Hãy để tôi bắt đầu bằng một câu hỏi: Làm cách nào bạn biết một người có đang nói dối hay không? Nếu giống đa số mọi người, câu trả lời đầu tiên của bạn đại loại sẽ là “Người nói dối không dám nhìn vào mắt ta.” Trong một khảo sát trên 2.520 người trưởng thành tại 63 quốc gia, có 70% số người trả lời như trên. Người ta cũng có xu hướng liệt kê những dấu hiệu được cho là “bán đứng” người nói dối, ví dụ như đứng ngồi không yên, căng thẳng và nói huyên thuyên.
Việc đánh giá sự thành thật của một người không phải là xác định một dấu hiệu rập khuôn như đứng ngồi không yên hay ánh mắt né tránh. Thay vào đó nó liên quan đến khả năng ta phối hợp các kênh truyền thông của biểu cảm gương mặt, điệu bộ, cử động, giọng nói, lối diễn đạt.
Khi ta không chân thật – có cảm xúc giả tạo hoặc che giấu cảm xúc thật – các hành vi phi ngôn từ và lời nói bắt đầu lệch pha với nhau. Biểu cảm của ta không tương thích với những gì ta đang nói. Tư thế của ta cũng không hài hòa với lời nói của ta. Những hành vi đó không còn hòa hợp nhau nữa mà trở nên lộn xộn.
Ý tưởng này cũng không thật sự mới mẻ. Thật ra, Darwin đã từng đề cập rằng: “Một người đàn ông khi hơi tức giận, hoặc thậm chí là khi nổi điên, có thể điều khiển chuyển động của cơ thể, nhưng… cơ mặt vốn là cơ bắp ít co giãn theo ý muốn, đôi khi sẽ làm tiết lộ một cảm xúc nhẹ và thoáng qua.”
Khi mọi người nói dối, họ phải “tung hứng” nhiều câu chuyện: việc họ biết là sự thật, việc họ mong thành sự thật, việc họ đang thể hiện như là sự thật, và tất cả những cảm xúc đi kèm với mỗi câu chuyện – nỗi sợ hãi, tức giận, ăn năn, hy vọng. Trong suốt khoảng thời gian đó, họ cố cho thấy một hình ảnh đáng tin cậy về bản thân, hoạt động vốn đột nhiên trở nên cực kỳ khó khăn. Niềm tin và cảm xúc của họ đang xung đột với nhau và với chính nó. Việc kiểm soát tất cả những sự xung đột này – cả có ý thức và vô thức, tâm lý và sinh lý – khiến người ta xa rời hiện tại.

Nói một cách đơn giản là nói dối – hay không chân thật – là một việc rất khó. Ta đang kể lại một câu chuyện trong khi phải giữ kín một câu chuyện khác, và như thể điều đó chưa đủ phức tạp, đa số chúng ta còn trải qua mặc cảm tội lỗi vì đã nói dối, một cảm giác mà ta cũng đang cố đè nén. Ta không có đủ năng lực tư duy để có thể kiểm soát hết thảy những điều trên mà không bỏ sót vài thứ – không “lộ tẩy”.
Nói dối và lộ tẩy luôn đi đôi với nhau. Trên thực tế, một cách hiểu những dấu hiệu nhận biết nói dối kinh điển chính là đó là các dấu hiệu che đậy thường gặp. Như lời giải thích của nhà tâm lý học xã hội và chuyên gia về lừa đảo Leanne ten Brinke: Những kẻ dối trá buộc phải duy trì sự hai mặt của họ bằng cách tạo các biểu cảm giả tạo cho phù hợp với lời nói dối, và cố che đậy cảm xúc thật. Ví dụ, một nhân viên nói dối phải thể hiện sự đau buồn một cách thuyết phục khi anh ta giải thích với sếp rằng mình sẽ không thể đi làm vì phải dự tang lễ của người dì ở ngoại ô, đồng thời phải kiềm nén cảm xúc phấn khích về kế hoạch thật sự là kéo dài kỳ nghỉ với bạn bè.
Trong quyển sách nổi tiếng Telling Lies, chuyên gia về cảm xúc Paul Ekman đưa ra ý kiến rằng những lời nói dối không tránh khỏi bị lộ tẩy và một người có thể học được phương pháp phát hiện những thông tin này bằng cách quan sát biểu cảm và những hành vi phi ngôn ngữ khác nhờ rèn luyện cao độ. Ông cho rằng ta nên đặc biệt tìm kiếm những sự bất hợp lý giữa điều đối phương đang làm và điều họ đang nói.
Để nghiên cứu việc này, ten Brinke và cộng sự đã phân tích gần 300 ngàn khung hình quay cảnh mọi người thể hiện cảm xúc ăn năn thật sự và giả vờ ăn năn đối với những tội lỗi có thật. Những người thể hiện cảm xúc ăn năn thật sự thì diễn đạt cảm xúc trơn tru thông qua lời nói và hành vi phi ngôn ngữ. Còn hành động giả vờ ăn năn, mặt khác, lại có vẻ không ổn định và hỗn loạn: người tham gia cho thấy nhiều cảm xúc đối nghịch nhau, cũng như ngập ngừng một cách không tự nhiên. Những nhà nghiên cứu gọi những biểu hiện dối trá này là “sự bất ổn về cảm xúc”.
