
Purchase this image at https://www.stocksy.com/1435380
- Hiệu ứng Hawthorne
Tại công xưởng Hawthorne ở ngoại ô bang Chicago (Mỹ), công nhân thường xuyên bất bình nên tình hình sản xuất không tốt lắm. Sau đó, chuyên gia tâm lý đến đây làm một cuộc thí nghiệm trong thời gian 2 năm: ông trò chuyện riêng với hơn 20.000 công nhân và nhẫn nại lắng nghe mọi ý kiến bất mãn của họ đối với công xưởng. Cuộc thí nghiệm đã đem lại kết quả không ngờ: sản lượng đã tăng vượt bậc. Rõ ràng, con người có rất nhiều thắc mắc hoặc bất mãn nhưng không phải lúc nào cũng có thể biểu đạt ra được. Sau khi họ “được nói” thì sẽ có một sự thỏa mãn, họ cảm thấy dễ chịu và nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Cho nên trong cuộc sống, đôi khi bí quyết để giúp đỡ một ai đó rất đơn giản, đó là LẮNG NGHE. Ai cũng có nỗi niềm cần chia sẻ, đôi khi thứ họ cần không phải là một tá những lời khuyên, thứ họ cần đôi khi chỉ là một người biết lắng nghe và có thể cảm nhận phần nào nỗi lòng của họ. Vậy nên, hãy là người biết chia sẻ đúng lúc, và là một người biết lắng nghe khi cần. Trong một xã hội hiện đại, con người ngày càng nhiều áp lực, nhiều căng thẳng và ít thời gian để chia sẻ cũng như để lắng nghe nỗi lòng của nhau thì chúng ta càng ngày càng cần những người thấu hiểu tâm lý, biết xuất hiện đúng lúc, biết nói đúng thời điểm và biết lắng nghe khi cần.
- Hiệu ứng tăng giảm
Hiệu ứng này trong giao tiếp giữa người với người: Bất cứ ai cũng đều hy vọng sự yêu thích, ưu tiên của đối phương dành cho mình “không ngừng tăng lên” chứ không phải “không ngừng giảm đi”. Rất nhiều người bán hàng nắm được tâm lý này của khách hàng, nên khi cân món hàng, họ luôn lấy một phần nhỏ để lên rồi từ từ “thêm vào thêm vào” cho đủ số lượng, chứ không lấy một phần lớn rồi sau đó lại bớt ra. Mặc dù cả hai cách đều đạt kết quả như nhau nhưng hành động “thêm vào” sẽ khiến khách hàng cảm thấy hài lòng hơn rất nhiều.
Khi chúng ta phê bình đánh giá ai chúng ta thường được khuyên là “khen trước, chê sau”. Kỳ thực cách này không lý tưởng lắm, tốt hơn hết là hãy chỉ ra những lỗi lầm rồi sau đó khích lệ bằng những “thành quả” đạt được, như thế họ sẽ dễ dàng tiếp thu nhận xét của bạn và có thiện chí sửa chữa hơn. Hãy thẳng thắn về những gì họ làm chưa tốt rồi sau đó hãy khích lệ họ. Và chỉ cần lưu ý một điều là nếu như nói về điều người khác làm không tốt, hãy nói hành vi chứ đừng nhắm vào con người. Ví dụ, nói rằng hôm nay bạn trễ giờ hẹn, mình không hài lòng với hành động trễ giờ đó. Chứ không nhắm vào con người theo kiểu, bạn là loại người không có uy tín, không đáng tin. Đây là một mẹo tâm lý rất quan trọng.
- Hiệu ứng cánh bướm
Nghiên cứu cho thấy, những khí lưu yếu và nhỏ của một con bươm bướm tình cờ vỗ cánh ở Nam bán cầu kết hợp với vô số các nhân tố khác thì sau vài tuần đã biến thành một trận vòi rồng ở bang Texas (Mỹ)! Các nhà khoa học gọi đây là “hiệu ứng cánh bướm”: Một nhân tố khởi nguồn cực nhỏ, trải qua một thời gian nhất định dưới tác dụng của các nhân tố khác thì hoàn toàn có thể phát triển thành sức ảnh hưởng cực kỳ lớn và phức tạp. Đừng bao giờ xem thường những thứ nhỏ bé. Một câu nói, một chuyện, một hành vi nhỏ nếu như đúng đắn sẽ ảnh hưởng tích cực rất lớn, còn nếu sai lệch thì ảnh hưởng tiêu cực cũng lớn như vậy.
Hiệu ứng này thể hiện sức mạnh của những việc nhỏ, và đừng coi thường những việc nhỏ. Hiệu ứng này còn có tên khác là hiệu ứng Domino hay hiệu ứng Điểm bùng phát. Đôi khi, chính những việc nhỏ là nguyên nhân tạo ra ảnh hưởng lớn. Nếu mỗi ngày tiết kiệm một cốc cafe, thì cả đời bạn có thể tiết kiệm được cả tiền tỷ. Nếu mỗi ngày cứ coi thường rằng một hành động nhỏ không sao đâu, khi nó dẫn đến điểm bùng phát thì hậu quả hết sức nguy hiểm. Cho nên, đừng coi thường những chuyện nhỏ.
