Bí Quyết Tâm Lý Sử Dụng Nháp Trong Phòng Thi

[ga_bqttc]

Đi thi ai cũng được phát nháp, nhưng không phải ai cũng biết cách dùng nháp hiệu quả để tận dụng tối đa công dụng của nháp. Cho dù đó là bạn thi môn tự nhiên hay môn xã hội, bài viết này sẽ chia sẻ một vài cách dùng nháp hiệu quả khi đi thi có thể áp dụng nhanh, kết quả tức thì cho các sĩ tử.

Trước hết, bạn phải nắm được nguyên lý: không ai cấm bạn xin nháp trong phòng thi. Cho dù là xin nhiều, cũng không ai cấm bạn xin nháp, ngay cả đối với những môn như môn Văn, Sử, Địa. Và càng không ai cấm bạn vừa làm bài thi ngay lập tức đã xin thêm nháp.

Với các môn xã hội, có thể bạn không nháp nhiều. Bạn chỉ dùng nháp để lập dàn ý thôi, hoặc để thống kê lại một số kiến thức. Vậy nhưng, những môn này có một đặc thù, đó là nếu bạn trình bày chữ nắn nót, đẹp đẽ thì bài làm của bạn ít nhiều cũng được giám khảo cảm tình hơn. Nếu bạn đi thi chỉ có 1 tờ giấy thi và 1 tờ nháp, khi bạn kê lên, bạn sẽ viết khó khăn hơn. Chính vì thế, những môn này bạn nên có ít nhất là 2 tờ nháp, mục đích chính là để kê, viết chữ cho êm, cho cẩn thận. Do vậy khi thi Văn, làm bài tầm 15 phút, bạn xin thêm 1 tờ nháp, xin thêm 1 tờ giấy thi có thể cả phòng sẽ há hốc mồm, còn bạn thì biết lý do rồi đấy. Ngay cả việc xin thừa thì cũng đâu có sao.

Đối với các môn tự nhiên, cách bạn sử dụng nháp sẽ như thế nào? Chúng ta sẽ lấy ví dụ với môn Toán. Thông thường, khi làm kiểm tra Toán, bạn sẽ làm câu nào trước? Chắc không cần suy nghĩ ai cũng có thể trả lời là làm bài dễ trước, bài khó sau đúng không. Đương nhiên là vậy, nhưng cách bạn trình bày lời giải các câu trong đề thi sẽ như thế nào? Bạn trình bày câu nào trước vào trong tờ giấy thi? Đến đây sẽ có nhiều sự khác biệt.

Cho dù bạn là một người học giỏi Toán hay là học dở Toán thì những kinh nghiệm làm kiểm tra Toán sau đây sẽ cực kỳ hữu ích cho bạn.

Với đề thi THPT Quốc Gia, nhiều bạn thường sau câu hàm số, bạn chuyển sang thấy câu nào dễ thì bạn làm tiếp vào, đó có thể là câu lượng giác hoặc câu số phức, hoặc một câu nào đó nằm trong nhóm những câu bạn dễ dàng làm được ngay. Vậy, thứ tự các câu bạn trình bày vào trong bài thi sẽ là như thế nào nếu như đề bài có 10 câu? Có thể là 1-3-9-2-5-6-7-8-…. tùy đề đúng không.

Bạn có thấy, với một đề Toán rất dài, thường khoảng 10 câu, mỗi câu bạn trình bày ít nhất cũng khoảng nửa mặt giấy cho đến 2/3 trang giấy, thì khi thể hiện lên trên giấy thi, ít nhiều cũng phải 3 tờ giấy thi.

Nếu bạn làm theo một thứ tự đảo lộn như vậy, những khó khăn gì có thể xảy ra?

– Khi bạn kiểm tra lại bài làm, bạn không biết thứ tự ở đâu, rất mất thời gian để kiểm tra lại. Chưa kể, chẳng may lại còn bị thiếu bài mình chưa làm.

– Khi giám khảo chấm bài do thầy cô phải chấm hàng trăm, hàng nghìn bài thi, nên việc thứ tự bài làm đảo lộn như vậy sẽ khiến thầy cô khó tìm, dẫn đến việc chấm thiếu câu của các bạn. Chuyện chấm thiếu vì khó tìm hoặc đếm nhầm câu là hoàn toàn có thể xảy ra.

Do vậy, hãy áp dụng những mẹo rất đơn giản sau về thứ tự trình bày bài thi:

Về thứ tự làm bài, bạn vẫn làm bài dễ trước, bài khó sau. Nhưng thứ tự trình bày vào trong bài thi, bạn nên trình bày theo thứ tự từ đầu đến cuối. Giả sử 1-2-3-…-9-10. Để làm được điều đó, rất đơn giản, bạn ước lượng độ dài mỗi bài. Giả sử như sau:

– Tờ giấy thi số 1: Làm các câu 1-2-3

– Tờ giấy thi số 2: Làm các câu 4-5-6

– Tờ giấy thi số 3: Làm các câu 7-8-9-10

Trong từng tờ, bạn cũng chia thứ tự lần lượt như vậy.

Việc bạn làm như này sẽ chắc chắn một điều bài làm của bạn rất thoáng, khi bạn kiểm tra lại vô cùng dễ dàng. Giám khảo chấm lướt qua bài làm cũng biết được thứ tự của bạn. Vì nếu bài thi giữa các câu bạn để một khoảng trống thì cũng chẳng ai trừ điểm của bạn cả, cho nên bạn cứ yên tâm như vậy nhé. Khi làm theo cách này, có thể bạn làm xong câu 1, câu 2. Bạn thấy câu 9 rất dễ, thì bạn xin luôn giấy thi, giám thị không cấm việc bạn xin giấy thi sớm. Việc này còn có tác dụng là bạn có giấy kê để viết chữ đẹp hơn.

Với các môn tự nhiên, rất có thể bạn sẽ phải sử dụng nhiều nháp. Lưu ý bạn đừng nháp ra đề, vì đề thi diện tích không rộng, bạn chỉ nên ghi chú kết quả hoặc một vài phương hướng thôi, chứ đừng nháp tràn lan ra đó. Có một mẹo giúp bạn sử dụng nháp như sau: bạn hãy nháp theo thứ tự.

Với các môn tự nhiên khác thì thì cách sử dụng nháp cũng thế, bạn cũng nên nháp theo thứ tự. Ví dụ tờ nháp với môn Vật lý, giả sử bạn phải làm 50 câu. Tờ nháp 01, mặt số 01, bạn dành để nháp từ câu 01-10; mặt số 02, bạn dành để nháp từ câu 11-20; mặt số 03, bạn dành để nháp từ câu 31-40,.. cứ thế cứ thế sắp xếp là tùy bạn.

Cách bạn nháp như này có một điểm cực kì ưu việt, đó là nó phục vụ khi bạn kiểm tra lại bài làm. Khi bạn kiểm tra lại bước làm, kết quả, bạn biết rất rõ phần nào tôi nháp câu nào, ở vị trí nào. Khi đó bạn dễ dàng kiểm tra nháp để tiếp tục giải quyết những bài chưa làm được hoặc kiểm tra lại những bài đã làm được rồi.

Với kinh nghiệm sử dụng nháp đó, chúc các bạn sẽ có những tờ nháp cực kì bá đạo để thi thật tốt.

*Tổng hợp bởi Tâm lý học ứng dụng

[ga_bqttc]

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+