Cẩm nang tạo dựng động lực

 

Nguyên tắc xây dựng Bộ máy tạo Động lực hiệu quả cho mọi mục tiêu

Nhà bác học Einstein có câu: “ Chúng ta hành động như thể sự an nhàn và sung túc là những nhu cầu chính của cuộc sống, trong khi điều mà khiến ta hạnh phúc tất cả chỉ đơn giản là thứ mang lại sự say mê cho ta.”

Đừng vội vàng phán xét điều gì! Trước tiên, bạn hãy lắng nghe một câu chuyện sau đây.

Một anh chàng tên Ryan quyết định sẽ lên kế hoạch học tiếng Pháp. Nói là làm, anh mau chóng tải những cuốn băng luyện nghe của Michel Thomas, mua sách luyện ngữ pháp, cài đặt đầy đủ những phần mềm hỗ trợ học tiếng như Duolingo hay Anki. Tất cả đã đầy đủ và sẵn sàng cùng anh chinh phục thứ ngôn ngữ mới đầy hấp dẫn này.

Ở thời điểm bắt đầu, động lực và cảm hứng học luôn tràn ngập đến với Ryan. Anh lao vào học hàng trăm từ mới, thuộc những cấu trúc ngữ pháp cơ bản, tải thêm phần mềm iTalki và thỉnh thoảng giao tiếp cùng người bản xứ. Ryan dành 100% năng lượng của mình vào nó, tin chắc rằng chẳng bao lâu nữa mình sẽ giao tiếp thuần thục như những người bạn Mỹ Latinh của mình.

Sau hai tuần, tiến triển kế hoạch của Ryan bắt đầu chậm lại và chẳng dễ dàng như trước. Mỗi lần ôn lại bài phải mất khá nhiều thời gian y như lúc mới bắt đầu học. Những ứng dụng như Duolingo cảm giác như chẳng còn mới mẻ và mở rộng như trước. Những bải giảng online cứ mãi xoay quanh chủ đề về cấu trúc thì quá khứ, quy tắc sử dụng porpara. Cảm giác hứng thú, say mê ngày nào, giờ đang dần bị chiếm chỗ bởi sự nhàm chán, việc học ì ạch,  trì hoãn những buổi học bài mới. Sau 1 tháng theo đuổi học tiếng Pháp, Ryan cuối cùng cũng dừng hẳn.

Khi mới bắt đầu một kế hoạch, hầu như ai cũng sẽ trải qua một quá trình với khởi đầu là sự nhanh chóng, đầy hứng khởi và thú vị. Nhưng sớm muộn gì cũng sẽ không thể tránh khỏi những giai đoạn trùng xuống mà  nhà doanh nhân, bậc thầy Internet Marketing người Mỹ – Seth Godin gọi đó là “Khoảng Trùng” (The Dip).

Khoảng Trùng là một quãng đường khá dài nằm giữa vận may với những thành tựu tích lũy thực. Có thể nói, nó là một bức màn cản trở được dựng lên nhằm thử thách sự kiên trì, loại bỏ những đối tượng không phù hợp khỏi cuộc đua đến với thành công. Để rồi cuối cùng, chỉ có số ít những người cố gắng nỗ lực từng chút một, kiên trì trụ lại vượt qua mới được trao thành quả to lớn xứng đáng với những gì mà mình đã tích lũy làm ra.

Thực ra, đây là điều mà chúng ta đã quá quen thuộc, đặc biệt là trong giới kinh doanh khởi nghiệp. Fred Wilson – nhà đầu tư nổi tiếng tại quỹ đầu tư mạo hiểm Union Square Ventures (New York – Mỹ), và “ông trùm khởi nghiệp” Paul Graham – người sáng lập quỹ Y Combinator, họ “ưu ái” đặt tên cho thời điểm trùng xuống đó là “Đoạn đường Đau khổ” (Trough of Sorrow).

Tác giả của cuốn sách nổi tiếng The 4-Hour Chef – Tim Ferriss – đã miêu tả chu trình học ngoại ngữ của mình bằng một sơ đồ tương tự:

Quan sát kĩ vào các sơ đồ trên, ta có thể nhận ra một điểm chung giữa chúng đó là đều gặp phải những lúc trùng xuống, bất luận đó là kế hoạch học ngôn ngữ, dự án xây dựng công ty, hay bất kì những công trình sáng tạo nào khác. Thời điểm ấy xuất hiện là khi bạn cảm thấy động lực làm việc bỗng ngày càng giảm sút, khí thế thụt lùi hẳn so với những ngày đầu tiên, những thách thức dần trở nên phai nhạt, tầm thường và chẳng còn đủ lôi kéo sự hứng thú để chinh phục. Hầu như rất nhiều người dễ dàng đầu hàng trước thử thách này. Nhưng nếu lựa chọn không bỏ cuộc, bạn có thể chinh phục được mục tiêu ấy đến cùng và thu về những thành quả mà bạn xứng đáng có được.

Từ những tranh luận xung quanh Khoảng Trùng, ta lại có một yếu tố phát sinh mới cũng vô cùng quan trọng đó chính là Thử thách khởi điểm (The Start). Đối với số ít những người thành công như Seth Godin, Tim Ferris,.. họ đều đã quá quen thuộc với điều này, coi nó là những khởi đầu tất yếu trong giai đoạn đầu của mỗi kế hoạch, dự án của mình và thường xuyên vượt qua nó một cách dễ dàng. Nhưng đối với những người mơ mộng viển vông về điều nằm ngoài khả năng những gì mà họ có thể thực sự làm, khi họ không thể chịu đựng được thời điểm sa lầy tối tăm của mình rồi nhanh chóng bỏ cuộc, lúc này Thử thách khởi điểm mới trở thành một vấn đề nghiêm trọng và chẳng bao lâu chính bạn sẽ tự bỏ xó kế hoạch mục tiêu mới ấy vào cùng với danh sách những mục tiêu trong quá khứ vẫn còn dang dở kia.

Lấy cuốn sách The Motivation Hacker của tác giả Nick Winter làm ví dụ. Nick đã đặt ra cho mình 17 mục tiêu cần phải tập trung hoàn thành trong 3 tháng, bao gồm việc học 3000 kí tự tiếng Trung mới, học cách trượt ván, bắt tay xây dựng một kế hoạch khởi nghiệp, chế tạo một phần mềm ứng dụng cho iPhone, đọc 20 cuốn sách, học môn phi dao.

Nhìn chung tổng thể, ý chính nổi bật của cuốn sách là: “Vấn đề quan trọng nhất mà ta cần phải đối diện trong việc hoàn thành mục tiêu, không phải là năng suất làm việc hay quản lý thời gian, mà đó là quản lý nguồn động lực của bản thân”. Một khi có đủ nguồn động lực, bạn sẽ bất chấp tất cả, tìm mọi cách để thực hiện kế hoạch của mình.