(Các bạn có thể xem thêm bài viết: Hiệu ứng domino, hiệu ứng hòn tuyết lăn và đừng coi thường những chuyện nhỏ: https://tamly.blog/hieu-ung-domino-hieu-ung-hon-tuyet-lan-va-dung-coi-thuong-nhung-chuyen-nho-phan-1/)
- Hiệu ứng đóng kí hiệu
Trong thế chiến 2, do binh lính không đủ nên Mỹ đã đưa tù nhân ra tiền tuyến chiến đấu. Mỹ đặc phái vài chuyên gia tâm lý đến huấn luyện các tù nhân này và theo họ cùng ra tiền tuyến. Trong thời gian huấn luyện, các nhà tâm lý bắt mỗi người mỗi tuần phải viết một lá thư tỉ mỉ cho người thân nhất của mình. Nội dung thư như sau: biểu hiện của tù nhân trong ngục tốt như thế nào, tự cải tạo mình như thế nào v.v. Sau 3 tháng ra tiền tuyến, nhà tâm lý lại yêu cầu họ viết thư rằng họ đã phục tùng chỉ huy như thế nào, chiến đấu dũng cảm ra sao v.v. Kết quả là, biểu hiện của đội binh tù nhân này không hề thua kém binh lính thực thụ. Họ trở nên giống y như những gì trong thư họ viết. Hiện tượng này được gọi là “hiệu ứng đóng kí hiệu”, còn có tên gọi khác là “hiệu ứng ám thị”.
Hiệu ứng này cách ứng dụng hơi giống với luật hấp dẫn (Law of attraction); tức là nếu bạn muốn làm được điều gì đó, hoặc muốn trở thành một người nào đó, hãy ngồi viết ra điều mình mong muốn. Hãy viết thật chi tiết, mô tả thật rõ ràng. Ví dụ bạn muốn mình là một người như nào, rồi chẳng hạn bạn muốn mình có một gia đình như nào, một người yêu như nào, một công việc ra sao, hãy miêu tả thật chi tiết. Và hàng ngày, hãy hình dung và tưởng tượng những điều đó. Hàng ngày đứng trước gương hãy tự nhắc nhở mình nghĩ về những điều đó. Khi mong muốn được tích lũy đủ lâu, thì từ cái vô hình sẽ biến thành cái hữu hình. Dĩ nhiên, muốn có kết quả thì phải có cả một quá trình hành động. Tuy nhiên, mọi thứ khởi điểm từ mong muốn ở bên trong tâm trí trước.
- Hiệu ứng ngưỡng vào
Cuộc sống hằng ngày có một hiện tượng thế này: Khi bạn bắt đầu nhờ người khác giúp đỡ, nếu đưa yêu cầu quá cao thì rất dễ bị cự tuyệt, ngược lại nếu đầu tiên bạn đưa ra yêu cầu nhỏ thôi, sau khi người khác đồng ý hãy tăng thêm yêu cầu thì sẽ dễ đạt được mục tiêu hơn. Các nhà tâm lý học gọi đây là “hiệu ứng ngưỡng vào”.
Trong giáo dục con cái, hãy yêu cầu thấp thôi, khi trẻ đã làm đúng rồi, hãy cho chúng sự khẳng định và biểu dương, khích lệ, thế thì những yêu cầu tăng dần sau đó sẽ khiến trẻ vui vẻ thực hiện hơn. Trong mối quan hệ, khi muốn yêu cầu ai đó làm gì đó, thì đừng đưa ra cả một yêu cầu lớn, hãy nhờ từng việc nhỏ một, xong rồi lại nhờ tiếp việc nhỏ tiếp theo, như thế tâm lý người được nhờ lúc đầu cũng thoải mái, và sau khi được nhờ thêm việc nhỏ thì cũng không khó chịu gì.
Hiệu ứng tâm lý này cũng ứng dụng nhiều trong kinh doanh. Khi đi ăn nhà hàng, món ăn chính thường được để giá khá rẻ, nhưng khách hàng sẽ được mời thêm những món phụ khác, từng chút từng chút một. Khi đi mua đồ, sẽ được mời mua thêm phụ kiện. Nếu không khéo làm chủ cảm xúc, kết quả là chúng ta sẽ mua cả tá đồ mang về. Cho nên, hãy thật tỉnh táo trước những lời mời gọi, và đừng để cảm xúc lấn át lý trí của mình.
*Tổng hợp bởi Tâm lý học ứng dụng
*Xem thêm: 10 Hiệu Ứng Tâm Lý Ứng Dụng quan trọng trong cuộc sống – Phần 1
https://tamly.blog/10-hieu-ung-tam-ly-ung-dung-quan-trong-trong-cuoc-song-phan-1/