Cuộc sống sau khủng hoảng, làm gì khi điều tồi tệ xảy ra?

Đại dịch COVID không chỉ đơn thuần là một dịch bệnh, nó còn để lại những hệ quả về mặt tâm lý, tinh thần với rất nhiều người. Có lẽ sẽ không ít người phải đối mặt với khủng hoảng, hoặc ít nhiều bị ảnh hưởng và cuộc sống thay đổi sau COVID. Khi khủng hoảng xảy ra, chúng ta thường dễ dàng nhìn ra Mặt Trái của vấn đề, nhưng ít người có đủ sức mạnh và tỉnh táo để nhận ra rằng, giống như hai mặt của đồng xu, phía bên kia Mặt Trái chính là Mặt Phải, luôn có những ý nghĩa tích cực, luôn có những món quà đằng sau nghịch cảnh. Series Mặt Phải dựa trên cuốn sách cùng tên của tác giả Adam Jackson, là một triết lý giúp chúng ta tìm ra những cơ hội tiềm ẩn trong cuộc sống đằng sau những chuyện tồi tệ xảy ra với chính mình. Tâm lý học ứng dụng hy vọng series này sẽ là một liều thuốc tinh thần giá trị với bạn, nhất là trong thời điểm này.

Series Mặt Phải – Phần 3: Cuộc sống sau khủng hoảng, làm gì khi điều tồi tệ xảy ra?

phần 1, bạn đã hiểu được lý giải nguyên nhân khi con người ta gặp phải những khó khăn, khủng hoảng, sự cố bất ngờ trong cuộc đời, họ có khuynh hướng thay đổi tiêu cực vì cú sốc tâm lý, thậm chí có nhiều người mãi mãi không bao giờ có thể đứng lên được. Nối tiếp phần 2, khuynh hướng phản ứng của con người trước những biến cố tiêu cực là họ có xu hướng nhìn thấy mặt trái và tự hỏi tại sao những điều này lại xảy ra với mình. Thế nhưng, không có gì là tốt hay xấu hoàn toàn, quan trọng là khía cạnh mà bạn tập trung vào. Cuộc sống không thể tránh khỏi những biến số khó lường đến với chúng ta một cách bất ngờ. Vậy thì, đâu là giải pháp cho chúng ta khi điều tồi tệ xảy ra. Mời các bạn đến với phần 3.

TẠI SAO NHỮNG ĐIỀU TỒI TỆ KHÔNG PHẢI LÚC NÀO CŨNG XẤU?

Sự thay đổi gây ra ảnh hưởng đáng kể lên tâm lý con người. Với những người hay lo sợ thì đó là sự đe dọa vì mọi thứ có thể tồi tệ hơn. Với người luôn tràn đầy hy vọng thì đó là nguồn động viên vì mọi thứ có thể khá hơn. Với người tự tin thì đó là nguồn cảm hứng bởi thử thách tồn tại để giúp mọi thứ tốt đẹp hơn.”

King Whitley Jr.

Vào thời điểm mà một điều gì đó xảy đến trong đời mà ta cho là “xấu”, ta thường ngửa mặt lên trời nguyền rủa. Bất kể đấy là tổn thất tài chính, thất vọng trong nghề nghiệp hay kinh doanh, bị kẹt trong một vụ tai nạn hay thậm chí bị chẩn đoán là có vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ, phản ứng chung thường là, “Tại sao lại là tôi? Tôi đã làm gì để bị thế này?” Tuy nhiên, điều ta không nhận ra ngay lúc ấy, nhưng lại có giá trị về sau, chính là những thất bại và thử thách đó, hay nói chính xác hơn, cách mà chúng ta phản ứng với sự việc đó, sẽ quyết định tương lai và hạnh phúc của chúng ta

Làm sao bạn biết chính xác một sự việc nào đó trong cuộc sống là “tốt” hay “xấu”?

