[ga_thuonghieu]
Sự trì hoãn có thể nói là “căn bệnh” mà bất kì ai cũng gặp, nó còn có một tên gọi khác phổ biến hơn là bệnh lười biếng. Đây không chỉ là điều xảy ra với những người bình thường mà nó cũng không phải ngoại lệ cả với những người thành công nhất. Lý giải cho hiện tượng này, chúng ta có thể dựa vào một cơ chế hết sức đặc biệt của bộ não, đó chính là cơ chế tiết kiệm năng lượng. Bộ não con người sẽ luôn luôn ưu tiên cho những việc gì tốn ít năng lượng, đơn giản, dễ dàng và ngại việc phức tạp. Cho nên, không khó để thấy hình ảnh một người trì hoãn làm một việc mặc dù biết là nó quan trọng, nhưng lại có thể dễ dàng ngồi chơi, xem tivi, ngủ nướng,… Về mặt khoa học não bộ con người nặng khoảng 1,2 – 1,5 kg, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ khoảng 2 – 3% so với khối lượng cơ thể của một người trưởng thành thông thường. Tuy nhiên do có một vai trò đặc biệt, não bộ là cơ quan quan trọng của cơ thể người, vì thế mà trung bình não bộ cần đến khoảng 20 – 30% lượng oxy so với toàn bộ lượng oxy cơ thể nhận vào mỗi ngày để có thể đáp ứng mọi chức năng như suy nghĩ, ra quyết định, giải quyết vấn đề,… Điều này có thể ví von với hình ảnh một người rất nhỏ bé nhưng luôn phải gánh vác trên vai rất nhiều vật nặng, vì thế cứ có cơ hội thì người này sẽ luôn ưu tiên giảm bớt gánh nặng, chỉ muốn chọn những vật nhẹ nhàng. Chính vì lẽ đó, nếu một người khi sinh ra và mắc phải căn bệnh “lười”, thì đó là một điều hoàn toàn dễ hiểu. Người đó vẫn là một người hết sức bình thường.
TỪ BỆNH LƯỜI DẪN ĐẾN CĂN BỆNH “ĐỂ MAI TÍNH”
Chắc hẳn, không khó để bạn nhận ra rằng những trường hợp sau khá là quen thuộc:
Một người đến buổi tối khi ngồi vào bàn để làm việc, mặc dù người đó biết mình còn hàng tá việc quan trọng cần phải hoàn thành trong ngày thế nhưng cơ thể khi ấy lại phát ra tín hiệu mệt mỏi, uể oải. Một loạt gợi ý khác trong đầu xuất hiện thay thế cho dự định phải hoàn thành công việc, chẳng hạn như mình cần thư giãn một chút, mình nghỉ ngơi hết hôm nay thôi. Và cuối cùng thì người đó quyết định công việc ấy để sang ngày mai sẽ làm sau.
Một người khác, giả sử đang rất hào hứng và quyết tâm cho kế hoạch giảm cân. Thế là người ấy hiểu rất rõ một điều rằng mình cần phải có chế độ ăn uống và tập luyện thật điều độ, nhất định mình sẽ đi đến phòng gym để luyện tập. Thế rồi chỉ được vài ngày, một sáng thức dậy, khi nghĩ đến kế hoạch ra phòng gym luyện tập, cơ thể người ấy bỗng nhiên cảm thấy không đủ sức mạnh và bản thân họ lại tự dặn lòng, thôi để mai mình sẽ đi tập gym.
Một người đã từng nhiều lần lên kế hoạch tiết kiệm chi tiêu để quyết tâm làm giàu, cho nên người này đã tự nhủ lòng mình sẽ không tiêu xài hoang phí. Thế nhưng chỉ tiết kiệm được một thời gian ngắn, người đó bỗng cảm thấy hãy cho phép bản thân tận hưởng nốt hôm nay, trong đầu tự nhủ, mình kiếm tiền cũng là để cho bản thân được thoải mái và hạnh phúc, cho nên kể từ mai mình sẽ “thắt lưng buộc bụng” để làm giàu. Và thế là người ấy vẫn chưa thể bắt đầu tiết kiệm được.
Thế rồi khi nhìn đi nhìn lại, bạn sẽ thấy rằng có nhiều người họ vẫn chưa thể nào tiến được trên con đường thực hiện mục tiêu họ mong muốn, chỉ vì suy nghĩ “thôi để mai làm cũng được”. “Để mai tính” vô tình là một câu khẩu hiệu nghe thì rất hợp lý, nhưng kỳ thực lại là trở ngại cực lớn khiến cho nhiều người trì hoãn mục tiêu của mình. Thậm chí, có những người “để mai tính” không biết đến bao nhiêu lần, và dần dần quên luôn thực hiện những điều quan trọng người đó đã từng nhủ bản thân mình phải làm. Để rồi một lúc nào đó khi nhìn lại, họ nhận ra rằng mình đã lãng phí cả cuộc đời mà vẫn chưa thực hiện được. Các nhà tâm lý học chỉ ra một điều rằng, đến cuối đời thứ mà con người ta hối hận hóa ra lại không phải những gì họ đã làm, những sai lầm họ đã mắc mà đó chính là những mơ ước, những điều họ muốn làm nhưng lại chưa làm được.