Vậy hãy thử đoán xem, nếu không còn động lực hành động, liệu những mục tiêu SMART hay những Đồng hồ hỗ trợ tập trung Pomodoro còn có tác dụng với bạn nữa không? Những hồi chuông thông báo lịch hoạt động mà bạn tự xây dựng để chinh phục mục tiêu, liệu nó còn có ý nghĩa với bạn như những ngày mới bắt đầu?

Ngoài ra, Nick cũng tự thiết kế một hệ thống những phương pháp duy trì động lực một cách khoa học nhằm đảm bảo rằng thời điểm hoàn thành những mục tiêu của mình đúng theo chỉ tiêu trong 3 tháng. Và thật bất ngờ, hầu hết những kế hoạch của anh ấy đều được hoàn thành một cách xuất sắc. Từ những gì mình đã làm và trải nghiệm, anh đã giới thiệu công thức này vào cuốn The Motivation Hacker của mình, vừa là để chia sẻ kiến thức cho độc giả, vừa muốn giúp đỡ mọi người có thể đạt được những mục tiêu cần thiết cho họ.

Có điều, một vài thông tin Nick lại không đề cập đến quá sâu. Thứ nhất, vì là người một thân khởi đầu nên anh không chú trọng nhiều vào Thử thách khởi điểm như với Khoảng Trùng. Hơn nữa, hệ thống phương pháp giữ động lực bền bỉ ấy chỉ phù hợp cho khoảng thời gian 3 tháng chứ khó có thể kéo dài thêm được.

Động lực để mọi mục tiêu mà chúng ta khao khát chinh phục sẽ được khởi động và hoàn thành trọn vẹn chính là điều bạn hằng mong muốn hay điều mà bạn nghĩ người khác cũng muốn vậy. Một hệ thống duy trì nguồn động lực có thông suốt được hay không phải phụ thuộc vào những quá trình rèn luyện chăm chỉ hàng ngày một cách có khoa học, cùng với việc rèn luyện tâm lý, ý chí, tinh thần và cách đối nhân xử thế. Một khi bạn có thể dễ dàng vượt qua được Khoảng Trùng thì khi đó Thử thách khởi điểm sẽ không là trở ngại khó khăn. Để hiểu sâu hơn nữa, trước tiên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem động lực là gì.

1. Động lực là gì?

Động lực là khởi nguồn nguyên nhân dẫn đến hành động mạnh mẽ của một cá nhân nào đó. Hay nói cách khác, động lực chính là sự khát khao cháy bỏng hay sự tự nguyện lớn lao của một cá nhân khi làm một việc gì đó.

Chúng ta cần động lực để thực hiện những dự án, những kế hoạch đầy sáng tạo mà ta đang quyết tâm chinh phục, chiến thắng bằng mọi cách. Nếu thiếu đi động lực thì những mong ước, khát vọng và hoài bão ta theo đuổi sẽ chẳng còn nghĩa lý gì vì thiếu chất xúc tác làm nên hành động thực sự.

 LessWrong đưa ra cho chúng ta một phương trình đơn giản của động lực đó là:

Theo như mô tả, động lực đóng vai trò là chức năng chính cho những Kỳ vọng (ước tính khả năng mà bạn có thể hoàn thành mục tiêu) nhân với Giá trị của mục tiêu, tỉ lệ nghịch với Cảm hứng nhất thời (yếu tố có khả năng gây ra sự sao lãng) và Trì hoãn (yếu tố làm cho thời gian hoàn thành mục tiêu bị vượt quá hạn đã định trước).

Hãy thử nghĩ về một ví dụ đơn giản như dọn thùng rác. Khi thùng rác rỗng, sẽ không còn đồ vật (Giá trị) nào để dọn bỏ, bạn cũng sẽ dần hết động lực làm việc. Ngược lại, khi thùng đầy, sẽ có nhiều đồ (Giá trị) hơn, lúc đó bạn có thể Kỳ vọng rằng mình sẽ hoàn thành được việc này. Nhưng trong quá trình đó, tự nhiên bạn muốn dùng internet (Cảm hứng nhất thời) và rồi bạn vẫn chưa động tay động chân làm gì. Chỉ cho đến khi thùng rác đã quá tải và bốc mùi (tắc nghẽn Giá trị), bạn mới bắt đầu vượt qua Tính bốc đồng của mình để bắt tay vào việc chính.

Hay như nghĩ về việc học một ngôn ngữ mới. Có thể mục tiêu học (Giá trị) sẽ cao hơn một chút nếu bạn ao ước mình sẽ giao tiếp như người bản xứ khi đi du lịch ở nước ngoài. Vấn đề xảy ra ở chỗ, bạn không đặt Kỳ vọng tương xứng bởi bạn nghĩ mình chưa bao giờ biết đến một loại ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng mẹ đẻ. Rồi trong lúc phân vân, bạn lại lướt mạng xã hội (Cảm hứng nhất thời) như thường lệ mà không phát hiện ra rằng mình đang bị chi phối một cách vô thức. Bạn cứ thế lùi lịch đi du lịch lại mấy tháng trời. Cuối cùng, bạn chốt rằng thật khó để tìm một chút động lực học tiếng (Trì hoãn).

Để có được nguồn động lực cho mọi công việc, trước tiên bạn phải kết hợp đủ 4 yếu tố sau:

  • Luôn tự thúc đẩy sự tin tưởng về những Kỳ vọng bạn đặt ra để hoàn thành được mục tiêu của mình
  • Tăng cường Giá trị của việc đạt được mục tiêu ra sao
  • Giảm thiểu Cảm hứng nhất thời và sự sao lãng
  • Hạn chế sự Trì hoãn bằng cách đặt ra những thành quả ngắn hạn, thiết thực ngay tức thì trong quá trình thực hiện mục tiêu

Hoặc để dễ dàng hơn, bạn có thể thử tham khảo bí quyết tạo động lực mà tiến sĩ tâm lí học Anders Ericsson và Robert Poole đưa ra trong cuốn sách Peak:

“ Khi bạn từ bỏ mục tiêu mà ban đầu bạn từng muốn đạt được, đó là bởi vì bạn quá nhiều lí do để từ bỏ hơn là lí do để tiếp tục. Vì vậy, để giữ vững nguồn động lực, bạn có thể làm tăng thêm lí do để tiếp tục theo đuổi mục tiêu hoặc lí do để làm yếu lập trường bỏ cuộc kia. Động lực thành công sẽ đạt được mạnh nhất chỉ khi kết hợp cả hai yếu tố trên.”.

