Dường như sự tò mò chuyện của người khác là một phần bản năng của con người. Nếu không thì tại sao người ta lại ngồi xem hàng tá các chương trình truyền hình thực tế trên ti-vi? Việc nhìn vào cuộc sống của người khác có vẻ đang thỏa mãn một ao ước chứ không chỉ là sự tò mò lúc rảnh rỗi. Có lẽ vì lý do này mà nhiều người thích nói chuyện với người lạ khi có dịp. Dù là đứng xếp hàng trong siêu thị, ngồi ở phòng chờ, hay ngồi cạnh một hành khách trên cùng chuyến đi, thường sẽ có một người bắt chuyện. Nghiên cứu mới dù không cho biết sự tò mò ấy xuất phát từ đâu nhưng ít nhất cũng giúp bạn biết cách tốt nhất để thỏa mãn nó.
Chúng tôi tìm ra một hiểu biết sâu hơn về cách làm người khác mở lòng với mình từ hai giáo sư M. Mahdi Roghanizad thuộc Đại học Waterloo (Canada) và Vanessa Bohns thuộc Đại học Cornell, những người đã khám phá ra vai trò của tương tác trực tiếp so với tương tác qua email trong việc thuyết phục. Nghiên cứu này được thực hiện trên các sinh viên và cho ra kết quả không quá bất ngờ: email không phải là phương tiện truyền thông tin thuyết phục như mọi người vẫn nghĩ. Những người thực hiện nghiên cứu chỉ ra rằng có điều gì đó trong tương tác trực tiếp mà bạn không thể tìm thấy qua email, bất kể bạn nghĩ mình đang đưa ra yêu cầu riêng tư đến mức nào. Roghanizad và Bohns nhận thấy ta rất khó nói “không” trong giao tiếp trực diện, “Họ cảm thấy khó chịu khi làm người khác thất vọng”. Tương tác trực tiếp chủ yếu dựa trên lòng tin, vốn là yếu tố khơi gợi sự đồng cảm.
Việc tạo dựng lòng tin có vẻ rất quan trọng khi yêu cầu của bạn không phải là muốn ai đó làm việc gì, mà chỉ là muốn họ cảm thấy thoải mái mở lòng với bạn. Vì sự tin tưởng và đồng cảm đi đôi với nhau, bạn cũng muốn tỏ ra quan tâm đến những gì người khác đang trải qua trong cùng hoàn cảnh với bạn, càng lâu càng tốt.
Cần hiểu rằng không chỉ sự buồn chán hay tò mò mới thúc đẩy người khác mở lòng với bạn mà bạn có thể chủ động khơi gợi thông tin từ người khác. Bạn có thể học cách tìm lối thoát cho sự bế tắc trong giao tiếp của hai người.
Trong những tình huống này, hãy giữ một cái đầu lạnh để dẫn dắt cuộc trò chuyện theo hướng tìm hiểu nhiều hơn về đối phương thay vì tiết lộ về bản thân mình. Mặc dù những người xa lạ có thể nói hay làm bất cứ điều gì vì họ sẽ chẳng bao giờ gặp lại nhau nữa, nhưng thế giới này nhỏ bé lắm. Bạn sẽ chẳng bao giờ biết được người kia có thể quen biết những ai, và việc tiết lộ vài thói quen xấu hay chuyện cá nhân với người lạ có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.
Trong một số tình huống nhất định, việc làm người khác mở lòng với mình rất quan trọng. Có thể trong một buổi phỏng vấn xin việc hay sơ tuyển vào ngôi trường bạn mong muốn, sơ yếu lý lịch hay bảng điểm chắc chắn là một điểm cộng đầu tiên nếu bạn biết sử dụng đúng cách. Để chuẩn bị cho buổi phỏng vấn, hãy xem thật kỹ thông tin được cung cấp (hoặc những thông tin chưa được cung cấp, như ngày tháng bị thiếu), và đặt những câu hỏi mở phù hợp cho người phỏng vấn bạn.
Làm người khác mở lòng cũng là một chiến lược hữu ích trong việc xây dựng các mối quan hệ thân thiết. Nếu bạn không chắc người bạn mới là người mình muốn có quan hệ lâu dài, tốt hơn là hãy tìm hiểu về họ thay vì tiết lộ về mình. Nghe nhiều hơn nói sẽ giúp bạn quyết định có nên tiếp tục duy trì quan hệ hay không.