PHƯƠNG PHÁP KAIZEN CỦA NGƯỜI NHẬT VÀ BÍ QUYẾT ĐỂ VƯỢT QUA SỰ TRÌ HOÃN
Kaizen là một phương pháp được sáng tạo bởi người Nhật Bản. Kaizen được ghép từ hai từ Kai (Thay đổi) và Zen (Thông thái), có nghĩa là liên tục thay đổi để tốt đẹp hơn. Là thuật ngữ thường được ứng dụng trong năng suất lao động, công việc, Kaizen hoàn toàn có thể ứng dụng trong tâm lý giúp thay đổi hành vi con người vượt qua sự trì hoãn. Như đã phân tích ở trên, nếu muốn vượt qua sự trì hoãn thì bạn cần biết cách để vượt qua cơ chế “tiết kiệm năng lượng” của não bộ. Phương pháp Kaizen có thể làm được điều này là bởi vì nguyên tắc của phương pháp này là bạn làm điều mà bạn cảm thấy quan trọng với bản thân, trong thời gian rất ngắn, nhưng lại thực hiện liên tục và đều đặn hàng ngày. Điểm quan trọng của phương pháp Kaizen đó là bạn phải làm một việc đủ dễ, đủ đơn giản đến mức độ không cần phải suy nghĩ, không cần phải tốn quá nhiều năng lượng. Sau cùng, bạn chỉ cần duy trì việc đó được thực hiện liên tục liên tục hàng ngày.
Hãy lấy một số thói quen để làm ví dụ. Giả sử nếu bạn muốn xây dựng thói quen đọc sách: thay vì phát nản với cả cuốn sách dày cộp, bạn có thể làm một việc đơn giản hơn đó là mỗi lần đọc, bạn chỉ đọc một trang sách. Nếu một trang sách vẫn quá khó, bạn hãy chỉ đọc nửa trang sách. Thậm chí nếu nửa trang sách vẫn quá khó, bạn chỉ cần đọc một đoạn ngắn. Nếu bạn muốn rèn luyện thói quen tập thể dục và bạn không có đủ động lực để tập luyện một tiếng mỗi ngày, hãy làm một việc đơn giản hơn. Chẳng hạn chỉ cần tập luyện 10 phút, hoặc nếu 10 phút vẫn quá khó hãy giảm xuống 5 phút tập luyện. 5 phút vẫn không làm bạn có đủ động lực, chỉ cần bạn đến phòng gym là được rồi.
Phương pháp này có vẻ ổn và dễ dàng để bạn thực hiện. Tuy nhiên, chắc hẳn trong đầu bạn đang suy nghĩ nếu chỉ làm như thế thì chắc chắn bạn sẽ không thay đổi được mấy. Một chút một chút như vậy cũng không mang lại tác dụng gì để thay đổi. Chẳng hạn đọc một đoạn sách đâu giúp bạn thông thái hơn, hay nếu chỉ đến phòng gym rồi đi về luôn thì làm sao có thể rèn luyện được bản thân mình. Về tâm lý, đây là suy nghĩ hết sức dễ hiểu. Tuy nhiên, suy nghĩ này có thể dẫn đến việc bạn sẽ mắc phải một bẫy tâm lý nho nhỏ, khiến bạn khó lòng vượt qua được sự trì hoãn đó là bẫy tâm lý về sự cầu toàn. Tức là cảm giác rằng dành ít thời gian cho một việc sẽ không giúp tạo nên kết quả khác biệt. Thế nhưng, nếu bạn muốn thực sự vượt qua sự trì hoãn để làm một việc gì đó, thì một câu nói vàng bạn cần ghi nhớ, đó chính là “Thà làm ít còn hơn không làm gì”. Hãy bắt đầu, cho dù sự thay đổi ấy chỉ là nhỏ.