Dù là bất cứ định nghĩa nào, tổng thể động lực vẫn chính là một nguồn hệ thống mang đầy sức sống. Hãy nhớ rằng Lí do Tiếp tục và Lí do Từ bỏ luôn luôn biến động không ngừng, dẫn đến ảnh hưởng tới cả 4 yếu tố Giá trị, Kỳ vọng, Cảm hứng nhất thời và Trì hoãn. Bởi vậy cho nên, bản thân bạn cũng cần phải linh hoạt trong việc điều chỉnh và xây dựng Bộ máy tạo Động lực một cách thường xuyên, sao cho phù hợp với quy mô thực hiện mục tiêu của bạn.

Từ đây, chúng ta có thể chia ra làm hai phần: kiến tạo động lực cho bước khởi đầu và duy trì động lực để tiếp tục. Đã có không ít những trường hợp khởi đầu đầy năng lượng hoành tráng, nhưng trên bước đường thực hiện lại chẳng thể giữ được ngọn lửa quý giá ấy. Hay có những người giữ được nguồn động lực tuyệt vời xuyên suốt chặng đường mà mình đã định ra, nhưng lại khó có thể tạo động lực để bắt đầu một mục tiêu mới.

Tùy thuộc vào phần nào của những thử thách và mục tiêu mà bạn thấy rằng phù hợp với bản thân mình, bạn sẽ xây dựng cho mình Bộ máy Động lực phù hợp với mình nhất. Bạn cũng cần tạo ra một hứng thú khởi điểm nào đó kích thích bản năng chinh phục và tò mò của mình một chút, có thể là khởi đầu thật dễ đến mức bạn không thể chối từ, hoặc tạo ra một chút “quyến rũ” đến mức bạn không thể (hoặc không muốn) dừng lại.

2. Tạo dựng động lực cho bước khởi đầu

Khi nói đến việc bắt đầu kiến tạo động lực, nghĩa là bạn phải thực sự bắt tay vào làm việc thật, thay vì chỉ ngồi đó và tưởng tượng về những giờ phút vui vẻ hay những gì bạn thích. Và để việc xây dựng có hiệu quả và khoa học, ta chia ra làm 2 nhiệm vụ:  tăng lý do để thực hiện kế hoạch và giảm cớ trì hoãn.

a. Tăng lý do thực hiện kế hoạch

Hãy tưởng tượng giống như bạn đang ngồi trên đống lửa, bạn thúc giục bản thân dập lửa đi nhanh nhất có thể hoặc dùng một phương án thoát hiểm dự phòng, nói chung là bạn sẽ phải chuẩn bị và ứng biến cực kì linh hoạt. Nhưng nếu giả sử không có lửa, liệu bạn có động lực mạnh mẽ để tìm ra những phương án ứng biến nhanh như thế kia không? Làm thế nào để tạo động lực hiệu quả mà không phải đợi “nước đến chân mới nhảy”?

Đó chính là thúc đẩy hai yếu tố chính tác động mạnh mẽ đến nguồn động lực: sự Kỳ vọng và Giá trị. Hai giá trị này có tính chất song song và đồng hành cùng nhau. Chính vì thế, bạn phải tìm cho mình cách phù hợp sao cho vừa làm tăng Giá trị của việc bắt tay thực hành vào mục tiêu ngay, vừa làm tăng sự Kỳ vọng, tin tưởng vào thành công.

  • Tăng Giá trị của việc thực hiện mục tiêu:

Một phương pháp dễ nhất để thực hiện được điều này, trước tiên phải xác định rõ những kết quả thực tiễn, có giá trị ý nghĩa thực sự khi hoàn thành mục tiêu. Nếu kết quả không đủ kích thích động lực, thì mục tiêu sẽ không được đánh giá là quan trọng và sẽ rất khó để khiến bạn thực hiện.

Giả sử, bạn muốn học tiếng Tây Ban Nha vì bạn cảm thấy mình nên học thêm một thứ tiếng mới, như vậy sẽ rất khó để bạn có thể nhìn ra được Giá trị quý giá ẩn sau việc học đó. Thay vì thế, bạn có lí do là bạn phải học tập và làm việc trong môi trường nói tiếng Tây Ban Nha cứ 1 tháng/năm, bạn rất muốn được giao thiệp và kết bạn với họ, có lẽ yếu tố giá trị này sẽ thúc đẩy động lực cao hơn.

Hoặc bạn sẽ học một kỹ năng mới nào đó. Nếu bạn nghĩ “Mình nên thử học kĩ năng lập trình xem sao” thì chắc chắn bạn sẽ duy trì việc đó không lâu hơn là bao. Nhưng nếu bạn nghĩ “Nếu mình học thêm kĩ năng lập trình, mình có thể tự kinh doanh điện tử bằng cách tạo trang web kho ứng dụng, rồi vừa giao dịch chỉ trên laptop, vừa có thể du lịch vòng quanh thế giới”, như vậy bạn sẽ có nhiều động lực và nhiều sự hứng thú để bắt tay vào công việc hơn.

Dù sự lựa chọn của bạn có thế nào, thì việc tập trung tạo ra một Giá trị là điều thực sự rất ý nghĩa với bạn. Nếu bạn cố gắng biện minh cho việc theo đuổi mục tiêu chỉ vì bạn nghĩ mình nên làm vậy hoặc bạn thấy bạn phải làm vậy, thì nó sẽ không có hiệu quả bởi đó chưa chắc đã là Giá trị cao, quan trọng đối với bạn. Nó phải là những mục tiêu được tạo ra một cách tự nguyện kết hợp với những ham muốn cá nhân của riêng bạn.

Ta có bảng ví dụ sau:

Giá trị gắn với Thành quả

Giá trị cao Giá trị thấp
Ngôn ngữ Tôi muốn được giao tiếp trôi chảy tiếng Tây Ban Nha để tôi có thể kết bạn với người bản xứ ở Mexico Tôi nghĩ mình nên thử học một ngôn ngữ mới, có vẻ tiếng Tây Ban Nha dễ hơn các tiếng khác đấy chứ
Lập trình Tôi muốn học lập trình để tự xây dựng trang web của riêng mình, kiếm tiền tự lập trong khi đi du lịch Tôi nghĩ mình nên học một chút về lập trình để tăng cơ hội tìm nhiều việc lương cao hơn một chút
Viết Tôi muốn tập viết nhiều để một ngày nào đó tôi có thể tự xuất bản cuốn sách của riêng mình Tôi nghĩ tôi nên viết nhiều cho lên tay, tôi thấy mọi người có vẻ thích những gì tôi viết
Âm nhạc Tôi muốn học chơi guitar để tôi có thể chơi được bản nhạc mà bạn tôi yêu thích trong ngày sinh nhật của họ Tôi muốn học chơi guitar vì trông nó có vẻ ngầu

Qua đây, bạn thấy rằng cách tốt nhất để đẩy Giá trị lên cao chính phải một mục tiêu cụ thể, ràng, thực tế cho . Kiểu như “Học lập trình” nghe có vẻ khô khan, khó khăn và không tạo nhiều động lực mấy. Nhưng nếu như bạn muốn “học lập trình để xây dựng trang web kinh doanh, để thiết kế một ứng dụng mới mà bạn muốn nó phổ biến trên thế giới”, bạn sẽ bất ngờ vì chỉ cần nghĩ đến nó thôi, bạn cũng tràn đầy hào hứng, tràn đầy động lực nhiều đến mức nào.

