào để củng cố lại mối quan hệ. Và những người bạn dường như cũng tiếp thu thông điệp này; họ có xu hướng bị động hơn các cặp đôi trong việc giải quyết xung đột. Tình bạn có thể chấm dứt trong ồn ào qua hành động phản bội niềm tin. Nhưng thường thì nó lại héo mòn vì không được quan tâm chăm sóc.
Tuy nhiên, tình bạn rất dễ phục hồi – bằng cách gọi điện cho nhau hoặc hẹn nhau đi cà phê chẳng hạn. Fehr nói, cách những người bạn duy trì sự thân thiết là quay về với những gì đã mang họ đến gần nhau ban đầu: chia sẻ thông tin về cuộc sống của mình, hỗ trợ nhau và dành thời gian bên nhau.
Tuy nhiên, đôi khi tình bạn hồi sinh theo những cách rất bất ngờ. Halling thấy rằng những trải nghiệm về sự hòa hợp là vô cùng đặc biệt, đến mức siêu việt. “Bạn cảm thấy gần gũi với một người vì bạn thật sự mở lòng ra với họ và cảm giác cô đơn biến mất trong một thời gian,” ông nói.
Murray Suid, một nhà biên kịch 74 tuổi, đã gặp Bryan, một giáo sư đầy quyến rũ, khi cả 2 đang tham gia một cuộc hội họp của cánh đàn ông Vùng Vịnh những năm 1970. Họ trở thành bạn bè, rồi họ mất liên lạc với nhau. 20 năm sau, Suid sống ở Los Angeles và Bryan bắt đầu đến nơi đó thường xuyên để trị bệnh ung thư. Suid tình nguyện đưa đón Bryan từ sân bay đến bệnh viện và ngược lại. Tiên lượng bệnh của Bryan khá tệ và ông thường nói về việc mình sợ hãi đến dường nào. Đổi lại, Suid nói rằng thử thách cam go mà người bạn già của ông đang trải đang đã khuấy động nỗi sợ cái chết của ông.
Suid đã luôn nghĩ đến cái chết như một bức tường ngăn cách người với người. Nhưng “Tôi phát hiện rằng thật sự thì nó là một cách cửa giúp 2 người đàn ông cảm thấy thân thiết với nhau theo một cách chưa từng có trước đây,” ông nói. 20 năm sau khi Bryan qua đời, Suid vẫn trân trọng những chuyến xe đưa đón đến bệnh viện. bởi những giá trị tinh thần mà chúng mang lại. “Chúng tôi sẽ không thể thân thiết đến vậy nếu không có cơ hội trò chuyện với nhau.”
Đó chính là điều thú vị của sự thân thiết. Nó có thể nâng cao tinh thần mà không hề phô trương ầm ĩ, mặc dù Halling phát hiện rằng giây phút gắn kết sâu sắc nhất thường xuất hiện khi có hoàn cảnh biến động. Tham gia một chuyến đi xa, hòa mình vào thiên nhiên, hay thậm chí là cùng thực hiện một kế hoạch cũng có thể là con đường dẫn đến sự hòa hợp trong vô thức, khi mà thời gian như dừng lại và ta toàn tâm toàn ý vào khoảnh khắc hiện tại. Halling nói, “Ta mở lòng với đối phương, rung động và kinh ngạc trước con người mà ta nhìn thấy. Đó là một trải nghiệm giúp thức tỉnh ta.”
Khi Sự Thân Thiết Bị Mất Cân Bằng
Đôi khi, sự thổ lộ bản thân – cốt lõi của sự thân thiết – trở nên mất thăng bằng. Một trong 2 người có thể quá chủ động hoặc tỏ ra gắn bó hơn người kia. Điều đó không có nghĩa rằng mối quan hệ này phải tan rã. Ta có thể giúp người bạn kín tiếng kia cởi mở hơn.
- Rèn luyện
Tự bày tỏ không phải là kiểu hành vi ăn-cả-ngã-về-không. Sự thân thiết cần có thời gian để xây dựng. Theo nhà tâm lý Catherine Sanderson thì “Người cảm thấy thoải mái với chuyện này hơn nên chủ động củng cố mọi cơ hội thân thiết giữa 2 người.”
- Tìm những người bạn tâm tình khác
Đừng kỳ vọng rằng đối phương sẽ thỏa mãn mọi nhu cầu được thân thiết của bạn. Nhà tâm lý Debra Mashek khuyên, “Hãy nuôi dưỡng sự gắn kết trong tình bạn bằng cách thật lòng quan tâm đến lời nói của bạn bè.”
- Thay đổi trọng tâm
Cái nhìn chăm chăm có thể là điều thân mật – nhưng nó cũng đáng sợ lắm, nhất là đối với những người khó mở lòng. Thay vào đó, hãy dành thời gian bên nhau. Nhà tâm lý Steen Halling nói, “Một số cuộc trò chuyện thân thiết diễn ra khi ta đang lái xe và trọng tâm chú ý không trực tiếp đặt lên người kia.”
- Nuôi dưỡng con người độc lập của bạn
Mashek đề nghị, nếu bạn thích làm mọi việc với người kia, hãy thử tự mình khám phá một vài thứ. Hãy thử đi xem phim hoặc trải qua một kỳ nghỉ cuối tuần thú vị một mình.
- Cởi mở nói về sự cởi mở
Đừng che giấu sự quan tâm của bạn về cảm nhận của đối phương. Nếu đối phương có vẻ dè dặt, hãy lên tiếng nói ra sự quan tâm của mình – Halling khuyên.
- Hãy nhiệt tình
Những người ngại bày tỏ bản thân có thể đã từng bị trừng phạt theo cách nào đó vì nói ra cảm xúc hoặc thổ lộ điểm yếu của mình, có thể là khi họ còn trẻ. Nhà tâm lý James Cordova nói, “Chúng ta phải tỏ ra tử tế, động viên và hết lòng quan tâm đến trái tim yếu đuối mà ta đang mời gọi đến với một mối quan hệ thân thiết. Ta phải dùng trí tưởng tượng của mình để xem đối phương e ngại điều gì.”
*Bài dịch độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng
Ad Gigi
*Nguồn: The Radical Thrill of Intimacy https://www.psychologytoday.com/articles/201701/the-radical-thrill-intimacy