Bí quyết nuôi dưỡng tình yêu đích thực

[ ]

Tình yêu đích thực là chủ đề “nóng hổi” suốt hàng thế kỷ. Những người đa nghi thường thề rằng tình yêu đích thực không tồn tại, trong khi những người lãng mạn hết thuốc chữa thì nghĩ ai cũng nên bắt đầu đi tìm tình yêu đích thực duy nhất của đời mình. Khi khoa học ngày nay cho thấy rằng tình yêu đích thực không chỉ tồn tại mà còn có thể kéo dài suốt đời, chúng tôi quyết định xem xét những yếu tố tâm lý giúp tình yêu đích thực đơm hoa kết trái hoặc khiến nó lụi tàn.

Hãy bắt đầu bằng việc định nghĩa thế nào là tình yêu đích thực:

Tình Yêu Đích Thực Là Gì?

Tiến sĩ Lisa Firestone, đồng tác giả cuốn Sex and Love in Intimate Relationships, thường nói rằng cách tốt nhất để định nghĩa tình yêu là xem nó như một động từ. Yêu là một hành động tiếp diễn và người ta cần phải hành động để tình yêu đâm chồi nảy lộc. Như Tiến sĩ Firestone có viết, “Thông thường chúng ta dành thời gian lo lắng về cảm giác của người bạn đời đối với mình hoặc không biết người ngoài nhìn nhận mối quan hệ này ra sao. Cho dù cảm thấy hạnh phúc khi được yêu thương, mỗi chúng ta cũng chỉ có thể thực sự cảm nhận được cảm giác yêu thương mình dành cho người khác chứ không thể cảm nhận ngược lại. Để kết nối và nuôi dưỡng những cảm xúc yêu thương đó trong ta, ta phải thực hiện những hành động biểu lộ yêu thương. Nếu không, có lẽ là ta đang sống trong ảo tưởng.”

Việc chấp nhận sự thật rằng người duy nhất mà ta có thể kiểm soát trong một mối quan hệ chính là bản thân mình tuy đôi khi làm ta chán nản, nhưng thực sự lại khá hữu ích. Ta có nửa phần trách nhiệm trong mối quan hệ. Do đó, ta có thể chọn thực hiện những hành vi phá hoại nó hoặc chọn biểu lộ tình yêu thương, lòng trắc ẩn, sự yêu mến, tôn trọng và sự tử tế. Để ý thức và luôn lựa chọn những hành vi biểu lộ cảm xúc tích cực trên, ta cần xem xét những đặc điểm thiết yếu trong việc duy trì tình yêu đích thực, được tìm ra bởi Tiến sĩ Robert và Lisa Firestone trong hơn 30 năm nghiên cứu các cặp đôi.

Hai cha con nhà nghiên cứu này đã tạo ra một công cụ gọi là “Biểu đồ Tương tác Cặp đôi”, so sánh những đặc điểm của một mối quan hệ lý tưởng với những đặc điểm của thứ mà Tiến sĩ Robert gọi là “liên kết ảo”. Liên kết ảo là một “ảo giác về sự kết nối và gần gũi [cho phép các cặp đôi] duy trì tưởng tượng về tình yêu và sự âu yếm trong khi vẫn giữ khoảng cách về cảm xúc.” Một liên kết ảo được hình thành khi các cặp đôi thay tình yêu đích thực và sự gần gũi bằng một mối quan hệ chỉ dựa vào bề ngoài. Kết nối này làm giảm cảm giác hứng khởi và hấp dẫn giữa hai người với nhau.