  • Tăng Kỳ vọng vào thành công:

 Đây chính là việc tạo sự chắc chắn, tin tưởng vào độ thành công trong kế hoạch bạn làm. Có 2 cấp độ của phương pháp tăng Kỳ Vọng này, đó là: giảm thiểu dấu ấn tự ti tăng sự tự tin vào việc hoàn thành mục tiêu đó.

Nếu trước đây, bạn đã từng tự xây dựng một kế hoạch, tự mình thực hiện nó và thất bại, hay bạn chưa từng có động lực để thực hiện mục tiêu đó trong quá khứ, rất có thể bạn đã vô tình có quá nhiều mặc cảm, tự ti khi phải tiếp những kiến thức mới hoặc cảm thấy chán nản khi phải duy trì thói quen học. Đây được coi là một hiện tượng tâm lý làm lặp lại những thất bại khiến bạn chẳng có hứng thú tiếp tục thực hiện mục tiêu nữa, kể cả khi chúng là những yếu tố gây thất bại không hề giống nhau.

Biểu hiện của sự tự ti ấy được thể hiện ở những ví dụ như sau:

  • “Tôi không giỏi tự tiếp thu những kiến thức mới.”
  • “Tôi chẳng bao giờ có thể dậy sớm được cả.”
  • “Tôi học ngoại ngữ kém lắm.”
  • “Tôi nghĩ tôi chẳng có động lực gì để hoàn thành kế hoạch đâu.”
  • “Nhiều người họ tháo vát, giỏi giang hơn tôi nhiều.”

Nếu nhận ra bản thân mình đã từng giống như trên, vậy thì giải pháp tốt nhất cho bạn là hãy tỉnh táo lên, những trở ngại bạn tạo ra chỉ là do chính bạn bắt ép mình rập khuôn vào hình tượng ấy, hoặc bạn đang khiến cho người khác phải nghĩ bạn là như vậy đấy!

Để kiểm chứng cho điều trên, người ta thử nghiệm với 3 chú chó. Những chú chó này đặc biệt ở chỗ bản thân chúng trước đây đã từng trải nghiệm và tiếp thu in sâu vào não bộ sự tự ti, rằng chúng sẽ không bao giờ có thể vượt qua hàng rào chắn bằng điện kia. Họ thực hiện thí nghiệm nhằm thay đổi quan điểm của chúng bằng cách điều khiển, hướng dẫn và di chuyển chân chúng sao cho chúng có thể biết cách thoát khỏi hàng rào điện. Nhưng cho dù có hướng dẫn chúng kĩ càng các bước tẩu thoát ít nhất 2 lần, hay kể cả trưng bày phần thưởng cho chúng, thậm chí là sử dụng một số biện pháp kích thích phù hợp, thì chúng vẫn không thể tự mình vượt qua rào chắn đó được.

Một nguyên nhân nữa cũng khiến cho mức Kỳ vọng bị sụt giảm bởi mục tiêu bạn đặt ra có thể quá lớn và quá chung chung. Cách giải quyết hữu hiệu nhất trong trường hợp này là hãy chia nhỏ mục tiêu của mình ra càng chi tiết càng tốt, mỗi mục tiêu nhỏ ấy hãy gắn cho nó một giá trị ý nghĩa, sao cho đến khi bắt tay vào thực hiện kế hoạch, bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn, có nhiều động lực để thực hiện hơn mà giá trị nhận về sau mỗi bài học cũng tương xứng với những gì mình đã hoàn thành.

Giả sử, bạn muốn học thiết kế. Bạn tìm nhiều tài liệu hướng dẫn học thiết kế, nhưng để học hết cùng một lúc thì có vẻ khá khó khăn cho người chưa từng biết đến thiết kế. Vì thế, để khởi đầu nhẹ nhàng hơn, bạn có thể bắt đầu với những bài tập vẽ cơ bản và luyện vẽ trong 30 ngày. Bắt đầu từ những bức vẽ đơn giản rồi từ từ tăng dần độ khó lên, ít nhất việc tập vẽ như này không chỉ giúp bạn làm quen và rèn luyện kĩ năng dần, mà đồng thời còn giúp bạn bám sát vào mục tiêu trở thành nhà thiết kế như bạn đã đặt ra.

Nhưng đừng vội dừng lại ở đây, bởi tăng Kỳ vọng thôi chưa đủ, bạn phải đồng thời giảm cớ trì hoãn, thứ cản trở nguy hiểm nhất gây ảnh hưởng trực tiếp lên chặng đường thực hiện mục tiêu, kế hoạch của bạn.

b. Giảm cớ trì hoãn

Ngay cả khi đã có đủ lý do để bắt tay vào thực hiện kế hoạch, bạn vẫn không thể tránh được cảm giác “chưa cần thiết phải thực hiện ngay bây giờ”. Cho nên, trong quá trình làm giảm cớ trì hoãn, bạn cần xác định có 2 mục tiêu cần được phá bỏ: giảm sự Trì hoãn và vượt qua Cảm hứng nhất thời.

Yếu tố Cảm hứng nhất thời thực ra không phải là một vấn đề nghiêm trọng trừ khi bạn dễ dàng bị phân tâm. Lúc này, thứ bạn cần làm để có thể quay trở về trạng thái tập trung nhanh chóng, dễ dàng đó là rút ngắn khoảng cách với đích đến, tăng độ khẩn cấp của mục tiêu hoặc kế hoạch lên theo hướng tích cực.

  • Tăng độ khẩn cấp:

Sự Trì hoãn sẽ được giảm đi hiệu quả hơn nếu bạn kết hợp cả việc chia nhỏ mục tiêu để thực hiện và việc rút ngắn khoảng cách đích đến. Lấy như việc học thiết kế trên, để học xong hết tất cả các bài hướng dẫn cũng phải mất vài tháng trời, nhưng hãy nghĩ đến việc hoàn thành 3 bài vẽ chỉ mất trong một buổi chiều, nghe như vậy có vẻ dễ có động lực hoàn thành hơn đúng không?