Với một số người, điều gì mang lại niềm vui là tốt và điều gì gây ra phiền toái là xấu. Nhưng trong trường hợp này bạn đánh giá thế nào: kẹo bông gòn đem lại cảm giác vui sướng (cho những ai thích nhâm nhi những sợi đường đủ màu rực rỡ) nhưng cũng sẽ gây sâu răng và do đó đem lại sự đau đớn? Hay sự đau đớn xuất hiện khi người nha sĩ khoan phần răng sâu, vốn bị coi là “xấu” nhưng cuối cùng sau khi phần sâu bị loại bỏ, trám lại thì giúp ta tránh được những cơn đau về sau?

“Tái ông thất mã” là một câu chuyện minh họa sống động cho chúng ta thấy, không phải điều gì “xấu” cũng là “xấu”.

Tái ông là một người nông dân theo đạo Lão, sống trong một ngôi làng hẻo lánh ở một vùng xa xôi nhất của Trung Quốc. Tuy không giàu có, nhưng ông bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình, một mảnh đất nhỏ để trồng trọt cùng vợ và con trai. Một ngày nọ, có con ngựa hoang phi thẳng vào đất của ông, nhảy qua hàng rào và bắt đầu ăn cỏ trên cánh đồng. Theo luật địa phương, con ngựa lúc ấy thuộc quyền sở hữu hợp pháp của ông và gia đình. Con trai của ông rất háo hức, nhưng người cha vỗ vai con và bảo “Đừng vội phán xét! Ai biết đây là phúc hay họa?”

Ngày hôm sau con ngựa nhảy ra khỏi cánh đồng và phóng đi mất. Con trai người nông dân vô cùng buồn bã. Người cha lại nói “Đừng vội phán xét! Ai biết đây là phúc hay họa?”

Ba ngày sau, con ngựa quay lại cùng với bốn con ngựa cái. Người con trai không thể tin vào vận đỏ của gia đình, cậu hét lên “Chúng ta giàu to rồi!”, nhưng một lần nữa cha cậu lại bảo “Đừng vội phán xét! Ai biết đây là phúc hay họa?”.

Tuần kế tiếp, trong khi cưỡi một trong những con ngựa mới, cậu con trai bị ngã gãy chân. Người nông dân bèn chạy đi tìm thầy lang. Cậu nhanh chóng được thầy lang và cha mình săn sóc, nhưng cậu không ngừng càm ràm, than thân trách phận. Tái ông lấy khăn vắt nước ấm lau mồ hôi trên trán cho con, nhìn thẳng vào mắt con và trấn an một lần nữa “Con trai, đừng vội phán xét. Ai biết đây là phúc hay họa?”

Một tuần sau, chiến tranh nổ ra trong vùng, quan quân chiêu mộ binh sĩ đi vào làng và buộc tất cả thanh niên đủ tuổi nhập ngũ, tất cả, ngoại trừ một người không thể chiến đấu vì bị gãy chân!

Câu chuyện Tái ông thất mã không đơn thuần là một truyện ngụ ngôn xa xưa; nó hàm chứa một bài học đơn giản nhưng mang tính sống còn trong hành trình đi tìm mặt phải: vào cái ngày mà một việc gì đó xảy đến, thậm chí trong nhiều tuần, nhiều tháng hay nhiều năm tiếp theo, ta vẫn chưa thể biết chính xác sự việc đó quan trọng như thế nào đối với phần đời còn lại của ta. 

MẶT PHẢI – ĐÔI KHI NHỮNG ĐIỀU TỒI TỆ LẠI LÀ MAY MẮN

Ngày 14 tháng 12 năm 1931, mọi người tụ tập trước câu lạc bộ Reading Aero ngưỡng mộ theo dõi người phi công trẻ tài năng của Không lực Hoàng gia Anh (RAF), chỉ mới 23 tuổi, trình diễn pha nhào lộn tầm thấp rồi đáp xuống sân bay. Sự ngưỡng mộ nhanh chóng biến thành nỗi kinh hoàng khi chiếc máy bay vừa hoàn tất một pha biểu diễn, đầu cánh bên trái của nó vô tình chạm đất, chiếc máy bay lộn nhiều vòng rồi đâm sầm xuống. Xe cứu thương nhanh chóng có mặt sơ cứu người phi công, nhưng anh đã bị thương trầm trọng. Hai chân anh dập nát.