Nói chuyện với người lạ còn có những lợi ích khác: Tất cả chúng ta đều biết, dù chỉ là trao đổi qua email hay kết bạn trên Facebook, một sự kết nối thực sự sẽ tạo nên mối quan hệ lâu bền vượt xa những khoảnh khắc tương tác ngắn ngủi giữa hai người. Bạn cũng có thể biết mình thực sự muốn tìm hiểu và biết nhiều hơn về đối phương hay không. Ít nhất bạn cũng nhận được lời khuyên thiết thực giúp biết cách xử lý tình huống tốt hơn trong những lần sau.
Vậy thì việc làm người khác mở lòng đồng nghĩa với việc khiến họ cung cấp thông tin cho bạn nhiều hơn. Có 5 bước giúp bạn làm được điều này:
1. Để Ý Kỹ Bất Kỳ Thông Tin Nào Đối Phương Chia Sẻ Ngay Từ Đầu Cuộc Trò Chuyện
Tên của đối phương có thể mang đến những đầu mối thú vị, hoặc nó có thể là các thông tin bạn nghe lỏm được về xuất xứ của họ. Mặc dù thông tin có thể hơi chung chung và tẻ nhạt nhưng nó cũng đem lại những điều cơ bản để bạn tiếp tục cuộc trò chuyện.
2. Tạo Một Điểm Liên Kết Và Dùng Nó Để Tiếp Tục Cuộc Trò Chuyện
“Tôi có một người bạn thân tên là Nancy,” hoặc “Ồ, tôi nghe nói bạn đến từ Cape Cod. Tôi từng ở đó một thời gian.” Nếu cả hai đều đang ở trong một tình huống không thoải mái cho lắm (phải chờ đợi trong một hàng dài), hãy bình luận về tình trạng khổ sở ấy (“Tôi cứ nghĩ hàng này sẽ nhanh lắm, hóa ra không phải”). Hãy tiết lộ một chút về bản thân bạn, nhưng chỉ một lượng thông tin tối thiểu để duy trì cuộc trò chuyện.
3. Đừng Giả Định
Một người lạ mặc quần jean và áo nỉ mỏng ngồi xuống bên cạnh bạn trong một bữa tối trang trọng – có thể bạn sẽ nghĩ rằng người này vào nhầm chỗ, vì rõ ràng là anh/cô ta không phù hợp với nơi này. Trước khi kết luận đây là một người tầm thường, hãy duy trì sự thân thiện và cách cư xử tôn trọng. Ta đều biết là đừng “trông mặt mà bắt hình dong”.
4. Đặt Câu Hỏi Nhưng Không Tỏ Vẻ Tọc Mạch
Dùng các dữ liệu bạn có sẵn, như sơ yếu lý lịch hoặc bảng điểm, bắt đầu với những câu hỏi chung mà bạn hi vọng sẽ đưa đến những thông tin cụ thể hơn. Bạn có thể nhận thấy đối phương có một khoảng thời gian làm việc ngắn bất thường hoặc một điểm xấu trong bảng điểm. Họ có thể có lý do, nhưng để tìm được sự thật, hãy kiên nhẫn cho họ thời gian giải thích. Nếu đó là một tình huống không quá trang trọng, hãy hỏi một số lượng câu hỏi phù hợp trong bối cảnh tương tác.
5. Biết Khi Nào Nên Lùi Lại
Tại một vài thời điểm, đối phương có thể sẽ muốn ngưng cuộc trò chuyện hoặc không trả lời câu hỏi của bạn. Điểm xấu trên bảng điểm có thể do một người họ hàng thân thiết của họ qua đời, hoặc môn học đó đơn giản là quá khó. Nếu bạn đã có câu trả lời và đối phương thể hiện rõ sự buồn bã khi nói về nó, hãy tạm gác vấn đề đó lại và chuyển hướng cuộc hội thoại.
Rất dễ tập các kỹ năng theo hình thức giao tiếp này vì ta thường xuyên gặp những người mình không quen biết. Khi đã thành công, bạn sẽ tìm ra nhiều cơ hội hơn nữa để thỏa mãn không chỉ sự tò mò của bản thân, mà còn tạo nên những mối quan hệ thú vị bất ngờ có thể thay đổi cả cuộc đời mình.
Tác giả: Susan Krauss Whitbourne
Nguồn: ubrand.cool