Đừng quên rằng, quá trình này không thể thiếu một bước quan trọng nhất đó là định thời gian ràng cho mỗi mục tiêu nhỏ. “Hoàn thành 3 bài vẽ” sẽ khá là chung chung, thay vào đó có thể là “Hoàn thành 3 bài vẽ trước thứ 6 tuần này”.

Có hai quan điểm triết lý đối lập như sau:

Triết lý luật Parkinson Triết lý ảo tưởng kế hoạch
–         Tạo ra những thời hạn hoàn thành mục tiêu nhỏ lẻ nhằm thúc giục bạn làm việc hiệu quả hơn, tránh được sự lãng phí thời gian vào những cám dỗ, không quan trọng

–         Tự chia nhỏ mục tiêu để dễ dàng hoàn thành nhanh chóng, hiệu quả hơn, đồng thời còn giúp tận dụng thời gian hiệu quả hơn

–    Ước lượng kéo dài thời gian hoàn thành mục tiêu nhỏ nếu bạn chưa chắc chắn về thời hạn hoàn tất mục tiêu lớn

 

  Lợi ích: giảm sự Trì hoãn đáng kể, thắt chặt thời hạn hoàn thành mục tiêu, tận dụng thời gian có ích

Bất lợi: có thể làm suy giảm Kỳ vọng trong quá trình thực hiện kế hoạch

Lợi ích: không

Bất lợi: Theo hai nhà tâm lý học người Mỹ Kahneman và Tversky, chỉ có 48% học sinh hoàn thành xong mục tiêu, các em nhận xét cách này tạo cảm giác vô định, làm vừa chậm, vừa thiếu hiệu quả mà khó có cái nhìn bao quát vào tiến trình

 

Vậy giải pháp cuối cùng chỉ có thể là: đặt ra khoảng thời gian phù hợp để hoàn thành mục tiêu đó dựa trên những kinh nghiệm tương tự mà bạn đã từng làm trong quá khứ. Có như vậy, bạn vừa đủ động lực để bắt đầu vào công việc (áp dụng mặt lợi của Triết lý Parkinson), vừa tránh được cảm giác vượt quá sức và dẫn đến thất bại (từ những bất lợi của Triết lý ảo tưởng kế hoạch).

Như vậy nghĩa là gì? Nếu bạn nói bạn học lập trình, đừng ước lượng kế hoạch như “luyện tập 2 tiếng/ngày”. Hãy đặt mục tiêu nhỏ như “luyện tập ít nhất 20 phút/ngày, như vậy sang tuần sau mình sẽ hoàn thành xong nửa mục bài Lập trình HTML & CSS trong ứng dụng hỗ trợ Codecaemy”. Trong đó, yếu tố “20 phút” là cái giúp bạn tránh trường hợp ảo tưởng kế hoạch, còn yếu tố “sang tuần sau hoàn thành..” chính là cái thắt chặt thời hạn hoàn thành mục tiêu cho bạn, giúp bạn có động lực làm nhiều hơn.

  • Sử dụng Vật cam kết:

Đây là một phương tiện thỏa thuận nhằm đảm bảo bạn phải thực hiện mục tiêu đến cùng để đạt kết quả tốt nhất. Có 3 phạm trù cam kết như sau:

  • Cam kết bằng thể chất:

Một vị tướng người Trung Quốc Han Xin đã luyện cho các binh lính của mình bằng cách đặt họ ở vị trí đằng trước là chướng ngại vật cần phải chiến đấu, sau lưng là con sông chảy xiết, họ bắt buộc phải tiến lên chiến đấu bằng cả mạng sống của mình.

Tương tự như vậy, trong quá trình thực hiện kế hoạch, bạn hãy loại bỏ tất cả những cám dỗ xung quanh như điện thoại, ti vi, đồ ăn vặt,.., đặt ra luật lệ giúp mình tập trung vào công việc hiện tại, hoặc bạn có thể tự rèn luyện tính tập trung bằng nhiều cách khác nhau.

  • Cam kết công khai:

Đó là phương pháp mà Elon Musk từng áp dụng khi ông công khai với cả thế giới rằng ông đang thực hiện một “Kế hoạch chủ đạo” (Tesla Master Plan) và ông đã không ngừng theo đuổi, thực hiện nó.

Tương tự, bạn có thể công khai kế hoạch mà bạn dự định hoàn thành cho bạn bè, mọi người biết để bản thân có động lực thực hiện, ảnh hưởng từ áp lực đám đông “làm phiền” nếu như bạn thất bại trong việc đạt được mục tiêu.

Nhưng mặt trái của việc này đó là đôi lúc, nói trước bước không qua. Vì thế hãy chắc chắn về kế hoạch của mình và cân nhắc kĩ càng trước khi thông báo công khai cho mọi người.

  • Cam kết tài chính:

Tim Ferriss có đề cập đến phần này trong cuốn The 4-Hour Body và The 4-Hour Chef, anh gọi sự cam kết ấy là “món tiền cá cược” và chúng thực sự tác động rất mạnh mẽ cho bạn thực hiện kế hoạch. Hãy yên tâm bởi bạn sẽ khó lòng mà trì hoãn hay lười biếng một khi có sự xuất hiện của “món tiền cá cược”.

Bạn chỉ cần đặt cược một món tiền (đủ để kích thích động lực thực hiện) trước mỗi mục tiêu bạn cần đạt được, sau đó nhờ một người đứng ra làm chứng cho bạn. Nếu bạn thất bại, bạn sẽ mất món tiền cho người bạn đó. Hoặc để thú vị hơn, hãy tìm một người bạn cùng đặt mục tiêu với mình và cả hai có thể cùng thi đấu với nhau (cạnh tranh lành mạnh), như vậy động lực sẽ tăng lên gấp bội mà còn tạo sự cạnh tranh thú vị nữa.

3. Bắt đầu tạo lập nguồn động lực khởi đầu  

Để bắt đầu tạo lập nguồn động lực mở đầu, có 3 bước “Tăng” cơ bản sau đây:

  • Tăng giá trị nhận thức của mục tiêu (hoặc kế hoạch, dự án,…) bằng cách hình dung rõ ràng, chân thực, mạnh mẽ về thành quả xứng đáng cuối cùng, kích thích nguồn năng lượng cảm xúc tích cực trong bạn.
  • Tăng niềm tin vào thành công bằng cách chia mục tiêu lớn ra thành những mục tiêu nhỏ dễ thực hiện, chỉnh sửa chi tiết cẩn thận sao cho mục tiêu được hoàn thành trọn vẹn nhất.
  • Tăng tính khẩn cấp của mục tiêu (kế hoạch, dự án,…) bằng cách tạo ra những yêu cầu kỉ luật riêng để bạn có thể bám sát vào nó và thực hiện. Bên cạnh đó bạn có thể dùng phương pháp đếm ngược xem mình còn cách đích đến bao xa.