Phân Biệt Tình Yêu Đích Thực Và Kết Nối Ảo Tưởng

1. Cởi mở so với Xù lông nhím

Để duy trì sự gần gũi, các cặp đôi cần phải cởi mở với nhau, nghĩa là sẵn sàng lắng nghe góp ý từ đối phương mà không thấy mất lòng. Tiến sĩ Lisa khuyên các cặp đôi hãy tìm hiểu đúng ý trong câu nói của bạn đời. Sự thật đó có thể cho biết một gợi ý quan trọng về những hành động ta vô tình thực hiện khiến hai người xa cách nhau. Cho dù ta không đồng tình với mọi điều đối phương nói, việc ta lắng nghe sẽ tự khiến họ cảm thấy mình được xem trọng và được quan tâm. Mặt khác, việc trừng phạt bạn đời vì họ thẳng thắn và thành thật sẽ kìm hãm mọi cơ hội giao tiếp.

2. Đón nhận cái mới so với Bảo thủ

Một mối quan hệ sẽ đâm chồi nảy lộc khi cả hai người đều kết nối với phần bản tính sôi nổi, cởi mở và dễ tổn thương của mình để chào đón những trải nghiệm mới. Ta không cần phải yêu thích và tham gia làm mọi điều mà bạn đời thích, nhưng việc cùng thực hiện những hoạt động, thăm thú những địa điểm mới và thay đổi những hoạt động hàng ngày thường sẽ thổi luồng gió mới vào mối quan hệ, khiến cả hai cảm thấy hứng khởi hơn.

3. Thành thật so với Gian dối

Nói thật là một trong những bài học đầu tiên mà hầu hết chúng ta được dạy khi còn nhỏ. Tuy nhiên, khi trưởng thành, ta có thể gặp phải rất nhiều sự gian dối trong những mối quan hệ thân thiết nhất của mình. Khi lừa dối bạn đời, ta đã gây tổn thương cho họ, cho mối quan hệ và cho chính bản thân ta. Để thực sự mở lòng với bạn đời, ta phải tin tưởng họ và điều này chỉ có thể đạt được bằng sự thành thật.

4. Tôn trọng giới hạn, ưu tiên và mục tiêu của đối phương so với Vượt quá giới hạn

Để tránh liên kết ảo, ta cần phải xem đối phương là một cá thể riêng biệt. Nghĩa là hãy tôn trọng họ như một cá nhân độc lập và duy nhất. Thông thường, các cặp đôi có xu hướng đảm nhận vai trò hoặc nắm quyền trong mối quan hệ. Ta bảo đối phương phải làm gì hoặc hành động thế nào, hoặc thay mặt và nói về họ theo lối kìm kẹp hoặc ra lệnh. Về cơ bản, ta xem bạn đời là một phiên bản mở rộng của mình thay vì là một người riêng biệt. Kết quả là thật ra ta đã hạn chế sức hấp dẫn của họ. Như Tiến sĩ Lisa có nói, “Ta xem bạn đời như cánh tay phải của ta. Khi đó, cảm giác hứng thú của ta đối với họ chỉ giống như đối với cánh tay phải.”

5. Âu yếm so với Sự lạnh nhạt

Âm yếm chiếm một phần lớn trong cách chúng ta biểu lộ tình yêu. Khi loại bỏ hoàn toàn yếu tố này, ta có xu hướng khiến mối quan hệ trở nên mờ nhạt. Nó làm suy yếu tình cảm giữa ta và bạn đời. Tình dục có thể trở thành một thói quen hoặc chuyện thường ngày và kết quả là cả hai người đều thấy xa cách hơn và bớt thỏa mãn đi. Giữ lửa cho tình yêu nghĩa là giữ cho một phần trong bạn cảm thấy mong muốn được âu yếm, đồng thời sẵn sàng cho và nhận nó.

6. Thấu hiểu so với Hiểu lầm

Thật dễ áp đặt suy nghĩ của mình cho bạn đời hoặc hiểu lầm điều họ nói, rồi từ đó khiến mình bị tổn thương theo những cách mà ta quen thuộc. Ta cũng dễ sa lầy trong quan điểm của chính mình mà không xem xét từ quan điểm của họ. Chúng ta luôn luôn sẽ là 2 cá thể khác nhau có 2 luồng tư duy, do đó chúng ta không phải lúc nào cũng ”tâm đầu ý hợp”. Tuy nhiên, quan trọng là bạn phải thực sự cố gắng hiểu bạn đời. Khi họ cảm thấy được tôn trọng và thấu hiểu, cảm xúc tiêu cực của họ sẽ dịu đi rất nhiều và họ cũng sẽ thấy được quan điểm của ta.

