[ ]
Tâm trí của bạn có sức mạnh rất lớn. Tuy vậy, nếu giống như hầu hết mọi người, có lẽ bạn cũng dành rất ít thời gian để xem xét về cách mình suy nghĩ. Dù sao thì, ai lại suy nghĩ về việc suy nghĩ nhỉ?
Nhưng cách bạn nghĩ về bản thân có thể biến thành thực tế. Nếu bạn có những kết luận không chính xác về con người và năng lực của mình, bạn sẽ tự giới hạn tiềm năng của bản thân.
I. Mối Liên Hệ Giữa Suy Nghĩ, Cảm Xúc Và Hành Vi
Suy nghĩ của bạn là tác nhân sinh ra những cái vòng lẩn quẩn. Suy nghĩ ảnh hưởng đến cách bạn cảm nhận và cư xử. Nếu bạn nghĩ mình là một kẻ thất bại, bạn sẽ cảm thấy như thể mình thất bại. Khi đó, bạn sẽ hành động như một kẻ thất bại, điều này càng làm củng cố niềm tin rằng bạn chắc chắn là một kẻ thất bại.
Tôi luôn nhận ra điều này trong quá trình trị liệu. Một khách hàng nói với tôi rằng “Tôi không đủ giỏi để thăng tiến trong sự nghiệp.” Suy nghĩ mặc định này khiến cô ấy nản chí và nỗ lực ít hơn. Chính việc thiếu nỗ lực khiến cô không được thăng chức.
Hoặc ai đó sẽ nói, “Tôi thật sự vụng về trong tương tác xã hội.” Do đó, khi tham dự một buổi họp mặt, anh ta sẽ ngồi một mình trong góc phòng. Khi không thấy ai đến bắt chuyện với mình, anh ta càng tin rằng mình thật vụng về trong tương tác xã hội.
II. Niềm Tin Được Củng Cố
Một khi rút ra kết luận về bản thân, có khả năng bạn sẽ làm 2 việc: Tìm kiếm những bằng chứng củng cố niềm tin của bạn, và loại bỏ bất cứ điều gì trái ngược với niềm tin của bạn.
Ví dụ, một người tin rằng anh ta là kẻ thất bại sẽ xem mỗi sai lầm là bằng chứng cho thấy mình không đủ giỏi. Khi thành công ở một việc nào đó, anh ta sẽ cho là nhờ may mắn.
Hãy dành chút thời gian cân nhắc rằng có lẽ việc thiếu tài năng hoặc thiếu kỹ năng không kiềm hãm bạn. Thật ra, có thể chính những niềm tin của bạn đã ngăn bạn phát huy năng lực tối đa của mình.
Việc nhìn nhận tích cực hơn có thể dẫn đến kết quả tốt hơn. Những suy nghĩ tích cực không có quyền năng kỳ diệu. Nhưng những suy nghĩ lạc quan này có thể dẫn đến những hành vi hữu ích, giúp nâng cao khả năng đạt được thành công.
III. Thách Thức Niềm Tin Của Bạn
Hãy nhìn những cái nhãn bạn tự dán lên chính mình. Có thể bạn khẳng định rằng mình thiếu năng lực. Hoặc có thể bạn cho rằng mình là một lãnh đạo tồi. Hãy nhắc nhở bản thân đừng để những niềm tin này giới hạn tiềm năng của bạn. Chỉ vì bạn nghĩ về điều gì đó, không có nghĩa nó phải trở thành sự thật.
Tin tốt lành là bạn có thể thay đổi cách nghĩ, cách nhìn nhận và cả cuộc đời mình. Sau đây là 2 cách giúp bạn thách thức những niềm tin của mình:
1. Tìm bằng chứng đối nghịch
Hãy ghi lại những thời điểm mà mọi việc không đúng như niềm tin của bạn. Việc thừa nhận những trường hợp ngoại lệ sẽ nhắc nhở bạn rằng niềm tin của bạn không phải lúc nào cũng đúng.
2. Thách thức niềm tin
Hãy thực hiện những cuộc thí nghiệm hành vi để kiểm tra xem những niềm tin của bạn đúng tới mức độ nào. Nếu bạn nghĩ mình không đủ giỏi, hãy làm điều gì đó khiến bạn cảm thấy mình có giá trị. Nếu bạn tự cho mình là quá nhút nhát đến nỗi không thể ra khỏi vòng tròn thoải mái, hãy buộc mình làm một việc nằm ngoài vòng tròn đó một chút.
Thông qua luyện tập, bạn có thể rèn luyện cho bộ não suy nghĩ khác đi. Khi bạn từ bỏ những niềm tin hạn chế bản thân, bạn sẽ được chuẩn bị tốt hơn để vươn tới tiềm năng lớn nhất của mình.
Tác giả: Amy Morin
Nguồn: ubrand.cool