4. Duy trì nguồn động lực trong quá trình thực hiện mục tiêu

Bắt đầu thì dễ dàng. Nhưng duy trì đến cùng mới là khó. Nên nhớ rằng mọi kế hoạch đều sẽ gặp phải Khoảng Trùng. Quan trọng nhất là đến khi đó, bạn phải quyết định con đường tiếp theo của mình. Đó là lựa chọn bỏ cuộc để làm những thứ khác, hay đó là lựa chọn tiếp tục chinh phục con đường đó bằng mọi cách?

Thực chất, sự xuất hiện của Khoảng Trùng chính là phép thử cho sự kiên trì và khả năng duy trì động lực của bạn. Hãy luôn vững vàng xây dựng động lực từ những bước đầu và phân tích kỹ lưỡng kết quả cuối cùng, đồng thời đảm bảo duy trì, nâng cao lý do để hành động tiếp tục thay vì từ bỏ.

a. Tăng lý do duy trì mục tiêu

  • Giữ vững xu hướng Kỳ vọng tích cực:

Một lý do khiến bạn mất động lực đó là sự suy giảm niềm tin (Kỳ vọng) vào thành công, dần dần bạn sẽ không còn đủ yếu tố kích thích đánh bật những sao lãng xung quanh để tiến gần tới đích đến, cho dù ở đó là phần thưởng đem lại giá trị xứng đáng cho người theo đuổi nó đến cùng.

Để giữ vững sự Kỳ vọng tích cực, hãy tự tạo cho mình những cơ hội giành lấy những chiến thắng nho nhỏ một cách thường xuyên để tái khẳng định khả năng đạt được thành công của mình. Teresa Amabile, giáo viên trường Havard, đồng thời là đồng tác giả cuốn The Progress Principle, gọi đây là “Nguyên tắc tiến bộ”. Nghĩa là, một trong những yếu tố thúc đẩy động lực, tăng nguồn cảm xúc và nhận thức chính là nỗ lực tiến bộ từng ngày trong mỗi công việc đầy ý nghĩa. Những người thường xuyên trải qua cảm giác đó thường sẽ sáng tạo và có năng suất làm việc hiệu quả hơn mỗi ngày. Trong bất cứ việc gì, chỉ cần một thành công nho nhỏ cũng đủ tác động mạnh đến cảm xúc và năng suất làm việc của họ.

Tâm trạng cũng là thứ ảnh hưởng đến công việc khá nhiều. Nếu một người có tâm trạng vui vẻ và tràn đầy động lực, khi ấy công việc sẽ diễn ra theo hướng tích cực hơn. Ngược lại, khi tâm trạng tiêu cực xuất hiện, bạn sẽ cảm thấy thiếu tự tin, thiếu động lực, từ đó khiến cho hiệu suất làm việc giảm sút hẳn, ảnh hưởng đến cả tiến trình công việc. Nguy hiểm hơn nữa, các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng tâm trạng tiêu cực còn có tác động mạnh mẽ hơn cả nhưng tâm trạng tích cực.

Như vậy, có 2 Vòng Động lực tác động đến thành quả và Kỳ vọng của bạn. Trong Vòng Động lực Tích cực, những thành công nhỏ mang lại Kỳ vọng về thành công lớn hơn, do vậy động lực được thúc đẩy nhiều hơn và lớn hơn:

Nhưng trong Vòng Động lực Tiêu cực, sự thất bại lại làm giảm rất nhiều sự Kỳ vọng vào thành công, kéo theo động lực từ đó cũng sa sút dần:

Để giải quyết vấn đề này, bạn hãy ghi nhớ bí quyết sau: đặt ra các mục tiêu nhỏ theo cấp độ gia tăng dần, đủ tạo cảm hứng, truyền động lực cho bạn kỳ vọng về khả năng thành công của mình. Tất cả những gì bạn cần làm chính là thiết lập quy trình thực hiện thật chi tiết thay vì thiết lập kết quả mục tiêu. Mặc dù, kết quả mục tiêu là thứ cần cho việc lập kế hoạch, nhưng nó không dành cho việc theo dõi tiến trình làm việc hàng ngày bởi sẽ rất khó để kiểm soát kết quả cuối cùng trong tầm tay. Bạn chỉ có thể kiểm soát những điều bạn làm sao cho bám sát với mục tiêu bạn muốn đạt được!

Ví dụ, thay vì thiết lập mục tiêu chung chung như “Học tiếng Tây Ban Nha”, bạn nên lập kết quả mục tiêu rõ ràng “Trong 3 tháng, tôi có thể giao tiếp được với người bản xứ khoảng 5 phút”. Sau đó, hãy thiết lập quy trình thực hiện như “dành 20 phút mỗi ngày học giao tiếp trên phần mềm hỗ trợ BaseLang/iTalki”.  “20 phút” vừa là khoảng thời gian cực kì hợp lý, vừa là yếu tố kích thích động lực cho bạn chinh phục trong tầm khả năng của mình, từ đó tạo nên Vòng Động lực Tích cực khi bạn hoàn thành đầy đủ và trọn vẹn mục tiêu nhỏ kia.

Vòng Động lực Tích cực này sẽ duy trì Kỳ vọng của bạn, khiến bạn ngày ngày mong đợi được thực hiện và chinh phục nó. Dần dần, nguồn động lực tạo nên thói quen sẽ ăn sâu vào tiềm thức, biến nó trở thành hành động vô thức của bạn.

  • Duy trì ý thức về giá trị sâu xa của kế hoạch:

Giá trị của kế hoạch quan trọng nằm ở những đích đến lớn cuối cùng mà bạn muốn đạt tới. Có thể bạn thấy “20 phút học tiếng Tây Bạn Nha mỗi ngày” là cái đích nhỏ (Giá trị nhỏ). Nhưng tích tiểu thành đại, chính chúng sẽ là những giá trị giúp cho bạn chinh phục đích đến cuối cùng của mình là giao tiếp thuần thục với người bản xứ (Giá trị lớn).

Thử thách đặt ra ở đây đó là làm thế nào để bạn có thể luôn giữ vững được phong độ, động lực chinh phục được mục tiêu mà mình đặt ra xuyên suốt quá trình tiến hành để đạt được thành quả xứng đáng nhất?