7. Không kiểm soát, không thao túng và không đe dọa so với Thống trị và phục tùng

Nhiều cặp đôi thấy mình bị kẹt trong mối quan hệ mà một bên thì như trẻ con, một bên thì hay ra lệnh. Người này chờ người kia hướng dẫn, sau đó lại bực bội vì bị dạy bảo phải làm gì. Hoặc một người cố kiểm soát tình huống, rồi lại phàn nàn rằng đối phương vô trách nhiệm, trẻ con hoặc thụ động. Để một mối quan hệ tràn ngập tình yêu thương, cả hai phải bình đẳng. Khi một người cố kiểm soát hoặc thao túng người kia, dù là bằng cách gào thét hay cản trở và đóng vai người bị hại, thì sẽ không ai trong cả hai có được mối quan hệ giàu tình yêu thương, trưởng thành và bình đẳng.

Làm Thế Nào Để Xây Dựng Mối Quan Hệ Dựa Trên Tình Yêu Đích Thực?

Bây giờ ta đã biết những đặc điểm của tình yêu đích thực, vậy làm thế nào để ta bắt đầu từng bước xây dựng một mối quan hệ tình cảm gắn bó hơn? Đầu tiên, quan trọng là bạn phải thừa nhận rằng cho dù có những khác biệt rõ ràng giữa tình yêu đích thực và liên kết ảo, nhiều người vẫn nhầm lẫn chúng với nhau. Thậm chí họ còn thích ảo hơn thực, vì tỏ ra gắn kết với một người thì ít đau khổ hơn là thực sự gắn kết với người đó.

Nhiều người trong chúng ta quá xem trọng những câu chuyện cổ tích, những yếu tố bề nổi hoặc vẻ ngoài của mối quan hệ (ví như mối quan hệ trông thế nào so với cảm giác của ta về nó thế nào). Ta có thể phải lòng ảo ảnh mà mối liên kết hoặc sự an tâm tạo ra, nhưng ta lại không cho mình quá gần gũi với đối phương. Đó là vì dù hầu hết mọi người đều cho rằng mình muốn yêu, thật ra họ lại thường làm những hành động xua đuổi tình yêu. Đó là lý do vì sao bước đầu tiên để đạt được tình yêu đích thực là hiểu rõ và thách thức “rào cản” của chính mình.

1. Thách thức “rào cản” ngăn chặn tình yêu đích thực

Nhiều người vô thức sợ sự thân mật. Ta có thể chấp nhận việc tìm được tình yêu trong ảo tưởng nhưng lại thường xuyên không chịu được việc ước mơ trở thành hiện thực. Tiến sĩ Robert cho rằng việc được ai đó yêu sẽ đe dọa đến cơ chế phòng vệ của chúng ta và đánh thức những nỗi đau tinh thần và sự lo lắng thuở ấu thơ. Ông cho rằng yêu thương và được yêu thương có xu hướng làm gián đoạn những cách tư duy tiêu cực nhưng quen thuộc mà ta áp dụng cho bản thân mình. “Một cách vô thức, chúng ta có thể cảm thấy rằng nếu không đẩy tình yêu ra xa thì cả thế giới mà mình đã trải qua sẽ vỡ tan và ta sẽ không biết mình là ai nữa.”

Vì những lý do này, trở ngại lớn nhất ngăn cản ta tìm và duy trì quan hệ yêu đương thường là chính bản thân ta. Ta phải biết mình đang dùng ”rào cản” nào để tránh né tình yêu. Ví dụ như nếu lớn lên trong hoàn cảnh bị hắt hủi, ta có thể cảm thấy lo lắng về việc quá gần gũi với người khác. Có thể ta không cảm thấy thực sự tin tưởng hay trông cậy vào đối phương, do đó, ta sẽ hoặc là đeo dính, hoặc là né tránh họ. Cả 2 cách đều dẫn đến hậu quả là sự xa cách.