HIỆU ỨNG QUÁN TÍNH CUỘC SỐNG – QUAN TRỌNG LÀ PHẢI BẮT ĐẦU
Trong cuộc sống, mọi thứ đều diễn ra theo quy tắc quán tính. Hiệu ứng quán tính là một nguyên tắc vật lý rất hiển nhiên. Chẳng hạn như khi bạn đang lái xe với tốc độ cao, nếu bạn muốn dừng xe lại, bạn sẽ phải giảm tốc độ. Thế nhưng do có quán tính cho nên chiếc xe của bạn sẽ không thể nào dừng ngay lập tức, nó cần thời gian để giảm tốc độ một cách từ từ. Điều đó có nghĩa là một khi bạn đã bắt đầu lái xe thì bạn không thể ngay lập tức kết thúc việc đó lại, bạn bắt buộc phải tuân theo quy luật quán tính. Chắc hẳn bạn đã từng gặp hình ảnh một người nào đó chỉ định ngồi xem một chương trình giải trí một lúc thôi, thế nhưng xem một lúc lại bị cuốn theo và muốn xem nữa. Buổi sáng thức dậy khi cơn buồn ngủ vẫn đang còn, một người chỉ định ngủ nướng thêm 5 phút, cuối cùng thêm một chút, một chút cho đến khi sát giờ đi làm không thể ngủ được nữa thì đành phải thức dậy ra khỏi giường. Điều đó lý giải vì sao nhiều người luôn đến hẹn sát giờ hoặc thậm chí trễ hẹn mặc dù ai cũng biết thức dậy sớm thì sẽ đến sớm. Bản chất thực hiện công việc hay rèn luyện một thói quen cũng tương tự như thế. Một khi bạn bắt đầu, chắc chắn bạn sẽ không thể kết thúc nó ngay.
Để chống lại bẫy tâm lý về sự cầu toàn, và tránh được cơ chế “tiết kiệm năng lượng” của não bộ, bạn chỉ cần rèn luyện thói quen cho phép bản thân bắt tay vào hành động thực hiện công việc. Chỉ cần bạn bắt đầu làm một điều gì đó, bạn không thể nào kết thúc được ngay. Khi bạn đã bắt đầu thì bạn sẽ làm được nhiều hơn thế. Đó là lý do mà vì sao bạn chỉ cần bắt đầu bằng những bước đơn giản để thực hiện một công việc. Chẳng hạn như cho phép mình cầm lấy cuốn sách, đọc một vài dòng. Cho phép mình có mặt ở phòng gym đều đặn, tậm một vài phút. Cho phép mình thực hiện một phần nhỏ của dự án công việc bạn phải hoàn thành. Khi làm một chút, bạn sẽ làm nhiều hơn. Khi đọc một đoạn, bạn sẽ đọc hai đoạn, rồi nhìn đi nhìn lại có khi bạn sẽ đọc cả nửa tiếng đồng hồ. Khi tự nhủ bản thân chỉ cần có mặt ở phòng gym, rồi bạn sẽ lên máy tập, khi đã lên máy tập bạn sẽ tập, nhìn đi nhìn lại bạn sẽ thấy mình đã tập được cả nửa giờ cho dù người có mệt mỏi. Cho nên, ứng dụng hiệu ứng quán tính cuộc sống, điều quan trọng bạn cần làm đó là phải bắt đầu.
KHI NHỮNG GÌ BẠN LÀM TRỞ THÀNH THÓI QUEN
Theo khoa học về hành vi của con người, thói quen là thứ sẽ hình thành nếu một hành vi được lặp đi lặp lại. Giả sử, một người lái xe về nhà chuyên đi trên một con đường, thế rồi một hôm có việc người đó phải đi một lối đi khác, nhưng do thói quen người ấy vẫn đi nhầm trên con đường mình thường đi. Tuy nhiên, có một thử thách đối với con người khi rèn luyện thói quen đó là chúng ta thường dễ hình thành thói quen không tốt, và khó rèn luyện thói quen tốt. Điều này cũng không có gì khó hiểu nếu nhìn trên góc độ tâm lý về cơ chế “tiết kiệm năng lượng” của não bộ. Não bộ luôn thích làm những gì tiêu tốn ít năng lượng, và ngại những gì phải mất quá nhiều công sức. Cho nên, hành trình để xây dựng một thói quen tích cực là điều không đơn giản. Thế nhưng, khi áp dụng những nguyên tắc trên để lặp đi lặp lại và duy trì một hành vi tốt, dần dần hành vi ấy sẽ trở thành thói quen. Kết quả là bạn không còn bị mất năng lượng hay không còn trì hoãn công việc hoặc những thói quen tốt.
Có nhiều con số khác nhau để nói về việc chúng ta cần bao nhiêu thời gian giúp hình thành thói quen. Có những người cho rằng chúng ta cần 21 ngày, một số người cho rằng con số ấy là 28 và có cả những người cho rằng cần 66 ngày để hình thành thói quen. Thực ra thì con số bao nhiêu không phải là điều quá quan trọng, việc mỗi người có hình thành được thói quen mới tích cực hay không mới là mấu chốt. Cơ thể mỗi người khác nhau, tính cách mỗi người khác nhau, thói quen hay công việc mỗi người trải nghiệm cũng khác nhau. Cho nên, tùy từng người mà thời gian dài ngắn khác nhau. Thế nhưng, nếu thực sự kiên trì áp dụng phương pháp trên, chắc chắn bất kỳ ai cũng có thể vượt qua bệnh trì hoãn để đạt được những thay đổi trong cuộc sống cũng như đạt được thành tựu để phát triển sự nghiệp.
*Bài viết độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng
– Edward –