Nat Eliason, nhà sáng lập trang web marketing Growth Machine, đã chia sẻ phương pháp duy trì phong độ này của mình. Anh chia mục tiêu của mình thành 3 cấp độ khác nhau: Hàng quý, hàng tuần và hàng ngày. Mục tiêu hàng quý là những mục tiêu tầm cỡ và khá lớn, ví dụ như: hoàn thành một cuốn phác thảo đồ án, tăng trưởng doanh thu kinh doanh bản quyền cao cấp hơn 30.000$, đo lường hệ thống năng suất công việc. Từ những mục tiêu hàng quý đó, anh chia nhỏ cho những mục tiêu hàng tuần cũng như thiết lập mục tiêu hàng tháng để đảm bảo mình đang đi đúng hướng. Rồi từ những mục tiêu hàng tuần, anh lại tạo ra những mục tiêu nhỏ hàng ngày, được tính là hoàn thành vào thời điểm mỗi cuối ngày khi anh kết thúc công việc đó hoặc vào sáng hôm sau trước khi anh bắt tay vào công việc mới.

Bằng cách chia cấp quy trình thực hiện như thế này, anh vừa có thể theo dõi được tiến trình mỗi ngày của mình, vừa luôn được nhắc nhở sát sao về những mục tiêu hàng tuần mỗi khi anh đánh giá và kiểm kê bảng danh sách mục tiêu cần thực hiện của mình. Mọi mục tiêu từ nhỏ đến lớn đều được thực hiện với độ tập trung cao và nghiêm khắc.

Mỗi lần kiểm kê và đánh giá công việc của mình, anh luôn được nhắc nhở về mục tiêu lớn lao kia vẫn còn đang chờ đợi không xa ở phía trước, vẫn luôn thường trực trong tâm trí của anh và giữ anh gắn liền với con đường chinh phục mục tiêu ấy. Có nhiều cách để thực hiện công việc này, nhưng quan trọng là vẫn phải tập trung cao độ vào kế hoạch ban đầu bạn đặt ra. Nếu như bạn sao lãng, đang từ một nhiệm vụ chính này lại nhảy sang một công việc khác không mấy liên quan đến việc cung cấp thêm lợi ích cho kế hoạch ban đầu, bạn sẽ khó có thể duy trì và trụ vững lâu để hoàn thành mục tiêu ban đầu của mình.

Vì thế, luôn luôn tìm cách để nhắc nhở bản thân hãy tập trung quay về việc chính bởi thành quả lớn lao phía trước đang chờ mình ở rất gần thôi!

b. Giảm lý do ngừng chinh phục mục tiêu

Trong quá trình bắt đầu kế hoạch, thách thức lớn nhất bạn phải vượt qua đó là sự Trì hoãn: bắt tay thực hiện ngay bây giờ còn hơn muộn màng. Nhưng rồi để duy trì quá trình đó, thử thách tiếp theo bạn phải đối mặt chính là Cảm hứng nhất thời: tập trung 100%, không để bất cứ một cám dỗ nhỏ nào có thể làm bạn sao lãng trong công việc của mình. Có như vậy, bạn mới có thể ngưng làm những việc “khẩn cấp nhưng không quan trọng” thay vì nên làm những việc “quan trọng nhưng không khẩn cấp”.

  • Hình thành thói quen:

Càng chăm chỉ thực hiện thói quen đều đặn đến khi biến nó thành một thói quen vô thức hàng ngày, bạn càng dễ dàng duy trì nó và tiến tới thành công lớn hơn. Hãy tưởng tượng nó sẽ giống như thói quen bạn luôn luôn làm mỗi ngày mà chẳng cần đến sự nhắc nhở như: tỉnh giấc vào đúng giờ đó, tập thể dục, ăn uống,..

Bạn có biết đến cuốn sách The Power of Habit của Charles Duhigg có nhắc đến chuỗi quy trình hình thành một thói quen nào đó? Khi bạn thấu hiểu và hình thành được quy trình ấy cho mình, bạn sẽ chẳng cần phải suy nghĩ, kiểm tra lại và đắn đo nhiều xem hôm nay mình cần phải làm gì, như vậy bạn sẽ khó có thể từ bỏ mục tiêu của mình.

 Quá trình hình thành thói quen của não bộ là một vòng lặp 3 bước:

  • Đầu tiên, khi bắt đầu tạo thói quen mới, sẽ có một tín hiệu kích thích não bộ thông báo hành động đi vào vùng kích hoạt tự động và thường xuyên được làm lại nhiều lần.
  • Sau đó, những hành động này dần trở thành một thói quen, có thể có tác động mạnh đến thể chất, tinh thần hoặc cảm xúc
  • Cuối cùng, khi có phần thưởng cho mỗi hành động đó, não bạn sẽ càng ghi nhớ lâu sự việc tích cực này, biến nó trở thành vòng lặp đặc biệt và khuyến khích bạn không ngừng thực hiện nó

Giả sử mục tiêu của bạn là giảm 5kg. Bạn biết rằng chế độ ăn uống khoa học, có lợi cho sức khỏe sẽ có tác động tích cực. Vì thế, bạn bắt đầu xây dựng thói quen tự nấu bữa ăn tối 3 lần/tuần. Bạn đặt lịch đều đặn (Tín hiệu) để nhắc nhở bản thân hàng ngày, những ngày còn lại bạn chỉ ăn đồ ăn nhẹ (Tín hiệu/Thói quen), và duy trì trong vài tuần, không cần lo lắng về những gì mình ăn (Phần thưởng nhỏ).

Một khi hành động đã trở thành thói quen, sẽ rất dễ dàng để thay đổi nguyên liệu chế biến món ăn tốt cho sức khỏe hơn, thay vì duy trì cùng một lúc vừa hình thành thói quen nấu ăn, vừa hình thành thói quen ăn đồ tốt cho sức khỏe. Theo Duhigg, cách dễ nhất để thay đổi thói quen chính là giữ nguyên Tín hiệu và Phần thưởng và chỉ cần thay đổi Công việc thường lệ (ở đây chính là những nguyên liệu bạn chọn).

Đó chính là quy luật: Nếu giữ nguyên Tín hiệu và Phần thưởng, bạn có thể tự thay đổi Công việc thường lệ dễ dàng để chuyển thói quen. Hầu như, bất kì hành vi nào cũng có thể thay đổi được nếu duy trì giữ nguyên Phần thưởng và Tín hiệu.

Hay nếu như bạn thích ăn uống ở ngoài, hãy duy trì ăn một thứ ở cùng một chỗ mỗi ngày vào hàng trưa (hoặc sáng và tối), miễn là ăn đồ tốt cho sức khỏe. Sau đó bạn có thể thêm hoặc đổi đồ ăn tùy ý thích.