Nếu cảm thấy mình bị chỉ trích hoặc ghét bỏ khi còn nhỏ, ta có thể gặp vấn đề thiếu tự tin hoặc cảm thấy mình không có giá trị trong mối quan hệ. Ta có thể tìm kiếm những người khiến mình có cảm giác tiêu cực nhưng quen thuộc đó, hoặc sẽ không bao giờ hoàn toàn chấp nhận tình yêu mà đối phương dành cho mình vì nó đe dọa đến quan điểm hình thành từ sớm này của ta.

Nếu cảm thấy bị xâm phạm tự do cá nhân khi còn nhỏ hoặc nếu có ba mẹ luôn bị “khát” cảm xúc, ta có thể tránh né những tiếp xúc thân mật hoàn toàn và thu mình trong vỏ ốc, hoặc có thể vô thức tìm kiếm những người lệ thuộc vào ta để được đáp ứng toàn bộ nhu cầu và mong muốn của họ. Cả hai trường hợp cực đoan này đều tạo nên những mối quan hệ thiếu sự gần gũi và thân mật thật sự.

Tin tốt là chúng ta có thể bắt đầu phá vỡ những xu hướng quan hệ tiêu cực này bằng cách nhận thức rõ về bản thân và rào cản của mình hơn. Tại sao ta chọn bạn đời theo cách này? Ta bị thu hút bởi những đặc điểm gì – tích cực và tiêu cực? Có khi nào ta kích thích đối phương hành xử theo cách củng cố rào cản của mình không? Ta tạo khoảng cách với họ như thế nào? Ta đang làm những hành động nào khiến mình thấy được bảo vệ nhưng thực ra lại là xua đuổi tình yêu?

2. Tách khỏi những ảnh hưởng quá khứ vốn không còn có ích cho bạn trong hiện tại 

Tiến sĩ Robert đã phát triển thêm một phương pháp để thách thức những xu hướng và rào cản đã trở thành thâm căn cố đế, đó là quá trình mà ông gọi là tách biệt. Quá trình này bao gồm 4 bước:

  • Tách biệt khỏi những thái độ chỉ trích, trừng phạt và tiêu cực mà bạn đã tiếp thu trong quá khứ
  • Tách biệt khỏi những đặc điểm không hay của cha mẹ mà bạn thấy mình cũng có
  • Thách thức những phản ứng phòng vệ (hồi bạn còn nhỏ) mà hiện tại không còn có ích cho bạn nữa
  • Chuẩn bị và học cách sống theo những giá trị của chính bạn – bạn muốn mình là người như thế nào?

Thực hiện những bước tách biệt này cho phép ta sống trong trạng thái cởi mở hơn và theo đuổi những gì mình thực sự mong muốn trong đời.

Làm Thế Nào Để Duy Trì Tình Yêu Đích Thực?

Ta có thể lý giải được lý do khiến tình yêu tàn lụi khi ta hiểu vì sao và làm thế nào mình lại tạo ra liên kết ảo. Liên kết ảo là rào cản mạnh nhất ngăn chặn tình yêu. Thậm chí sau khi loại bỏ rào cản và cho phép mình yêu, ngay khi thấy sợ hãi, dù đó là nỗi sợ mất người yêu hay sợ tách biệt khỏi con người quen thuộc xưa cũ của mình, ta cũng có thể tìm đến một liên kết ảo để duy trì ảo tưởng rằng mình không đơn độc trong khi vẫn giữ khoảng cách cảm xúc với đối phương. Để tránh liên kết ảo, ta nên tránh những đặc điểm được liệt kê bên trên và cũng cần thực hiện những hành động sau.