Người phi công được cấp tốc đưa đến bệnh viện và may mắn được một trong những bác sĩ phẫu thuật lỗi lạc thời đó, ông Leonard Joyce, thăm khám. Chấn thương nghiêm trọng đến mức ngay cả bác sĩ Joyce cũng không thể làm gì khác. Phương án duy nhất lúc đó là cắt bỏ hai chân của người phi công, một bên dưới gối một chút và bên kia trên gối một chút. Những ngày sau vụ tai nạn, người phi công viết vào nhật ký của mình: “Bị rơi sau khi nhào lộn gần mặt đất. Một pha biểu diễn tồi.” Anh đã không ngờ rằng việc bị mất cả hai chân, những năm sau đó, lại giúp anh trở thành phi công chiến đấu huyền thoại của RAF trong Thế chiến thứ hai và nhờ đó anh được phong tước Hiệp sĩ. Tuy nhiên, quan trọng hơn, chính tai nạn đã cướp đi đôi chân của anh, một ngày nọ lại giúp anh thoát chết.

Douglas Bader từng là một vận động viên thể thao nổi bật. Anh chơi bóng bầu dục cho Harlequins và, theo một số bài báo, anh có triển vọng thi đấu ở đẳng cấp quốc tế. Anh còn là một cầu thủ crikê giỏi. Những tưởng anh không chịu đựng nổi thử thách bị mất đi đôi chân, nhưng Bader chỉ tập trung vào hai mục tiêu cụ thể – đi lại được và bay. Dù những cơn đau đớn triền miên buộc anh phải dùng morphine, nhưng Bader vẫn kiên cường và chiến đấu không mệt mỏi. Chỉ trong sáu tháng, anh đã đạt được mục tiêu của mình. Anh không chỉ có thể đi lại – không cần trợ giúp – mà còn có thể khiêu vũ và chơi gôn. Và, đến tháng 6 năm 1932, anh lại lái máy bay. Nhưng dù với nỗ lực kiên cường, vào tháng 4 năm 1933, anh bị buộc giải ngũ khỏi RAF.

Thử thách mà anh phải chịu đựng nhanh chóng hé lộ mặt phải của nó. Thời gian ở trung tâm hồi sức đã giúp anh làm quen với một nữ y tá trẻ đẹp, Thelma Edwards, người mà anh cưới làm vợ vào tháng 10 năm 1933 và vẫn một lòng chung thủy cho đến khi cô qua đời nhiều năm sau đó.

Sáu năm sau khi Bader bị buộc giải ngũ, Châu Âu bị đẩy vào một cuộc chiến chưa từng thấy. Bader quyết định góp sức trong cuộc chiến và tận dụng mọi mối quan hệ cũ để được nhập ngũ trở lại. Do nhu cầu cao về phi công chiến đấu, RAF chấp nhận đơn xin nhập ngũ của anh và chỉ sau một khóa đào tạo bổ túc ngắn về những loại máy bay chiến đấu mới nhất, bao gồm Spitfires và Hurricanes, anh được phép cầm lái. Khi ấy anh đã 29 tuổi, lớn hơn nhiều so với hầu hết các phi công khác, và anh phải đeo chân giả, nhưng Bader đã chứng tỏ anh là một trong những phi công chiến đấu giỏi nhất của RAF trên mặt trận nước Anh.

Đến tháng 8 năm 1941, Bader đã bắn hạ 22 máy bay Đức. Chỉ có bốn phi công khác của RAF hạ được nhiều máy bay địch hơn anh. Điều đáng nói là, khi ta xem xét mặt phải của vấn đề, ta sẽ nhận ra thành công của Bader không những không bị cản trở bởi việc anh không có chân, mà quan trọng hơn, thành công đó có được bởi vì anh không có chân! Một điều cần lưu ý trong không chiến là khi người phi công lấy lại thăng bằng sau cú nhào lộn tốc độ cao, thì máu bị rút từ não ra tứ chi khiến họ bị bất tỉnh tạm thời. Nhưng vì Bader không có chân, não của anh không bị rút nhiều máu như người bình thường. Kết quả là anh tỉnh táo lâu hơn nhiều, một lợi thế đáng kể so với các phi công địch có cơ thể lành lặn mà anh đang chiến đấu.