Một trong những nghiên cứu lý thú nhất về tâm lý học của sự lừa đảo được thực hiện bởi nhà tâm lý học thuộc đại học Harvard Nancy Etcoff và cộng sự. Hóa ra việc phát hiện chính xác lời nói dối cũng chỉ là may rủi, mặc dù đa số chúng ta nghĩ mình giỏi việc này. Etcoff lí luận rằng đó có thể là vì khi ta cố gắng tìm sự giả tạo, ta quá chú ý vào ngôn ngữ – đến nội dung của câu chuyện mà một người đang diễn đạt. Etcoff quyết định xem xét đến số người không thể để ý đến ngôn ngữ: những người mắc chứng mất ngôn ngữ, chứng rối loạn xử lý ngôn ngữ vốn làm tổn hại trầm trọng đến khả năng não hiểu từ ngữ.
Trong nghiên cứu, tất cả những người mắc chứng mất ngôn ngữ chịu tổn thương ở vùng bán cầu não trái, khu vực não liên quan mạnh mẽ đến ngôn ngữ, khả năng hiểu và tạo ra lời nói. Etcoff so sánh những người này với những người chịu tổn thương ở bán cầu não phải (không liên quan đến ngôn ngữ, khả năng hiểu và tạo ra lời nói) và những người hoàn toàn khỏe mạnh.
Tất cả được cho xem một băng video có 10 người lạ đang nói. Những người này nói hai lần: ở một đoạn, họ nói dối, và trong đoạn kia họ lại nói thật. Những người mắc chứng mất ngôn ngữ, vốn không thể xử lý hiệu quả những từ được nói ra trong các đoạn tự thuật, lại có khả năng phát hiện nói dối tốt hơn so với hai nhóm còn lại, cho thấy việc chăm chăm vào từ ngữ có thể làm suy giảm khả năng phát hiện nói dối của chúng ta.
Tương tự những phát hiện trên, trong một cặp thí nghiệm gần đây, ten Brinke và cộng sự đã cho thấy rằng con người, giống những loài linh trưởng, có thể phát hiện nói dối tốt hơn thông qua những phần vô thức trong não. Còn những phần có ý thức lại tập trung vào ngôn ngữ và bị lừa. Những phát hiện này gợi ý rằng càng lưu tâm đến những dấu hiệu về ngôn ngữ mà ta vốn tin nó cho thấy sự không thành thật, thì ta lại càng có ít khả năng phát hiện ra những dấu hiệu phi ngôn ngữ thật sự lật tẩy sự dối trá.
Rõ ràng chúng ta dễ dàng nói dối bằng ngôn từ hơn là bằng những điệu bộ đi kèm với lời nói. Mặt khác, khi ý thức tìm kiếm những dấu hiệu của sự lừa đảo hoặc sự thật, ta quá chú ý vào ngôn từ và không tập trung đủ đến những tín hiệu không lời về sự việc đang diễn ra. Ta cũng làm vậy khi lựa chọn cách để thể hiện bản thân: quá chú trọng đến từ ngữ mình đang nói, và quên mất những gì mà phần còn lại của cơ thể mình đang thể hiện, khiến ta không còn giữ được sự nhịp nhàng giữa lời nói và cử chỉ. Khi ngừng cố gắng kiểm soát mọi tiểu tiết, điệu bộ của ta sẽ trở nên hài hòa. Phương pháp này thật sự hữu hiệu. Nghe có vẻ nghịch lý khi gợi ý rằng chúng ta cần phải chú ý đến cơ thể để có thể hành động một cách tự nhiên, nhưng rồi bạn sẽ thấy, hai thứ này thực tế lại song hành nhau.
Sự thật được tiết lộ rõ ràng thông qua hành động hơn so với ngôn từ. Như lời của vũ công vĩ đại người Mỹ Martha Graham, “Cơ thể diễn đạt được những điều mà ngôn từ không thể.” Bà còn nói, “Cơ thể không bao giờ nói dối.” Rõ ràng việc không thành thật không giống như việc cố ý lừa đảo ai đó, nhưng kết quả lại có vẻ giống nhau. Việc có các hành vi phi ngôn từ không trùng khớp với lời nói tạo ấn tượng chẳng khác gì việc cố tình dối gạt đối phương. Càng xa rời hiện tại, ta càng thể hiện tệ hơn. Hai yếu tố này củng cố lẫn nhau.
Trên thực tế, ta có thể bị đánh lừa làm mất tự tin và thể hiện không tốt trước khán giả vì sự phản hồi lệch pha, tình huống đã được các nhà khoa học áp dụng trong các công trình nghiên cứu. Các nghệ sĩ phụ thuộc nhiều vào âm thanh phản hồi đồng bộ với bài biểu diễn của họ – lắng nghe bản nhạc của mình trong lúc chơi nó. Khi đeo vào tai nghe phát bản nhạc đã bị các nhà nghiên cứu chỉnh cho lệch nhịp, người này thấy mất tự tin vào khả năng của mình và trở nên mất tập trung do cố gắng hiểu sự mất đồng bộ, từ đó ảnh hưởng đến màn trình diễn của họ.
Sự kết nối với hiện tại thể hiện qua việc phản hồi đồng bộ giữa lời nói và cử chỉ. Nó bắt nguồn từ niềm tin vào câu chuyện của mình. Khi không tin câu chuyện của mình, ta không thật sự là chính mình – ở một mặt nào đó, ta đang lừa dối bản thân và những người khác. Và sự lừa dối này dễ bị người khác phát hiện khi lòng tự tin của ta lung lay và ngôn từ cũng như hành vi phi ngôn từ của ta mâu thuẫn nhau. Người ta không nghĩ rằng, “Anh ta là một kẻ dối trá.” Mà họ nghĩ rằng, “Có gì đó không hợp lý. Mình không thể hoàn toàn tin tưởng vào người này.” Như Walt Whitman nói, “Ta thuyết phục người khác thông qua bộ dạng của mình,” và để thuyết phục người khác thì ta cần thuyết phục chính mình.
Tác giả: Amy Cuddy
Nguồn: UBrand.cool