  • Dòng chảy Hạnh phúc – Đỉnh cao của sự đắm chìm trong công việc:

Bạn có muốn biết cách dễ nhất làm giảm Cảm xúc nhất thời của chính mình trong quá trình thực hiện kế hoạch là gì không? Đó chính là rơi vào “Dòng chảy Hạnh phúc”, một trải nghiệm và là một trạng thái say mê, đắm chìm hoàn toàn vào công việc mà bạn làm. Khi đã chìm đắm vào dòng chảy ấy, bạn sẽ chẳng phải lo lắng, thậm chí là chẳng còn cảm thấy những Cảm xúc nhất thời hay cám dỗ nào lởn vởn quanh mình nữa, chỉ còn sự miệt mài và tương tác cao độ với nhiệm vụ hiện tại.

Đã có 3 tác giả miêu tả trạng thái tâm lý này với những cách diễn giải riêng biệt.

Trong cuốn The Rise of Superman, tác giả Steven Kotler có mô tả rằng chúng ta ai cũng đã từng trải qua trạng thái dòng chảy này rồi mà không để ý. Đã bao giờ bạn từng có một buổi nói chuyện kéo dài hàng tiếng đồng hồ, hay say sưa làm một việc mà mình mê thích tới mức mọi thứ khác như bị lãng quên chưa? Đó chính là trạng thái dòng chảy ấy! Trong sự đắm chìm đó, bạn chỉ tập trung 100% toàn tâm toàn lực vào công việc đó thôi, mọi thứ xung quanh dường như mờ nhạt. Hành động và tâm trí hợp nhất làm một. Thời gian cứ việc trôi, chỉ còn bạn mải đắm chìm vào công việc đó thôi. Khi ấy, mọi hành động, mọi quyết định đều liền mạch trôi chảy và thật dễ dàng như dòng sông cuốn trôi theo dòng.

Còn trong cuốn Flow của Mihaly Csikszentmihalyi, tác giả tóm lại ý chính nhất của việc đạt được hiệu quả cao khi rơi vào trạng thái đó chính là cần phải xác định mục tiêu rõ ràng trước đó, luôn luôn cần những phản hồi liên tục và giữ cân bằng giữa thử thách và khả năng thực lực của bạn, vừa đủ làm mờ nhạt những Cảm xúc nhất thời ảnh hưởng đến công việc, vừa giữ cho bạn một tinh thần thoải mái nhất, tránh căng thẳng tiêu cực.

Còn Cal Newport thì gọi trạng thái đó với một thuật ngữ mang tên “Deep Work” (Làm việc sâu). Anh giải thích rằng: “Những việc làm chuyên nghiệp thường đòi hỏi trạng thái tập trung cao độ mà không hề có bất kì sự sao lãng nào, khiến cho khả năng nhận thức của bạn đạt đến cực hạn. Từ đó, những giá trị mới được hình thành, kĩ năng được cải thiện lên đáng kể và khó bị sao chép.”.

  • Đặt mục tiêu liền kề:

Thách thức kế tiếp mà bạn sẽ phải đối mặt chính là sự mông lung rằng mình sẽ làm gì tiếp theo sau khi đã hoàn thành xong những mục tiêu gia tăng của mình. Khi ấy, bạn sẽ dễ dàng trì hoãn hoặc lãng phí thời gian vì không còn cảm thấy sự cấp thiết như trước đây, mục tiêu và thời hạn cũng không còn rõ ràng nữa.

Để tránh điều này, hãy đặt những mục tiêu liền kề nhau ngay từ khi bắt đầu thay vì chỉ chọn mỗi một nhiệm vụ. Viết ra những bước đầu tiên rất quan trọng, nhưng đừng chỉ tập trung quá vào mỗi bước đầu tiên. Đặt ra những nhiệm vụ liền kề sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian trống giữa những nhiệm vụ đã hoàn thành xong.

  • Duy trì năng lượng:

Muốn  duy trì động lực nhất thiết cần phải có đủ nguồn năng lượng. Nếu bạn mệt mỏi, đói bụng, sức khỏe không cân bằng, như vậy sẽ rất khó để tập trung cao độ vào công việc một cách tốt nhất. Vì thế, dù có làm gì, quan trọng sức khỏe vẫn là trên hết:

  • Đảm bảo ngủ đủ giấc (8 tiếng/ngày, dậy đúng giờ, không gian nghỉ ngơi phù hợp,…)
  • Không sử dụng các chất kích thích có hại (rượu, bia,…)
  • Dùng ít đường
  • Đi bộ, tập thể dục đều đặn
  • Ăn đủ dưỡng chất, cân bằng lượng tiêu thụ
  1. Tổng kết

Qua những thông tin trên, chúng ta có thể xây dựng một hệ thống tổng quan đơn giản về bộ máy tạo động lực hỗ trợ cho quá trình thực hiện hóa mục tiêu của bạn một cách tối ưu nhất.

Điều đầu tiên, xác định mục tiêu chính của mình. Bạn cần động lực để bắt đầu, hay là một động cơ để tiếp tục?

Nếu là động lực để bắt đầu, bạn hãy:

  • Xác định vị trí, phân chia rõ ràng các giá trị từ thấp đến cao để bắt đầu thực hiện
  • Đặt ra những mục tiêu nhỏ, dễ đạt được để tạo động lực bắt tay vào việc
  • Đặt thời hạn thúc đẩy cho mục tiêu đầu tiên vừa đủ, không quá lâu hoặc quá vội vàng
  • Tự cam kết với chính mình bằng một Vật Cam kết

Nếu là động cơ để tiếp tục, bạn hãy:

  • Tiếp tục thiết lập các mục tiêu nhỏ trung gian mà bạn có thể đạt được
  • Thường xuyên nhắc nhở bản thân về tầm nhìn lớn đang chờ đợi trước mắt mỗi khi bắt tay vào việc chinh phục những mục tiêu nhỏ hàng ngày
  • Xây dựng thói quen hữu ích trong quá trình thực hiện mục tiêu giúp bạn gắn bó với công việc
  • Tìm một dấu ấn hấp dẫn trong quá trình để có thể lôi cuốn bạn thực hiện
  • Xác định rõ ràng mục tiêu liền kề để định hướng con đường tiếp theo cho mình
  • Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh để có thể cung cấp nhiều năng lượng nhất cho cơ thể, phục vụ cho quá trình kiến tạo động lực

Mong rằng những quy trình này sẽ là hành trang hữu ích nhất cho hành trình vượt qua Khoảng Trùng, chinh phục mọi mục tiêu của bạn.

Người dịch CTV Alice + Biên tập bởi Edward

*Sản phẩm độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng

Theo nguồn Nat Eliason: https://www.nateliason.com/motivation

 

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+