Nhưng, mặt phải mới thật sự xuất hiện vào ngày 9 tháng 8 năm 1941 khi chiếc phi cơ của anh va chạm trên không với một chiếc Messerschmidt trên bầu trời Le Touquet nước Pháp. Ngay lúc định nhảy dù thoát hiểm thì Bader phát hiện ra chân giả bên phải của anh bị mắc kẹt. Chiếc phi cơ đang trên đà lao thẳng xuống đất. Bất kỳ người phi công nào khác sẽ phải chấp nhận hy sinh, nhưng vì Bader không có chân nên anh đã thoát chết ngày hôm đó. Khi chiếc đai giữ chân giả bị bật ra, thì Đại tá không quân – Hiệp sĩ Douglas Bader cũng kịp thời thoát khỏi chiếc phi cơ xấu số.

CUỘC SỐNG SAU KHỦNG HOẢNG, LÀM GÌ KHI ĐIỀU TỒI TỆ XẢY RA?

Người ta có thể lập luận rằng kết quả tích cực từ một hoàn cảnh tiêu cực không gì khác hơn là những kết quả ngẫu nhiên trong cuộc sống. Xét về cân bằng xác suất thì sẽ có một số người nhận được thành quả bằng cách này hay cách khác sau một bi kịch hay khủng hoảng cá nhân, tương tự, cũng sẽ có một số người phải gánh hậu quả và nỗi khốn khổ sau một thành tích hay thành công cá nhân. Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ nghiên cứu, các nhà khoa học và tâm lý học đã bắt đầu khám phá ra rằng bí quyết để tìm thấy mặt phải, trong thực tế, không nằm ở hoàn cảnh mà nằm ở cách chúng ta phản ứng với hoàn cảnh đó. Mỗi thất bại trong cuộc sống, mỗi tổn thương đều có hai mặt nhưng chỉ có những người đặc biệt mới tìm ra được mặt phải.

Vậy thì điều quan trọng nhất khi một chuyện tồi tệ xảy ra mà chúng ta có thể làm được, đó là tin rằng sẽ có một mặt phải – một điều ý nghĩa, một điều tích cực mang đến cho chúng ta qua cuộc khủng hoảng đó. Giống như một câu nói nổi tiếng “Mọi chuyện xảy ra đều có ý nghĩa của nó”. Ngay khi chúng ta xây dựng niềm tin mãnh liệt với bản thân rằng sẽ luôn có một ý nghĩa tích cực, một điều tốt đẹp đến từ một điều tồi tệ, thay vì tập trung vào điều tồi tệ thì chất lượng cuộc sống của chúng ta đã trở nên khác biệt hơn rất rất nhiều. 

Các nhà tâm lý học thường kết luận, rằng chất lượng cuộc sống mỗi người đến từ chất lượng suy nghĩ mà bạn có. Thay vì tập trung vào việc nghĩ rằng mọi thứ thật tồi tệ với mình, chỉ đơn giản bắt đầu bằng việc tin rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp và chắc chắn sẽ có một ý nghĩa tốt đẹp đã là bước khởi đầu quan trọng để cải thiện tình hình. Rồi sau đó, bạn sẽ tìm thấy những bước tiếp theo. Ở phần 4, chúng ta sẽ cùng nhau nói về cách thức để biến khó khăn, khủng hoảng thành cơ hội.

*Nguồn: Sách Mặt Phải

*Bài viết độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng

Edward

Mời các bạn đón xem tiếp Phần 4 trong Series Mặt Phải trên fanpage Tâm lý học ứng dụng

Mặt Phải – Phần 4: Hai mặt của tổn thương, làm thế nào để biến khó khăn thành cơ hội?

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+