Những hành động phá vỡ liên kết ảo và giúp ta biết yêu thương hơn:

1. Thể hiện sự âu yếm. Hãy áp dụng ngay cả những cách thức khiêm tốn nhất để kết nối và thể hiện sự âu yếm và sức hấp dẫn.

2. Chậm lại và sống trong hiện tại. Hãy dành thời gian để thực sự trò chuyện và lắng nghe bạn đời.

3. Nhìn vào mắt nhau. Nghe thì đơn giản, nhưng chúng ta thường quên nhìn người mình yêu.

4. Thử những điều quen thuộc. Dành thời gian và duy trì những hoạt động mà hai người đều thích làm cùng nhau.

5. Thử những điều mới lạ. Đừng theo thói quen mãi. Hãy liên tục đề xuất những hoạt động mới và cởi mở đón nhận những hoạt động mà người bạn đời đề xuất.

6. Thay đổi thói quen. Nếu việc lặp đi lặp lại làm bạn giảm hứng thú, hãy sẵn sàng thay đổi thói quen và thể hiện sự tùy hứng.

7. Tránh thụ động và kiểm soát. Cố gắng trao đổi ý kiến một cách công bằng, bình đẳng. Chịu trách nhiệm cho hành động của mình và đừng tìm cách kiểm soát bạn đời.

8. Dùng “anh/em” thay vì “chúng ta”. Hãy nhớ rằng hai người sẽ luôn là hai cá thể riêng biệt và đừng vượt quá giới hạn làm giảm sức hấp dẫn của đôi bên.

9. Cẩn thận với giọng nói chỉ trích trong nội tâm của bạn. Chúng ta đều có một kẻ thù bên trong luôn chỉ trích ta và bạn đời, đồng thời phá hoại những mối quan hệ thân thiết nhất.

10. Làm gì đó một mình. Không thể vì là một cặp mà chúng ta phải làm mọi việc cùng nhau. Đừng từ bỏ những mối quan hệ bạn bè và hoạt động mà bạn thích làm một mình, cũng như đừng buộc bạn đời làm vậy.

11. Nói ra cảm giác của bạn. Đừng chờ đợi bạn đời đọc được suy nghĩ của bạn. Nói ra những gì bạn muốn và cảm nhận được sẽ trực tiếp giúp bạn tránh những hành vi chống đối ngầm hoặc những cách nói ác ý, đồng thời cũng sẽ khuyến khích đối phương làm giống bạn.

12. Tránh lối tư duy “ăn miếng trả miếng”. Yêu là hành động mà mỗi chúng ta phải tự quyết định cho mình. Khi bắt đầu so đo những gì mình làm cho đối phương, chúng ta sẽ tạo ra kỳ vọng và gieo suy nghĩ bất mãn thay vì tập trung vào cảm giác hạnh phúc khi yêu ai đó.

13. Ủng hộ những điều làm bạn đời vui vẻ. Đừng bao giờ ngừng ủng hộ và khích lệ bạn đời sống và làm những điều khiến họ thấy là chính mình… ngay cả khi đó không phải là những điều quan trọng nhất với bạn.

14. Làm những hành động mà bạn đời cho là thể hiện tình yêu. Hãy đảm bảo những điều bạn làm là những điều thực sự quan trọng với bạn đời. Bạn có thể thích được tặng hoa, nhưng bạn đời của bạn có cảm thấy giống vậy không?

15. Đừng cô lập bản thân. Chúng ta rất dễ cô lập bản thân khi cảm thấy xấu hổ, lo lắng, thất vọng hoặc bị bạn đời kích động, nhưng ta phải cố gắng không cô lập mình và đẩy tình yêu ra xa.

Tác giả: Donna Rockwell

Nguồn: UBrand.cool

Chia sẻ ý kiến của bạn:

Chia sẻ

Hãy khám phá bí quyết thấu hiểu bản thân, định hướng cho tương lai để làm chủ cuộc sống của bạn ngay hôm nay!TÌM HIỂU NGAY
+